Mặc dù đã được tăng cường đầu tư nhưng theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành điện, lưới điện truyền tải hiện nay vẫn chưa đáp ứng yêu cầu truyền tải điện. Tình trạng quá tải còn xảy ra ở nhiều khu vực và nguy cơ sự cố gây mất điện trên diện rộng cao.
Đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải
Để hệ thống điện quốc gia đảm bảo vận hành an toàn, liên tục và ổn định, giải quyết dứt điểm tình trạng đầy và quá tải đường dây và trạm biến áp, theo tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), khối lượng đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải các năm tới còn rất lớn.
Nhà máy điện Cao Ngạn (Vinacomin) hòa vào mạng lưới quốc gia. Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN |
Kể từ năm 2014, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia sẽ phải đầu tư trên 17.000 tỷ đồng/năm để tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án trọng điểm như đường dây 500 kV Plâycu - Mỹ Phước - Cầu Bông, Vĩnh Tân - Sông Mây, Phú Mỹ - Sông Mây, Sông Mây - Tân Định, Quảng Ninh - Mông Dương, trạm 500 kV Cầu Bông và các đường dây đấu nối. Bên cạnh đó, tổng công ty cũng phải tập trung thu xếp vốn cho 47 dự án cấp bách năm 2013 đã được Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ như đường dây 500 kV Lai Châu - Sơn La, nâng dung lượng tụ bù đường dây 500 kV Nho Quan - Hà Tĩnh, đường dây 220 kV Hà Đông - Thành Công. Một trong những giải pháp vô cùng quan trọng đảm bảo tiến độ các dự án đầu tư cũng như khối lượng đầu tư lớn chính là tháo gỡ các khó khăn về vốn và giải phóng mặt bằng, trong đó có vai trò quan trọng của chính quyền các địa phương trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Mục tiêu là đến năm 2020, Việt Nam có một hệ thống lưới điện truyền tải hiện đại và thông minh, đáp ứng các điều kiện để EVN cung cấp đủ điện cho đất nước với sản lượng điện truyền tải ở mức từ 265 - 275 tỷ kWh/năm, đồng thời liên kết với lưới điện truyền tải các nước trong khu vực; 100% trạm biến áp đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường theo ISO 14001; toàn bộ lưới điện truyền tải được trang bị các hệ thống giám sát, định vị sự cố, cảnh báo sự cố online cho các máy biến áp. Mặt khác, các quy định, tiêu chuẩn về vận hành lưới điện truyền tải cũng được hoàn thành đáp ứng yêu cầu vận hành hệ thống có sự tham gia của nhà máy điện hạt nhân.
Hiện nay, giá truyền tải điện quá thấp, chỉ chiếm 6% giá bán điện bình quân, chỉ đủ bù đắp chi phí sản xuất tối thiểu chưa bao gồm lỗ chênh lệch tỷ giá và không có đủ vốn đối ứng phục vụ đầu tư xây dựng cơ bản. Bên cạnh đó, nhu cầu đầu tư lưới điện truyền tải ngày càng tăng cao trong khi vốn khấu hao cơ bản chỉ đủ trả nợ gốc và lãi vay. Các chỉ tiêu tài chính xấu đã không đáp ứng được yêu cầu của các tổ chức cho vay vốn và quy định của Bộ Tài chính đối với các dự án truyền tải.
Do đó, vấn đề đặt ra hiện nay là giá truyền tải điện phải đạt tới mức hợp lý để có thể bảo toàn và phát triển được phần vốn nhà nước đầu tư trong lĩnh vực truyền tải điện, đồng thời đảm bảo có đủ vốn cho đầu tư xây dựng và có lợi nhuận.
Bảo vệ an toàn hành lang lưới điện
Đặc biệt, sự cố xảy ra trên đường dây 500 kV Di Linh - Tân Định ngày 22/5 vừa qua chỉ do một chiếc cần cẩu trong lúc đường dây này đang truyền tải công suất cao, làm mất liên kết hệ thống điện 500 kV Bắc - Nam và toàn bộ 22 tỉnh trong khu vực miền Nam bị mất điện với tổng công suất khoảng 9.400 MW, gây thiệt hại đáng kể về kinh tế đã cảnh báo về tính an toàn và bền vững của hệ thống điện quốc gia.
Sự cố trên cho thấy, cùng với việc đầu tư nâng cấp lưới điện truyền tải, về lâu dài, hệ thống điện quốc gia phải tập trung vào các giải pháp nhằm nâng độ tin cậy và ổn định của lưới điện truyền tải, từng bước giải quyết các bất cập hiện nay như tình trạng đầy và quá tải đường dây và trạm biến áp, điện áp thấp... Cùng với đó, cần tiếp tục củng cố công tác quản lý vận hành, đổi mới kỹ thuật, tăng cường kiểm tra thiết bị, bảo vệ an toàn hành lang lưới điện truyền tải quốc gia nhằm phát hiện sớm các khiếm khuyết, tồn tại, không để xảy ra sự cố chủ quan, hạn chế và xử lý nhanh chóng các sự cố khách quan.
Mai Phương