Thêm 4 tấn gạo cứu trợ cho đồng bào Rục ở bản Ón

d
 Đồng bào Rục ở các bản Ón, Mò O Ồ Ồ, Yên Hợp, xã Thượng Hóa thuộc tỉnh Quảng Bình, nơi đang bị nước lũ cô lập, vừa được Đồn Biên phòng 585 thuộc Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Quảng Bình và UBND huyện Minh Hóa cứu trợ thêm 4 tấn gạo để đảm bảo cuộc sống.

Theo Trung tá Trịnh Thanh Bình, Đồn trưởng Đồn Biên phòng 585 thì số gạo cứu trợ này đã được cấp phát kịp thời đến tận 178 hộ với 753 nhân khẩu đồng bào Rục ở đây. Trung bình mỗi nhân khẩu được cấp trên 5,3 kg gạo. Số gạo này tuy không nhiều, nhưng đã làm ấm lòng đồng bào Rục trong thời điểm khó khăn do bị nước lũ cô lập.Trước đó, với phương châm không để đồng bào bị đói trong mùa mưa lũ, huyện Minh Hóa và Đồn Biên phòng 585 cũng đã tiến hành cứu trợ cho đồng bào Rục ở đây hơn 4 tấn gạo.

Hiện nay, con đường độc đạo nối đường Hồ Chí Minh vào các bản Ón, Mò O Ồ Ồ, Yên Hợp vẫn bị ngập trong nước lũ ở một vài đoạn, gây cô lập đồng bào Rục với bên ngoài. Trong đó, đoạn ngầm Kiểm lâm (sát đường Hồ Chí Minh) và đoạn Hung Trâu (cách đường Hồ Chí Minh khoảng 2 km) bị nặng nhất với chiều dài bị ngập, bị lũ cuốn, hất nền đường lên đến hàng trăm mét.

Để phá thế bị cô lập này, Đồn Biên phòng 585 phối hợp với Ủy ban Nhân dân xã Thượng Hóa bố trí lực lượng, phương tiện ca nô, phao đặc dụng, thuyền ở các điểm bị ngập lụt để chuyên chở đồng bào qua lại khi có yêu cầu. Ngoài ra, Đồn Biên phòng 585 còn thường xuyên cử cán bộ về từng bản, kiểm tra từng gia đình để phát hiện những khó khăn, vướng mắc mà đồng bào đang gặp phải, từ đó đưa ra hướng giúp đỡ kịp thời.


Một điểm ngập lũ trên đường vào Thượng Hóa.
Ảnh: bienphong.com.vn

 

Cũng tại Quảng Bình, hiện nước lũ đã cơ bản rút hết. Để chủ động phòng chống một số dịch bệnh thường gặp sau lũ như đau mắt đỏ, bệnh da liễu, nước ăn chân…, Trung tâm phòng chống bệnh xã hội Quảng Bình đã khẩn trương phối hợp với Trung tâm y tế dự phòng các huyện, thành phố trong tỉnh Quảng Bình, nhanh chóng cử cán bộ xuống tận thôn, xóm, các xã của các huyện bị ảnh hưởng nặng trong đợt lụt vừa qua để kiểm tra, giám sát, qua đó cấp phát hàng ngàn viên, lọ thuốc đau mắt đỏ, bệnh da liễu như: Clarithromycin, Quafacef, Cloramphenicol, Natri clorid, A.D.O và một số loại thuốc đặc trị khác cho nhân dân vùng lũ, nhằm phòng chống bệnh lây lan nhanh trong cộng đồng dân cư.

* Ban chỉ huy PCLB tỉnh Quảng Nam đã có văn bản đề nghị Trung ương hỗ trợ 10 tỷ đồng giúp địa phương sớm khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra trong thời gian qua.

Theo thống kê, đợt mưa lũ từ ngày 15-20/10 vừa qua ở Quảng Nam đã làm 1 người chết, 4 người mất tích. Ngoài ra, còn có 02 công nhân từ nơi khác đến làm ăn tại huyện Nam Trà My cũng bị lũ cuốn trôi. Mưa lũ đã làm 3 nhà dân bị sập hoàn toàn (Núi Thành: 01, Quế Sơn: 2); hơn 900 nhà dân bị ngập sâu trong nước (huyện Núi Thành: 810 nhà, huyện Nông Sơn: 91 nhà, huyện Quế Sơn: 34 nhà); 43 tấn lúa bị hư hỏng (huyện Núi Thành 42 tấn, Nông Sơn 01 tấn); 380 ha rau màu bị ngập úng (Đại Lộc: 230 ha, Quế Sơn: 90 ha, Thăng Bình: 60 ha, Núi Thành 4 ha); hàng chục con trâu bò, hàng chục ngàn con gia cầm bị lũ cuốn trôi, tại huyện Núi Thành có 6 tấn cá của người dân nuôi bị cuốn trôi… Mưa lũ cũng làm hư hỏng nhiều tuyến tỉnh lộ, đường liên huyện, liên xã. Hàng chục ngàn m3 đất đá bị sạt lở gây ách tắc giao thông. Hàng chục cầu cống, đập dâng, đập bổi, cầu treo, cầu tạm, trụ điện bị cuốn trôi, ngã gãy… Ước tính thiệt hại do đợt mưa lũ vừa rồi gây ra trên địa bàn tỉnh Quảng Nam khoảng 25 tỷ đồng.

Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Quảng Nam, ông Trương Khuê cho biết: Ngay sau khi một số cơ quan báo chí có đăng thông tin phản ánh về việc các em học sinh ở xã miền núi Tam Sơn, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, hàng ngày phải lội qua sông Mùi để đến trường rất nguy hiểm đến tính mạng, Ban ATGT tỉnh đã kiểm tra tình hình thực tế và tặng 40 cặp áo phao cho các em học sinh. Đây là chương trình vì bình yên sông nước quê em, do Cục đường thủy nội địa Việt Nam ủng hộ, để góp phần tạo thuận lợi, đảm bảo an toàn cho các em học sinh xã Tam Sơn, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam qua lại dòng sông Mùi đến trường.

Xã Tam Sơn có 6 thôn nhưng bị chia cắt bởi con sông Mùi rộng khoảng 150 mét, ở bên bờ tây có 3 thôn và phía bờ đông gồm 3 thôn còn lại. Địa thế có phần gây trở ngại trong lưu thông hàng ngày của người dân và các em học sinh đến trường. Đặc biệt, trong mùa mưa lũ, khi nước sông lên cao, dòng chảy xiết, việc qua sông bằng đò không đảm bảo. Đến khoảng tháng 10 hàng năm nước lũ chảy xiết, học sinh phải nghỉ học. Một cây cầu bê tông bắc qua sông là việc cần làm ngay sau mùa mưa lũ này.



TTXVN/Tin Tức
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN