Nhiều địa điểm mang tính biểu tượng trên thế giới đã tắt đèn vào tối 23/3 để hưởng ứng Giờ Trái Đất, một chiến dịch nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu, do quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (World Wildlife Fund) khởi xướng.
Người dân Mumbai (Ấn Độ) thắp nến hưởng ứng Giờ Trái đất. |
|
Đúng 8 giờ 30 phút tối theo giờ địa phương, các tòa nhà chọc trời của Sydney chìm vào bóng tối trong tiếng reo hò cổ vũ của đám đông. Nhà hát Opera Sydney chuyển sang màu xanh, biểu tượng của nguồn năng lượng tái tạo.
Tại Nhật Bản, du khách có cơ hội được đạp xe đạp để tạo ra năng lượng cung cấp điện cho tác phẩm nghệ thuật hình quả trứng. Bảo tàng tưởng niệm Hòa bình Hiroshima, một di sản thế giới được UNESCO công nhận, cũng chìm vào bóng tối trong khuôn khổ chương trình.
Tại Bắc Kinh (Trung Quốc), đèn cũng vụt tắt tại sân vận động Tổ Chim trong khi các khách sạn ở các quận tài chính của Thượng Hải cũng được kêu gọi tắt đèn trong phòng để hưởng ứng sự kiện toàn cầu này. Các tòa nhà chọc trời ở Hong Kong cũng chìm vào bóng tối.
Tại đảo quốc Singapore, một đám đông gần 1.000 người đã theo dõi chương trình tắt đèn trên một sân khấu nổi trước khi hòa mình vào một màn biểu diễn âm nhạc mà tất cả mọi người cùng nhảy múa trong bóng tối.
Để hưởng ứng Giờ Trái đất, Ấn Độ cũng đã tắt đèn tại các địa điểm như tháp đá Qutab Minar, lăng mộ của Humayun và Pháo đài Đỏ. "Kinh đô Ánh sáng" Paris cũng đã tắt đèn tại tháp Eiffel song tòa tháp biểu tượng chỉ chìm vào bóng tối trong năm phút vì các lí do an ninh.
Lần đầu tiên, Điện Kremlin của Nga cũng tắt đèn trong suốt 1 giờ đồng hồ theo yêu cầu của Tổng thống Vladimir Putin. Quảng trường Thánh Mark nằm ở trung tâm Venice (Italy) cũng đã sử dụng nến thay cho ánh đèn....
Các nhà tổ chức trông đợi sự kiện Giờ Trái Đất năm nay thu hút sự hưởng ứng của hàng trăm triệu người tại trên 150 quốc gia vòng quanh thế giới như một cách để thể hiện sự quan tâm tới “Hành tinh Xanh”.
Hình ảnh nhà hát Opera Sydney trước và trong chương trình Giờ Trái Đất. Ảnh: Internet |
Chương trình Giờ Trái Đất bắt nguồn ở Sydney với mục đích ban đầu nhằm kêu gọi người dân và doanh nghiệp cùng tắt đèn trong một giờ đồng hồ để nâng cao nhận thức về ô nhiễm carbon.
Giám đốc Bảo vệ Thiên nhiên Thế giới Dermot O’Gorman nói: “Sự kiện diễn ra ở Sydney vào năm 2007 với 2 triệu người tham gia giờ đây đã trở thành một truyền thống trên khắp cả nước và thế giới. Tôi cho rằng sức mạnh của Giờ Trái Đất nằm ở chỗ nó có khả năng kết nối mọi người và kết nối họ trong một vấn đề mà họ thật sự quan tâm, đó chính là môi trường”.
A.M (Theo AFP)