Ngày Tết bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp hàng năm. Cũng sau ngày 23 tháng Chạp, những buổi cơm tất niên, lễ rước ông bà về ăn Tết cùng gia đình mới bắt đầu tổ chức. Việc đưa ông táo về trời để trình bày với thượng đế những công việc ở trần gian là tập tục đã trải qua hàng ngàn năm, tùy vùng miền mà có sự thay đổi, cũng như ảnh hưởng đến sự thay đổi của tiến bộ khoa học.
Việc đưa ông táo bắt nguồn từ một truyền thuyết: “một bà hai ông” về táo quân như sau: Ngày xưa có hai vợ chồng nhà nọ rất nghèo khổ là Trọng Cao, và Thị Nhi lấy nhau đã lâu mà không có con. Một hôm Thị Nhi bị chồng đánh đã bỏ nhà ra đi, gặp Phạm Lang và kết hợp thành vợ chồng. Trọng Cao nguôi giận, đi mọi nơi để tìm vợ, lang thang mãi, khi đến một nhà nọ xin ăn thì gặp bà chủ chính là vợ mình cho ăn.
Hai vợ chồng nhận ra nhau. Lúc đó, Phạm Lang bất ngờ trở về, Thị Nhi bèn đem Trọng Cao giấu trong đống rơm. Phạm Lang vô tình đốt đống rơm để lấy tro, Trọng Cao bị chết cháy, thấy vậy Thị Nhi cũng lao vào lửa chết theo chồng cũ. Phạm Lang thấy vợ chết cũng lao mình vào đống rơm đang cháy ấy mà chết theo. Thượng đế thấy ba người có nghĩa tình mới phong cho làm Táo Quân, và phân chia mỗi người một việc. -Phạm Lang là Thổ Công trông lo việc bếp - Trọng Cao là Thổ Địa trông nom việc nhà - Thị Nhi là Thổ Kỳ trông nom việc chợ búa.
Như vậy, ông táo từ nói chung gồm một bà hai ông, cho nên các lò đất, kiềng sắt hay các loại lò đơn giản luôn chỉ có ba chân. Trên thực tế thì kê ba chân giúp cho giữ vững phương tiện nấu nướng, lại tạo ra khoảng trống phù hợp để lửa cháy và gió lộng. Đời sống tâm linh đã tạo nên câu chuyện trên cũng như nhiều dị bản khác nhau. Ba miền Bắc Trung Nam vì thế có cách cúng kiến để đưa ông táo về trời. Miền Bắc thường hay thả cá chép sống xuống ao, hồ, sông, rạch để ông bà táo làm phương tiện đi lên trời. Miền Trung thì cúng ngựa giấy chẳng hạn, còn miền Nam thì chỉ cúng quần áo. Các quần áo đồ mã để cho ông bà táo có trang phục lên đường cũng rất được chăm chút để ông bà táo có quần áo đẹp để lên đường…
Trong thời bếp lò, vào ngày 23 tháng Chạp, người dân luôn chuẩn bị các bếp lò mới để thay thế bếp lò cũ đã xài trong năm qua. Giống như thay nhà mới để ông bà táo có ngôi nhà mới vào ngày 30 tháng Chạp, sau khi từ thiên đình trở về, có chỗ ở mới. Bếp lò của người dân Việt thường là kiềng sắt dùng các loại chất đốt như rơm, rạ, các loại củi khô thu nhặt trong vườn hoặc rừng. Tiến lên một bước thì xài các loại lò đất cũng có ba quai nâng đỡ các dụng cụ nấu nướng và đến lò than thông dụng. Cũng vào những ngày giáp Tết, các cơ sở chuyên sản xuất lò đất trở nên rộn rịp hẳn lên vì phải sản xuất kịp để cho các nhà dân mua về thay lò mới vào ngày đưa ông táo về trời. Chiếc lò bếp chính là vật dụng mới toanh đầu tiên để chuẩn bị cho một năm mới.
Có người nói rằng, giữa thời buổi cấm phá rừng, và tiện nghi đời sống của người dân cao hơn, việc thay đổi bếp lò than, lò củi sang bếp điện, bếp gas khiến cho tập tục cúng ông táo ít nhiều giảm đi. Bởi chẳng ai lại đem ném chiếc bếp gas hoặc bếp điện ra ngoài cửa mà đi mua cái mới. Tục thay ông táo ngày Tết vì thế cũng khác xưa, nhưng lễ cúng tiễn ông táo vẫn không thay đổi.
Ở Nha Trang nổi danh với làng làm ông táo Lư Cấm. Mỗi năm việc bận rộn sản xuất bếp lò vẫn diễn ra. Vào dịp Tết, cả ngàn chiếc lò đất được làm ra không kịp bán. Các làng gốm khác cũng sản xuất lò đất theo thời vụ để kịp cung ứng nhu cầu ngày Tết. Bởi trên thực tế, dẫu bếp gas, bếp điện đã thực sự bị thay thế ở thành thị, nhưng đời sống của người dân nông thôn vẫn trung thành với chiếc bếp lò cổ truyền. Vào đêm 23 tháng Chạp, chiếc bếp lò cũ lại được đem ra một gốc cây, bờ tường, bờ sông mà bỏ đi. Hình ảnh đó cho đến nay vẫn còn tồn tại. Và tục đưa ông táo về trời, thay ông táo vẫn là nét chấm phá của ngày Tết Việt.
Khuê Việt Trường