Tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi

Giá thức ăn chăn nuôi tăng, giá bán không bằng giá thành đã khiến người chăn nuôi thua lỗ nặng, hàng loạt hộ chăn nuôi và các trang trại phải ” treo” chuồng. Ngành chăn nuôi đang cần những chính sách hỗ trợ phù hợp và hiệu quả để thoát khỏi tình thế khó khăn.

 

Thua lỗ kéo dài


Ông Trịnh Văn Hùng, thôn Xuân Sơn, xã Trung Giã, Sóc Sơn, Hà Nội là chủ một trang trại nuôi lợn hơn 1.000 con. Ông Hùng than: “Từ đầu năm đến nay, giá lợn bán ra đã giảm sâu. So với cuối năm ngoái, giá bán bình quân đã giảm từ 57 nghìn đồng/kg xuống chỉ còn 41 000 đồng/kg”. Trong khi đó, giá thức ăn hiện nay tăng cao so với năm ngoái. Cách đây chừng 1 tháng, giá cám nuôi lợn thịt là 300 .000 đồng/bao loại 200 kg thì nay đã tăng lên là 320.000 đồng/bao.


 

Hộ anh Trần Văn Anh, xóm Thành Công, xã Chấn Hưng, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc cố gắng duy trì chăn nuôi. Ảnh: Vũ Sinh-TTXVN

Mỗi tháng, để duy trì chăn nuôi, gia đình ông vẫn phải đều đặn mua khoảng 30 - 40 tấn thức ăn với chi phí trên 300 triệu đồng. Mỗi tháng, gia đình ông Hùng xuất chuồng khoảng trên 10 tấn lợn thịt. Trong bối cảnh giá bán giảm, giá đầu vào tăng, gia đình ông bị thua lỗ vài chục triệu đồng cho mỗi lứa lợn xuất chuồng.


“Tình trạng thua lỗ kéo dài đã 3 - 4 tháng nay. Nhiều hộ nuôi nhỏ lẻ phải “treo” chuồng rồi. Còn gia đình tôi vẫn cố gắng cầm cự chờ giá thị trường hồi phục vì vốn đầu tư trang trại tới vài tỷ đồng nên nếu dừng chăn nuôi thì thiệt hại còn lớn hơn”, ông Hùng than vãn.


Không riêng Hà Nội, tại một số tỉnh như Bắc Giang, Hưng Yên, theo phản ánh của nhiều nông dân, từ giữa tháng 6/2013, giá lợn xuất chuồng đã nhích lên so với trước vì nhiều trang trại treo chuồng. Tuy nhiên, vì giá thức ăn và thuốc thú y... vẫn đang ở mức cao nên người chăn nuôi vẫn thua lỗ.
Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT) cũng nhìn nhận, 6 tháng qua, sức mua của thị trường kém, giá sản phẩm chăn nuôi giảm đã khiến cho người chăn nuôi thua lỗ kéo dài.


Theo lãnh đạo Cục Chăn nuôi, khó khăn của ngành trong 6 tháng qua xuất phát từ cả nguyên nhân khách quan lẫn nguyên nhân chủ quan. Dịch bệnh diễn biến phức tạp, luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trên diện rộng. Chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ lệ cao (65-70% về đầu con và 55-60% về sản phẩm).


Chi phí đầu vào, nhất là nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi ngày càng tăng. Đơn cử, 5 tháng đầu năm, giá khô dầu đậu tương đã tăng 25,5%, giá bột cá đã tăng 41,5%, giá sắn lát tăng 8,2%, giá thức ăn hỗn hợp cho lợn thịt tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước.

 

Chia khó với người chăn nuôi


Với tình trạng “treo” chuồng, khả năng tái đàn chăn nuôi giảm như thời gian qua, theo các chuyên gia nông nghiệp nguồn cung thực phẩm trong những tháng cuối năm có thể bị ảnh hưởng. Khi đó, không chỉ đời sống người chăn nuôi bị ảnh hưởng mà thị trường thực phẩm cũng có thể đối mặt với nguy cơ mất cân đối cung cầu. Do đó, cần có những giải pháp tháo gõ khó khăn cho ngành chăn nuôi.


Theo Cục chăn nuôi, tình trạng thiếu vốn, phải vay với lãi suất cao đang là một khó khăn lớn đối với người chăn nuôi, do đó, Cục cho biết sẽ đề xuất Chính phủ điều chỉnh gói tín dụng theo Quyết định 1149/2012/TTg về hỗ trợ khôi phục ngành chăn nuôi và thủy sản cả về mức lãi suất và thời gian cho vay để phù hợp hơn với hoàn cảnh khó khăn của người chăn nuôi hiện nay.


Cục Chăn nuôi cũng khuyến nghị các địa phương cụ thể hóa các chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi phù hợp với từng địa phương như: Tăng cường kiểm soát dịch bệnh và chất lượng vật nuôi, thú y; hỗ trợ khuyến nông, chuyển giao kỹ thuật trong cải tạo, chọn lọc giống, phối trộn thức ăn, giám sát dịch bệnh và quản lý sản xuất kinh doanh cho người chăn nuôi, nhất là khu vực chăn nuôi nông hộ.


Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám cũng chỉ đạo ngành nông nghiệp phải có giải pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về chăn nuôi để kiểm soát dịch bệnh, giảm giá thành đầu vào, nâng cao năng suất… để nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi cũng phải có giải pháp kiểm soát thực phẩm nhập khẩu giá rẻ và gia súc, gia cầm sống nhập lậu qua biên giới để hạn chế tác động tiêu cực tới chăn nuôi trong nước.


MM

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN