Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để tạo nguồn thu lâu dài

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, để hoàn thành mục tiêu thu NSNN năm 2013, một trong những nhóm giải pháp quan trọng ngành tài chính xác định là tiếp tục tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp (DN) phát triển, tạo ra nguồn thu thuế ổn định lâu dài cho NSNN.


Tổng thu NSNN giảm


Theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính, tổng thu cân đối NSNN tháng 8/2013 ước đạt 50.100 tỷ đồng, giảm 22.900 tỷ đồng (-31,4%) so với mức thực hiện tháng 7/2013. Tính chung 8 tháng của năm 2013, tổng thu NSNN ước đạt 484.820 tỷ đồng, bằng 59,4% dự toán, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2012. Trong cơ cấu thu, chỉ có dầu thô vẫn trên đà tăng, đạt 72.980 tỉ đồng, vượt dự toán 8 tháng. Tuy nhiên trên thực tế, mức tăng chủ yếu do giá dầu bình quân 8 tháng đạt 111,5 USD/thùng, tăng 21,5 USD/thùng so với giá xây dựng dự toán. Nguồn thu NSNN sụt giảm còn do thu từ các địa phương cũng gặp khó khăn. So với cùng kỳ năm 2012, có 57 địa phương thu đạt và vượt, tuy nhiên mức tăng không lớn; 6 địa phương còn lại (Hà Nội, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk và Đắk Nông) mức thu thấp hơn.


 

Hoạt động giao dịch tại Kho bạc Nhà nước quận Hai Bà Trưng (Hà Nội). Ảnh: Hoàng Hùng – TTXVN

 

Trong khi nguồn thu sụt giảm mạnh, thì ở phía đầu ra, chi vẫn không ngừng tăng, ước 8 tháng chi 604.670 tỉ đồng, bằng 61,8% dự toán, tăng 5,2% so cùng kỳ 2012. Với mức thu - chi trên, qua cân đối lũy kế 8 tháng, Bộ Tài chính tính toán rằng bội chi NSNN lên tới gần 120.000 tỉ đồng, xấp xỉ 74% mức bội chi Quốc hội quyết định đầu năm.


Mặc dù thu ngân sách giảm nhưng nhu cầu cho NSNN vẫn tăng. Theo đánh giá của Bộ Tài chính, mặc dù điều kiện thu khó khăn nhưng NSNN vẫn phải đảm bảo nguồn đáp ứng kịp thời các nhu cầu chi theo dự toán; đảm bảo nguồn kinh phí thực hiện chính sách tăng lương cơ sở (từ 1.050.000 đồng/tháng lên 1.150.000 đồng/tháng) từ 1/7/2013 và bổ sung kinh phí cho công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, đảm bảo quốc phòng, an ninh...


Lãnh đạo của Bộ Tài chính cho biết năm nay, NSNN dự kiến sẽ hụt thu khoảng 60.000 tỷ đồng so với dự toán. Trong đó, khối Trung ương hụt hơn 43.000 tỷ đồng, còn địa phương 16.430 tỷ đồng.


Giữ vững cân đối ngân sách


Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, trong những năm qua, mặc dù toàn ngành đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, nhưng tình trạng thất thu thuế, nhất là ở các thành phố, đô thị lớn, khu vực DN ngoài quốc doanh, DN có vốn đầu tư nước ngoài vẫn diễn ra khá phổ biến. Vì vậy, để hoàn thành mục tiêu thu NSNN năm nay, một trong những nhóm giải pháp quan trọng ngành tài chính xác định là đẩy mạnh công tác chống thất thu NSNN.


Theo đó, Bộ đã và đang tăng cường thực thi pháp luật về thuế, đẩy mạnh chống thất thu, nợ đọng thuế và chống chuyển giá; thực hiện thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thu NSNN. Từ đó, thông qua công tác quản lý nợ đọng thuế và đấu tranh chống buôn lậu, 6 tháng đầu năm nay, ngành thuế đã thu được gần 11,2 nghìn tỷ đồng tiền nợ thuế; ngành hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý gần 8.700 vụ việc buôn lậu, với trị giá khoảng 185 tỷ đồng, thu vào NSNN khoảng 601 tỷ đồng.


Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, đến nay, ngành tài chính đã xử lý gia hạn thuế thu nhập DN và giá trị gia tăng (GTGT) cho khoảng 150 nghìn lượt DN với số tiền khoảng 5.380 tỷ đồng, giúp hơn 105 nghìn đối tượng nộp thuế với 4.428 tỷ đồng thuế GTGT và hơn 45 nghìn đối tượng nộp thuế với 952 tỷ đồng thuế thu nhập DN được kéo dài thời gian sử dụng nguồn vốn này. Với chính sách giãn, giảm thuế GTGT, thu nhập DN và thu nhập cá nhân mới được sửa đổi, bổ sung, ngành tài chính dự kiến sẽ giảm thu NSNN năm 2013 và 2014 hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, số tiền này sẽ góp phần tạo thêm nguồn vốn cho DN đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh…


Nhờ hiệu quả từ những chính sách hỗ trợ DN, “sức khỏe” DN trong 8 tháng qua đã có chút khởi sắc. Tính đến hết tháng 8/2013, có 10.700 DN được “hồi sinh”, 52.000 DN mới ra đời. Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), từ quý II/2013, số lượng DN thành lập mới tăng nhanh, trong khi số DN gặp khó khăn, phải giải thể hoặc ngừng họat động giảm dần. Chia sẻ với phóng viên báo Tin Tức, một chuyên gia kinh tế cho biết: Với việc thực hiện các biện pháp tháo gỡ cho DN trong thời gian qua, thời gian tới các DN sẽ có điều kiện phát triển hiệu quả kinh doanh hơn, từ đó mới có thể đóng góp nguồn thu thuế ổn định và lâu dài cho NSNN.


Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết: “Để chi NSNN bảo đảm tiết kiệm, chặt chẽ và hiệu quả, Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị sử dụng ngân sách không bổ sung kinh phí ngoài dự toán được giao để thực hiện các nhiệm vụ không cần thiết, cấp bách; không ban hành các chính sách mới hoặc nâng định mức chi NSNN mà không có nguồn bảo đảm; thực hiện tiết kiệm thêm 10% dự toán chi thường xuyên; đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư phát triển; cắt giảm, tiết kiệm chi phí... Cơ quan tài chính các cấp cũng được yêu cầu phải tăng cường giám sát việc thực hiện dự toán của các đơn vị sử dụng NSNN, rà soát và kiên quyết cắt giảm, thu hồi nếu chi tiêu không đúng quy định... nhằm chủ động bảo đảm cân đối ngân sách trong trường hợp xảy ra biến động lớn về thu NSNN”, Bộ trưởng Dũng nói.


Theo Bộ Tài chính, để giữ vững mục tiêu cân đối thu chi ngân sách, trước mắt Bộ Tài chính sẽ động viên các khoản có thể thu được ngay. Trong đó, đáng chú ý là khoản thu từ đấu thầu vàng sau 57 phiên của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ước đến 30/8 là hơn 6.000 tỷ đồng. Nguồn thứ hai từ lãi cổ tức tại các tập đoàn, tổng công ty đang có vốn nhà nước sở hữu. Theo quy định hiện hành, sau khi các DN nộp thuế, chia cổ tức và trích đầy đủ các quỹ, số còn lại nộp về Quỹ hỗ trợ, sắp xếp DN.

 

Minh Phương - Anh Tùng

Dồn lực để hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách

Sụt giảm nguồn thu từ các địa phương cũng là một trong những nguyên nhân tác động khiến nguồn thu NSNN sụt giảm. Do đó, trong những tháng cuối năm, các địa phương đang dồn sức để hoàn thành chỉ tiêu thu nộp NSNN.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN