Thành phố trẻ bên bờ sông Mã - khẳng định thế và lực mới

Những ngày này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Thanh Hóa đang nô nức thi đua, lập nhiều thành tích để chào đón sự kiện lớn: Kỷ niệm 210 năm đô thị tỉnh lỵ (1804 - 2014), 20 năm thành lập thành phố (1/5/1994 - 1/5/2014), công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố Thanh Hóa là đô thị loại I, đón nhận huân chương Độc lập hạng Nhất của Chủ tịch nước.

Là vị thế trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học và kỹ thuật của tỉnh, thành phố luôn nhận được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND và các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; được sự chỉ đạo sát sao của Thành ủy, sự điều hành quyết liệt cùng những quyết sách đúng đắn của chính quyền, sự đồng thuận cao của cả hệ thống chính trị; toàn thể nhân dân và các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn, thành phố Thanh Hóa đã gặt hái được nhiều thành công đáng ghi nhận.

Một góc thành phố Thanh Hóa hôm nay.



Trong nhiều năm qua, kinh tế thành phố Thanh Hóa luôn tăng trưởng cao và phát triển ổn định, năm sau cao hơn năm trước. Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 15%. Tổng thu nhập ngân sách thành phố luôn chiếm 40% ngân sách toàn tỉnh. Trong 3 năm (2010 - 2013) thành phố đã huy động 40.104 tỷ đồng, dự kiến cả nhiệm kỳ đạt 60.000 tỷ đồng. Hiện thành phố có 2.712 doanh nghiệp, thu nhập bình quân đầu người tăng lên gấp đôi dự kiến năm 2015 đạt 5.010 USD. Đây là những bước tiến mang tính đột phá trong tiến trình xây dựng và phát triển thành phố trong thời kỳ đổi mới đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Là một thành phố phát triển nhanh về công nghiệp, thương mại - dịch vụ, từ điểm nhấn là các khu công nghiệp: Lễ môn, Tây bắc ga, Đình Hương, Hoàng Long kết nối với khu kinh tế động lực Nghi Sơn, khu công nghệ cao Lam Sơn - Sao Vàng, khu du lịch Sầm Sơn... đến nay, thành phố Thanh Hóa đã có nhiều dự án đăng ký đầu tư chủ yếu là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động khá hiệu quả với các ngành nghề: cơ khí, phụ tùng ô tô, xe máy, điện tử, may mặc, giầy da, sản xuất cơ kim khí, hóa chất, phân bón, đá mỹ nghệ xuất khẩu, chế biến lương thực - thực phẩm... Nhiều dự án, công trình đầu tư đã và đang thực hiện đem lại bộ mặt mới cho đô thị. Tiêu biểu như dự án phát triển toàn diện kinh tế - xã hội thành phố Thanh Hóa có tổng mức đầu tư 117,9 triệu USD; dự án cải thiện môi trường đô thị Miền Trung…; công trình Quảng trường Lam Sơn, thư viện tỉnh, Trung tâm triễn lãm - Hội chợ - quảng cáo, đại lộ Nguyễn Hoàng, nhà hát Lam Sơn, Trung tâm Hội nghị Hàm Rồng, các khu vui chơi giải trí...

Bên cạnh đó, thành phố Thanh Hóa rất coi trọng phát triển dịch vụ - thương mại. Tích cực chuyển đổi hình thức quản lý một số chợ sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp như các chợ: Tây Thành, Điện Biên, Nam Thành... sắp xếp lại các phố hàng, ngành hàng gắn với hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn làm cho hoạt động thương mại đô thị ngày càng nhộn nhịp, sầm uất. Các loại hình dịch vụ vận tải, ăn uống, nhà nghỉ, cơ sở đào tạo, khám chữa bệnh, không ngừng phát triển với chất lượng phục vụ ngày càng cao đáp ứng như cầu của nhân dân. Hiện nay, thành phố có gần 200 khách sạn, bình quân mỗi năm có gần 20 nghìn lượt khách du lịch trong nước và ngoài nước đến tham quan du lịch. Đồng thời khai thác tiềm năng phát triển du lịch của thành phố, chuẩn bị cho năm du lịch quốc gia 2015 được tổ chức tại Thanh Hóa.

Hiện tại thành phố đã mở rộng từ 57 km2 lên gần 150 km2; 18 phường, xã nay đã là 37 phường, xã (gồm 20 phường, 17 xã) với gần 400 nghìn dân. Trên cơ sở quy hoạch chung, thành phố triển khai lập đầy đủ 18 quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2000 và nhiều quy hoạch chi tiết kêu gọi đầu tư. Chương trình xây dựng "đô thị văn minh, công dân thân thiện" được triển khai sâu rộng và có sức lan tỏa rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân thành phố. Cùng với đó, thành phố đã quan tâm xây dựng 409/419 nhà văn hóa phố, thôn đạt tỷ lệ 98%, làm nơi sinh hoạt cộng đồng của nhân dân. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, không để xảy ra tình huống bất ngờ. Việc cưới, việc tang, lễ hội được thực hiện tốt, trở thành nếp sống văn hóa trong mỗi gia đình, cộng đồng dân cư.

Thành phố Thanh Hóa đã xác định mục tiêu phát triển kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường, đầu tư mạnh mẽ cho công tác chỉnh trang đô thị, cải tạo cảnh quan, xây dựng công viên, cây xanh tại các tuyến phố nội thành, tạo vành đai xanh cho thành phố. Đặc biệt, khu Phúc lạc viên sẽ được đưa vào hoạt động phục vụ nhân dân trong tháng 11 âm lịch này, cùng với một số công trình trọng điểm đã và đang được thi công, sẽ tạo điểm nhấn, góp phần làm thay đổi diện mạo theo hướng văn minh, hiện đại, một dáng vóc thành phố trẻ, khẳng định thế và lực mới của thành phố Thanh Hóa.

Ghi nhận những thành tích xuất sắc trên chặng đường 20 năm xây dựng và trưởng thành, ngày 29/4/2014 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định công nhận thành phố Thanh Hóa là đô thị loại I trực thuộc tỉnh. Ngày 23/5/2014, Chủ tịch nước ký Quyết định số 1036/QĐ-CTN tặng nhân dân và cán bộ thành phố Thanh Hóa Huân chương Độc lập hạng Nhất.

Bài và ảnh: Đinh Quang Sinh
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN