Thanh Hóa: Số trẻ mắc sởi có chiều hướng tăng

Theo thống kê của Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, đến 21/4, Bệnh viện đang điều trị nội trú cho 79 bệnh nhi nhiễm sởi và sốt phát ban dạng sởi, trong đó có 10 bệnh nhân nặng điều trị tại khoa Hồi sức cấp cứu. Thanh Hóa chưa có bệnh nhân tử vong liên quan đến sởi.

 

Nhiều trẻ chưa được tiêm phòng sởi do bố mẹ lo ngại các tai biến liên quan đến văcxin xảy ra trong thời gian qua.

Bệnh nhi mắc sởi và sốt phát ban dạng sởi chủ yếu là trẻ từ 9 tháng đến 3 tuổi, trong đó có 2 trường hợp trẻ dưới 2 tháng tuổi. Điều đáng lo ngại là dịch sởi trên địa bàn Thanh Hóa đang có chiều hướng gia tăng. Nếu trong quý 1/2014, Thanh Hóa chỉ ghi nhận 32 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 9 bệnh nhân có xét nghiệm dương tính với vi-rút sởi thì chỉ 21 ngày đầu tháng 4 đã có tổng cộng 83 ca nằm viện do sởi và sốt phát ban dạng sởi.

 

Bác sỹ Lê Thị Minh Châu - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Thanh Hóa cho biết: Để chủ động trong công tác khám chữa bệnh, Bệnh viện đã phân luồng, tập trung bệnh nhi vào 2 khoa Truyền nhiễm - Da liễu và Hồi sức cấp cứu, đồng thời kê thêm giường bệnh, thậm chí một số phòng làm việc dành cho nhân viên y tế cũng được "trưng dụng" để tránh cho bệnh nhân phải nằm ghép giường. Trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 tới đây, Bệnh viện đã xếp lịch bố trí cho 50% cán bộ công nhân viên nghỉ lễ, 50% còn lại vẫn đi làm và nghỉ bù vào những ngày sau đó.



Hiện tại Thanh Hóa đang khẩn trương triển khai công tác phòng, chống sởi đúng theo hướng dẫn và khuyến cáo của Bộ Y tế. Các đơn vị y tế trên địa bàn đảm bảo cơ số thuốc, vắc-xin sởi và trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống dịch sởi, đồng thời tăng cường công tác giám sát dịch tễ, nhằm phát hiện sớm để triển khai các biện pháp phòng, chống, cách ly, không để lây lan bùng phát thành dịch. Hiện tại tỷ lệ trẻ tiêm phòng sởi ở Thanh Hóa đạt 75%.

 

Từ nay cho đến hết tháng 4, Thanh Hóa sẽ triển khai tiêm vét ngừa sởi cho tất cả trẻ em trong độ tuổi chưa được tiêm phòng sởi hoặc tiêm không đầy đủ trên toàn tỉnh, phấn đấu đạt 95% kế hoạch đề ra. Theo nhận định của Sở Y tế Thanh Hóa, những bệnh nhân mắc sởi chủ yếu rơi vào các trường hợp: lây từ mẹ sang con, không tiêm phòng sởi hoặc tiêm phòng không đầy đủ.

 

Hoa Mai

Uống nhiều nước giúp cơ thể đào thải virus sởi
Uống nhiều nước giúp cơ thể đào thải virus sởi

Khi xuất hiện các triệu chứng sởi cũng là lúc hệ miễn dịch đang tìm cách tiêu diệt virus lây nhiễm thì chúng ta cần nhanh chóng đẩy virus sởi ra ngoài theo hệ bài tiết, có nghĩa là cần tăng cường các đồ ăn nhẹ, dễ tiêu, uống nhiều nước, đặc biệt là nước chanh pha chút mật ong.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN