Mỗi khi đọc bài thơ “Hạt gạo làng ta” của nhà thơ Trần Đăng Khoa, lòng tôi lại xao xuyến bồi hồi, nhớ quê hương da diết, nhớ những ngày mẹ đi cấy trong cái nắng oi ả tháng sáu. “Những trưa tháng sáu/ nước như ai nấu/ chết cả cá cờ/ cua ngoi lên bờ/ mẹ em xuống cấy”.
Đi xa đã bao mùa cấy nên về thăm quê vào dịp này lòng tôi không khỏi bồi hồi, nôn nao.
Buổi sáng, khi mặt trời chưa ló rạng, mọi người đã nhộn nhịp ra đồng. Cánh đồng trắng nước đã nhấp nhô những khoảng xanh như những ô bàn cờ to nhỏ. Những bó mạ được rải khắp nơi. Tôi đứng trên bờ, ngẩn ngơ nhìn xóm làng xa xa phía chân trời vời vợi. Bước chân xuống đồng, chân lành lạnh, mùi bùn đất dìu dịu nghe thân quen từ thuở nào. Già trẻ, gái trai, ai nấy đưa tay thoang thoáng khua trên mặt nước.
Từ tờ mờ đất cho đến tối lặn mặt trời không nhìn rõ mặt người, người làng tôi mới í ới gọi nhau về, lưng đau, tay mỏi, mặt sưng phù hay tay chân bị nhuộm một lớp màu vàng của màu đất thì có hề gì, người làng tôi vẫn cần mẫn chăm chỉ đưa tay đều đều cắm những mầm sống mang lại những hy vọng, mong muốn mới về cho tương lai con em mình…. Nhà thì cấy năm sào, nhà thì một mẫu, hai mẫu, vẫn bảo nhau cố thêm ít nữa để lấy tiền cho con đi học, làm một hai ngày thì có xá gì, chỉ cần có cái chữ, cái học thì dù bố mẹ phải làm thêm mấy sào cũng có sao…
Những đứa con nít cũng biết thương cha mẹ mình vất vả, có đứa đi học về tranh thủ ra đồng nhổ mạ, nấu cơm, làm việc nhà cho cha mẹ làm đồng, ngày nghỉ thì đi cấy phụ nhà mình. Thế nên những ngày nghỉ học của trẻ con đồng làng tôi vui lắm, cứ râm ran tiếng trò chuyện, cười đùa của những đứa trẻ ngoan biết thương cha mẹ vất vả sớm hôm.
Bỗng nhớ ngày nào theo cha đi cày ruộng. Cha đánh trâu cày trên thửa ruộng mênh mông nước, còn tôi ngồi trên bờ thích thú nhìn con trâu ngoan ngoãn đi theo lời cha chỉ bảo. Tuổi còn nhỏ nhưng tôi đã thấu hiểu những nhọc nhằn của người dân quê tôi. Tôi thương cha mồ hôi ướt đẫm lưng áo, cực khổ với ruộng đồng quanh năm suốt tháng. Có được hạt gạo, có được áo quần cho anh em tôi đến trường cha phải vất vả lắm. Tôi ước lớn thật nhanh để cầm cày giúp cha. Những lúc nghe tôi nói vậy cha bảo, thương cha thì học hành cho giỏi để rời đồng đất quê hương cho cuộc sống đỡ cực nhọc hơn. Nghe lời cha, tôi lao vào học, để rồi ngày lên thành phố, tôi đã thẫn thờ đứng nhìn cánh đồng quê xanh biếc, mênh mông cả buổi chiều. Tôi biết ruộng đồng quê nhà đã thấm vào máu, vào thịt mình rồi...
Quê tôi ngày nay đã khá giả hơn với nhà cao tầng, nhà mái tôn, điện sáng rực đường làng, tiện nghi sinh hoạt đủ đầy…, khoảng gần mươi năm nay, đất nông nghiệp không còn nhiều vì nằm trọn trong một khu công nghiệp cùng với đô thị hóa mạnh mẽ. Nhưng cây lúa vẫn gắn bó một đời thân thiết với người dân quê tôi suốt mùa lam lũ. Nhìn thấy hình ảnh những người nông dân đang miệt mài cấy lúa, tiếng chuyện trò, tiếng cười nói râm ran, ký ức xưa lại chầm chậm quay về.... Và để ai đi xa lòng cũng bâng khuâng, rộn ràng nhớ về những mùa cấy ngày xưa.
Nguyễn Văn Thanh