Ngày 17/12, chính phủ Thái Lan đã thông qua khoản ngân sách 3,38 tỷ baht (khoảng 118 triệu USD) dành cho cuộc bầu cử dự kiến vào 2/2/2014, bất chấp sự phản đối của phong trào biểu tình đòi hoãn sự kiện này.
Cảnh sát chống bạo động Thái Lan gác bên ngoài tòa nhà chính phủ ở thủ đô Bangkok ngày 12/12. |
Chủ tịch Ủy ban bầu cử Thái Lan Supachai Somcharoen cho biết Ủy ban bầu cử không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải tổ chức cuộc bầu cử đúng hạn theo sắc lệnh của Hoàng gia phê chuẩn việc giải tán quốc hội và ấn định ngày bầu cử. Ông khẳng định công tác chuẩn bị bầu cử thuộc thẩm quyền của Ủy ban bầu cử và nếu muốn hoãn bầu cử phải có sự tham vấn với chuyên gia để không vi phạm luật pháp.
Phát biểu sau một cuộc họp nội các cùng ngày, Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đã bác bỏ yêu sách của người biểu tình chống chính phủ đòi bà từ chức, đồng thời khẳng định theo hiến pháp bà sẽ tại nhiệm cho đến khi một thủ tướng mới được bầu, và bà sẽ hoàn thành trách nhiệm của mình cho đến khi một chính phủ mới thành lập sau tổng tuyển cử. Bà Yingluck tuyên bố hoan nghênh các ý kiến về cải cách chính trị, nhưng tiến trình cải cách phải tuân thủ hiến pháp.
Để chuẩn bị cho cuộc bầu cử, đảng Puea Thai (Vì nước Thái) đã quyết định chọn bà Yingluck và anh rể của bà, cựu Thủ tướng Somchai Wongsawat là ứng cử viên số 1 và số 2 trong danh sách đề cử của đảng. Đảng này nhận định bà Yingluck vẫn nhận được sự ủng hộ rộng rãi. Trong trường hợp bà Yingluck không nhận lời ra tranh cử, ông Somchai sẽ thay thế. Đảng Puea Thai cũng đang chuẩn bị các tình huống trong trường hợp đảng Dân chủ tuyên bố tẩy chay cuộc bầu cử.
Cùng ngày, đảng Dân chủ đối lập đã tổ chức đại hội và nhất trí bầu cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva tiếp tục giữ chức chủ tịch đảng với một ban chấp hành mới của đảng gồm 35 thành viên.
Hà Linh (P/v TTXVN tại Thái Lan)