Những ngày đầu xuân mới, công việc nương rẫy tạm xong, ngô thóc đã được phơi khô cất vào nhà kho, người dân bản địa lục tục rời những ngôi nhà rẫy trong rừng xa về làng chuẩn bị đón Tết. Người Cơ Tu Nam Giang gọi ăn Tết là Cha Pổiq hay Cha Pling, còn người Cơ Tu ở Hiên, Quảng Nam (Đông Giang và Nam Giang hiện nay) thì gọi là Cha Pruôt. Thực ra “Pling” hay “Pruôt” đều có nghĩa là Tết (“Cha” trong tiếng Cơ Tu nghĩa là ăn), và cũng có nghĩa là tổng kết một năm bội thu hay tai ương, khỏe mạnh hay thiên tai, dịch bệnh.
Cả làng vào Hội mùa xuân. |
Việc chuẩn bị đón Tết của nguời Cơ Tu bắt đầu bằng việc ủ rượu cần. Rượu cần ủ càng lâu càng nồng đượm, càng được nước, thơm ngon. Để có rượu cần hảo hạng, người Cơ Tu phải dùng loại nếp huyết có màu đỏ thẫm đồ lên, ủ với men rượu được làm bằng bột gạo trộn với các loại thực vật phơi khô trên giàn bếp. Nếu không có nếp huyết, đồng bào thay bằng nếp đỏ. Phổ biến hơn người ta ủ bằng sắn. Để rượu có màu bắt mắt, người dân gọt sắn để 2, 3 ngày cho thâm rồi mới nấu. Sắn nấu chín, để nguội, rắc men, trộn với trấu, cho vào gùi đã được lót lá chuối rồi phủ một lớp trấu xuống đáy cỡ 8cm. Gùi này được để gần bếp lửa, sau 3 hoặc 4 ngày sẽ bốc lên mùi thơm như mùi chuối chín, sau đó đổ ra nong cho nguội rồi cho vào ché đã được lót một lớp trấu dày. Trên miệng ché rượu người ta lại cho một lớp trấu dày khoảng 8 cm. Trấu giữ cho ấm rượu, đảm bảo sự lên men, đồng thời nó còn giữ cho bã sắn không theo cần vào miệng người hút rượu. Ngoài việc ủ rượu, người Cơ Tu còn lo giã gạo, hái lá đót để gói bánh cuốt, cắt lá chuối rừng để gói bánh hay để dùng thay bát, đĩa khi chia phần thức ăn.
Già làng với chiếc kèn đinh tuk trong ngày hội. |
Nếu ở Tây Nguyên đồng bào uống rượu cần tập thể bằng cách bỏ nhiều cần cùng một lúc vào ché rượu để uống thì người Cơ Tu chỉ cắm một cái cần duy nhất vào ché rượu để hút rượu ra các vỏ bầu khô, ống nứa, ấm,… và rót ra bát hay cốc để mời khách. Hút hết rượu nước nhất ra lại đổ tiếp nước lã vào, để một chốc lại hút tiếp rượu nước nhì, cứ thế cho đến khi rượu nhạt. Tùy theo mức độ thân, sơ với chủ nhà mà khách được mời loại rượu đậm, nhạt. Rượu nước nhất rất sánh, thơm nồng, uống vào có vị ngọt nhưng uống dễ say và say rất dai dẳng. Ngày xưa, đồng bào chỉ dùng xôi nướng trong ống nứa tươi. Ngày nay, cùng ăn Tết với người Kinh, đồng bào cũng học gói bánh tét, bánh chưng. Tuy không được sắc sảo nhưng hương vị cũng khá ngon.
Làm bánh sừng trâu mừng mùa xuân mới. |
Với đặc điểm thời tiết mát lạnh quanh năm, thịt nấu đông được dùng phổ biến trong các lễ hội, ngày thường, khi trong nhà có thịt. Đồng bào cho tất cả các loại thịt vào nấu nhừ rồi nêm muối vừa ăn, để qua đêm, khi ăn chỉ cần xắn thành từng miếng dọn ra đĩa hay lá chuối. Trước Tết độ một tuần, đồng bào thường đánh cá tập thể ở những con sông lớn bằng cách ngâm các loại vỏ cây làm cá say hoặc đắp bờ, mở lối thoát cho nước cạn rồi bắt cá gọi là lét viêr. Ở các suối nhỏ, phụ nữ và trẻ em xúc cá bằng vợt. Đàn ông Cơ Tu thường đánh, bắt cá ở các sông lớn như sông AVương, sông Lăng, sông Bung,… Cá thường được nướng chín, rồi xông khô, bỏ vào ống nứa trên giàn bếp và cũng được chế biến như thịt khô. Ngoài ra cá còn được nướng trong ống cho cháy ống, như được phơi, rồi để nguyên như vậy cho đến khi ăn.
Đêm giao thừa, đồng bào nấu cơm hoặc đồ xôi, thịt gà, cá, thịt chuột, đưa lên đình để già làng, các đại diện gia đình cúng xin thần linh ban cho một năm mới được mùa, khỏe mạnh,… Nếu trong lễ hội khác, người Cơ Tu có nhiều kiêng kỵ thì trong dịp Tết, đồng bào không có kiêng kỵ gì. Thanh niên có thể đi chơi Tết từ chiều 30 đến mùng 3 Tết mới trở về. Những cô gái đi chơi Tết trong tấm váy thổ cẩm đến đâu cũng được tán thưởng và có nhiều ánh mắt trìu mến đuổi theo...
Bài và ảnh: Hữu Cường