“Khi con ốm, bố mẹ dễ mất tinh thần. Do đó, phần lớn họ ra ngay hiệu thuốc để mua một thứ thuốc nào đó chữa trị. Và nguy hiểm ở chỗ, nhiều nhà thuốc ngay lập tức bán thuốc chỉ sau khi phụ huynh nêu vài mô tả sơ lược bệnh tình con cái. Sự liều lĩnh này đã trở thành thói quen xấu của phần lớn các bậc phụ huynh nước ta”, một bác sỹ nhi lâu năm cho biết.
Trẻ nhờn kháng sinh
Mặt mũi bơ phờ, mệt mỏi vì những ngày dài chăm con ốm trong bệnh viện, chị Thu Lợi (Hà Nội) cho biết: “Tôi không cho con đi khám bao giờ. Cứ có bệnh là ra hiệu thuốc. Người bán thuốc hỏi tình hình cháu, có ho không, có sổ mũi không, sốt bao nhiêu độ, rồi cho thuốc. Nhiều khi, uống chưa hết thuốc mua đã khỏi. Tôi cũng chẳng nhớ đã cho cháu uống những loại gì. Nhưng lần này, uống mãi chẳng ăn thua. Đi viện khám mới biết cháu đã nhờn thuốc kháng sinh”.
“Việc trẻ nhờn thuốc ngay từ những năm tháng đầu đời không chỉ gây khó khăn cho công tác điều trị mà còn gieo rắc mầm mống cho những căn bệnh nguy hiểm khác. Trong lúc dịch bệnh đang gia tăng vào giai đoạn chuyển mùa, tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh trong điều trị cho trẻ em là đáng lo ngại”, một bác sỹ nhi giàu kinh nghiệm cho biết.
Theo một nghiên cứu tại 6 bệnh viện trên cả nước là Bạch Mai, Chợ Rẫy, Nhi Trung ương, Quảng Ninh, Bình Định và Đồng Tháp về kháng thuốc thì nhiều loại thuốc kháng sinh gần như bị kháng hoàn toàn. Đối với vi khuẩn E. Coli (thường gây bệnh tiêu chảy, viêm phổi, nhiễm trùng huyết), tỷ lệ kháng thuốc ở Ampiciline là 88%. Loại khuẩn này có tỷ lệ kháng thuốc Amoxiciline là 38,9%. Đối với vi khuẩn Klebsiella (gây bệnh nhiễm trùng huyết và viêm phổi), tỷ lệ kháng thuốc của Ampiciline là gần 97% và Amoxiciline là 42%.
Tình trạng kháng thuốc này, theo các chuyên gia y tế, không chỉ gây nguy hiểm cho chính sức khỏe người bệnh, mà còn khiến họ tốn thêm rất nhiều chi phí chữa bệnh. Ngoài tốn kém cho việc xác định loại thuốc bệnh nhân kháng, những thuốc để dùng cho người bệnh khi đã kháng thuốc cũng vô cùng đắt đỏ.
Học mua, học bán
Như vậy, rõ ràng bệnh nhân kháng thuốc khiến việc điều trị không những lâu hơn, mà còn đắt đỏ hơn. Chưa kể, tình trạng này thực sự nguy hiểm đối với người bệnh. Đã có những gia đình đưa người nhà nhập viện muộn khiến bác sỹ cũng trở tay không kịp. Điều này, không chỉ có lỗi của người nhà bệnh nhân, bệnh nhân, mà ngay cả những hiệu thuốc dễ mua, dễ bán kia cũng có lỗi. Bởi, có những loại thuốc đã có quy định rõ ràng- chỉ được bán khi có đơn của bác sĩ.
“Việc tự ý mua thuốc ở hiệu thuốc không cần đơn đã trở nên phổ biến. Người dân do ngại đi viện đã ra hiệu thuốc, tự khai bệnh với người bán hàng rồi mua theo tư vấn của họ. Nhưng bản thân những người bán thuốc ngoài việc không có chức năng kê đơn, còn hay bán thuốc theo kinh nghiệm. Chưa kể, họ cũng có tâm lý muốn bán càng nhiều thuốc càng tốt. Vì thế, không bao giờ có chuyện họ yêu cầu khách mua phải có đơn mới bán hàng”, TS xã hội học Trịnh Hòa Bình cho biết.
“Do đó, để tự bảo vệ mình, tốt nhất người dân hãy là những bệnh nhân thông minh- chỉ mua thuốc theo đơn của bác sĩ. Điều này sẽ giúp họ tránh những tai biến không cần thiết, cũng như làm giảm tỷ lệ nhờn thuốc đang gia tăng ở Việt Nam”, TS Bình khuyến cáo.
Cầm Trang