Tạo dựng sản phẩm du lịch đặc trưng

Những năm lại đây, liên kết du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng đang là điểm đến thu hút khách du lịch. Tuy nhiên, để phát triển du lịch bền vững, vùng Tây Bắc đang cần sự tham gia đồng bộ từ cơ quan chức năng, chính quyền sở tại và sự tham gia của doanh nghiệp.


 

Còn nhiều thách thức


Theo đánh giá của các doanh nghiệp lữ hành, vùng Tây Bắc có tiềm năng to lớn thu hút khách với sự đa dạng về sắc màu dân tộc, cung đường hùng vĩ với danh thắng ruộng bậc thang, khí hậu mát mẻ trong lành để phát triển các loại hình du lịch cộng đồng, nghỉ dưỡng. Các chợ phiên Đồng Văn (Hà Giang), Bắc Hà (Lào Cai) được bình chọn là một trong 10 phiên chợ độc đáo nhất của châu Á. Các lễ hội truyền thống độc đáo như tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tại Phú Thọ và các lễ hội dân tộc như Gầu tào của dân tộc Mông, nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn, xuống đồng của nhóm dân tộc Tày - Thái… Bên cạnh đó là các địa danh lịch sử nổi tiếng mang đậm dấu ấn thời đại như nhà tù Sơn La, quần thể di tích lịch sử của chiến dịch Điện Biên Phủ, dinh Hoàng A Tưởng, cột cờ Lũng Cú (Hà Giang)…

 

Các hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng luôn hấp dẫn du khách.


“Tiềm năng du lịch của vùng Tây Bắc đã được Tổng cục Du lịch khẳng định trong chiến lược phát triển đến năm 2020, nhưng để tạo thành sản phẩm thu hút khách du lịch cần sự đầu tư hạ tầng, dịch vụ và sự chuyên nghiệp của cộng đồng”, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch đánh giá. Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư vào khu vực này không hề đơn giản.

Tám tỉnh Tây Bắc liên kết hình thành vòng cung Tây Bắc thu hút khách gồm: Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái, Phú Thọ. Một số cung đường vùng Tây Bắc đang hấp dẫn du khách là: Mộc Châu, Sơn La, Điện Biên, Lào Cai - Sa Pa - Điện Biên; Hà Giang - Đồng Văn - Mèo Vạc. Với sự hợp tác của tám tỉnh Tây Bắc mở rộng, năm 2013 các tỉnh đã đón khoảng 11,7 triệu lượt khách, trong đó trên 925.000 lượt khách quốc tế, tăng khoảng 10% so với năm trước, tổng doanh thu du lịch xã hội đạt trên 6.000 tỷ đồng, tăng hơn 40%. Hạ tầng du lịch được đầu tư với hơn 1.400 cơ sở, tăng trên 14,4%.


Ông Phạm Trung Lương, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển du lịch đánh giá: “Tám tỉnh liên kết du lịch vùng Tây Bắc mở rộng đã giới thiệu 16 dự án du lịch cộng đồng và nghỉ dưỡng tại hội chợ VITM vào tháng 4/2013 nhưng có thể thấy các nhà đầu tư chưa mặn mà bởi suất đầu tư cao, trong khi khả năng sinh lời không cao. Đây là cái khó của các tỉnh Tây Bắc trong hơn chục năm qua”.


Thừa nhận thực tế này, đại diện các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong vùng Tây Bắc cho rằng lợi thế cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, hấp dẫn sự tò mò của du khách, nhưng các tỉnh cũng đang gặp những trở ngại khi thu hút các dự án đầu tư về du lịch. So với hiệu quả thu hút khách du lịch nghỉ dưỡng vùng biển đảo, thì khách đến với vùng núi khó khăn hơn nhiều. Với những khu quy hoạch phát triển du lịch được kêu gọi đầu tư, tuy đã có các nhà đầu tư tìm đến nhưng triển khai còn nhỏ giọt và manh mún.

 

Di tích lịch sử Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ luôn thu hút du khách.


Bên cạnh những thách thức về đầu tư hạ tầng du lịch, vùng Tây Bắc còn gặp trở ngại về nguồn nhân lực. Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng: “Ngay nguồn nhân lực về du lịch tại các Sở văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa thiếu lại yếu nên việc triển khai các chính sách, quy hoạch đến tạo dựng sản phẩm đều chậm. Đội ngũ làm dịch vụ du lịch còn nhiều bất cập”.


Chia sẻ vấn đề này, lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên thừa nhận, phần lớn lực lượng làm dịch vụ trực tiếp và gián tiếp du lịch chưa qua đào tạo, dẫn đến dịch vụ chưa chuyên nghiệp, chưa đáp ứng loại hình du lịch cao cấp. Ông Nguyễn Công Hoan, Phó Giám đốc Hanoi Redtour dẫn chứng về sự yếu kém trong nguồn nhân lực du lịch khi nói về hướng dẫn viên và xe du lịch của Điện Biên chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong khi Điện Biên được xếp là một trong những tỉnh có thế mạnh phát triển du lịch với di tích Điện Biên Phủ nổi tiếng.


Sự phối hợp đồng bộ


Theo đánh giá của các Công ty lữ hành, lượng khách tăng trưởng thời gian gần đây đến khu vực Tây Bắc chủ yếu là đối tượng trẻ, đi theo hình thức tự đi và khám phá. Chính vì vậy, nguồn lợi đem lại từ du lịch chưa cao. “Do địa hình, thời tiết và giao thông đi lại khó khăn nên nhiều khách hưu trí có chi trả cao muốn đến với Tây Bắc nhưng với đường đèo dốc và cự ly dài nên không thể tham gia”, chị Thanh Tâm, Trưởng phòng nội địa Vietranstour cho biết.

Khi đầu tư hệ thống cơ sở cho du lịch cộng đồng rất cần sự hỗ trợ của doanh nghiệp và chính quyền địa phương. Sự hợp tác các bên gồm người dân - doanh nghiệp - chính quyền dựa trên nguyên tắc cùng tham gia đầu tư và cùng chia sẻ lợi nhuận từ phát triển du lịch cộng đồng. Thực tế, có một số nơi đã định hướng du lịch cộng đồng, nhưng không đầu tư, nên khách chỉ đến chụp vài kiểu ảnh rồi đi, không mang lại nguồn lợi gì cho cư dân bản địa. Do đó, nếu đã xác định là bản du lịch cộng đồng thì địa phương nên có cơ chế chính sách cùng doanh nghiệp tạo thành sản phẩm để du khách thụ hưởng và chi trả phí sử dụng dịch vụ. Từ đó mới có nguồn kinh phí để tái đầu tư phát triển. Đó mới là định hướng phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Anh Tuấn,
Vụ phó Vụ Lữ hành, Tổng Cục Du lịch.

Hướng dẫn viên và xe du lịch ở Điện Biên hạn chế đã gây khó khăn cho những đoàn khách đi bằng đường hàng không. Với tour đường bộ thì thường có hướng dẫn viên đi suốt tuyến, trong khi đoàn khách đi theo đường hàng không thường là hướng dẫn viên bản địa đón tại sân bay để nối tuyến. Song hiện nay, hầu hết khách đoàn đi Điện Biên cử hướng dẫn viên đi kèm nên đẩy giá tour lên cao. Tương tự, việc thuê xe và dịch vụ tại chỗ rất khó khăn. Chính vì vậy với tour đi bằng đường hàng không Hà Nội - Điện Biên Phủ giá rất cao.

Ông Nguyễn Công Hoan
Phó Giám đốc Hanoi Redtour.


Một số bản làng được xác định có tiềm năng du lịch cộng đồng nhưng chưa được đầu tư về hạ tầng và tập huấn để đáp ứng thị hiếu của khách. “Các địa phương cần có chính sách nhất quán trong phát triển du lịch cộng đồng. Việc tổ chức du lịch cộng đồng nghỉ tại nhà dân hiện chỉ cung cấp dịch vụ lưu trú và ăn uống, trong khi những trải nghiệm về cuộc sống như lao động và bán hàng lưu niệm còn thấp. Một trong những lý do đó là thiếu hiểu biết về nhu cầu của khách và yếu kém trong kỹ năng kinh doanh và trình độ ngoại ngữ”, ông Nguyễn Giang Nam, Giám đốc Công ty Asia Pacific Travel.


Trong điều kiện khó khăn thu hút đầu tư thì phát triển loại hình du lịch cộng đồng được đánh giá có tính khả thi. Tuy nhiên, để phát triển cần có quy hoạch và sự đầu tư đúng hướng của chính quyền các cấp và sự tham gia của người dân và doanh nghiệp. Đơn cử như để thu hút khách quốc tế đến du lịch cộng đồng, mức tối thiểu là cần nơi ở và vệ sinh sạch sẽ. Chính vì vậy, khi phát triển du lịch cộng đồng, việc vận động để người dân hiểu được và chấp nhận thay đổi thói quen chăn nuôi dưới nhà sàn, xây dựng nhà vệ sinh hợp tiêu chuẩn là cả một quá trình.


Ông Nguyễn Tuấn Quyền, Phó giám đốc Công ty lữ hành Liên Bang (TP Hồ Chí Minh) cho biết: “Mới đây Hiệp hội lữ hành TP Hồ Chí Minh có khảo sát vòng cung Tây Bắc và nhận thấy bản thân cung đường Tây Bắc đã có sự hấp dẫn nội tại nhưng cơ sở hạ tầng còn thấp, nhất là các tuyến đường liên kết từ Sa Pa sang Hà Giang và từ Sa Pa đi Điện Biên sẽ thu hút khách hơn”. Để chia sẻ nguồn lợi từ du lịch, các địa phương có kế hoạch kêu gọi người dân cung cấp các dịch vụ và tham gia làm du lịch cộng đồng như ngâm tắm lá cây thuốc sức khỏe, ẩm thực, văn hóa sinh hoạt cộng đồng…, chị Thanh Tâm, đại diện Vietranstour cho hay.

Trong khi đó, ông Nguyễn Công Hoan cho rằng, các tỉnh cần có lộ trình trong việc đầu tư thu hút khách. Nếu quảng bá rầm rộ, khách đến đông nhưng chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng được sẽ phản tác dụng. Thời gian qua, khách đến vùng Tây Bắc do được truyền thông mạnh, tuy nhiên dịch vụ vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, nhất là khách hàng có khả năng chi tiêu cao nên nguồn lợi đem lại chưa được như mong muốn.


Dưới sự hỗ trợ của Tổng cục Du lịch, dự án EU, các tỉnh đã hoàn thiện bộ thương hiệu du lịch của khu vực và xây dựng kế hoạch quảng bá chung tầm nhìn 2020, phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng là du lịch sinh thái và văn hóa - cộng đồng, kết hợp đào tạo tập huấn tăng cường nguồn nhân lực. Nhất là hướng đến “Năm du lịch quốc gia khu vực 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng vào năm 2017”, từ nay đến năm 2016, tất cả các sản phẩm du lịch của vùng được hoàn thiệu và quảng bá rộng rãi và từ đó thu hút du khách, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội vùng Tây Bắc.

 

Bài và ảnh:Xuân Minh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN