Báo cáo tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 06/2008/CT-TTg, diễn ra mới đây tại Hà Nội đã khẳng định: Công tác vận động, phát huy vai trò của gần 30.000 người có uy tín (NCUT) trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) được Đảng, các cấp chính quyền… xác định là nội dung quan trọng, có ý nghĩa to lớn trên mọi mặt đời sống, xã hội vùng DTTS và miền núi.
Phát huy vai trò trên mọi lĩnh vực
Nhằm thực hiện tốt chính sách đối với NCUT, 5 năm qua, Đảng, Nhà nước đã dành nhiều sự quan tâm thiết thực, bố trí ngân sách kịp thời để các địa phương thực hiện tốt chính sách. Hằng năm, các địa phương đã tổ chức thăm hỏi gặp gỡ, tiếp đón, tặng quà cho những NCUT vào dịp lễ, Tết, đồng thời động viên, hỗ trợ vật chất kịp thời khi ốm đau, gặp khó khăn, hoạn nạn. Thông qua các cuộc gặp gỡ, trò chuyện, các hội nghị biểu dương, khen thưởng tham quan giao lưu học hỏi kinh nghiệm tại Thủ đô Hà Nội và một số địa phương trong cả nước… những NCUT đã được cung cấp đầy đủ thông tin về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tình hình và nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội tại địa phương để thực hiện hiệu quả việc tuyên truyền, vận động nhân dân, góp phần tham gia xử lý hàng chục nghìn vụ việc liên quan đến an ninh, trật tự tại cơ sở; các vụ tranh chấp khiếu kiện; tham gia công tác hòa giải ở địa phương...
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Hoàng Xuân Lương, thăm hỏi, động viên NCUT huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa. |
Triển khai thực hiện Chỉ thị 06 của Thủ tướng Chính phủ, NCUT trong DTTS còn là lực lượng nòng cốt trong việc xóa đói giảm nghèo. Nhiều mô hình làm kinh tế hiệu quả của NCUT được mọi người học tập, làm theo như: Ông Lý A Tu, dân tộc Mông ở xã Quảng Lâm, huyện Bảo Lâm, Cao Bằng; ông Triệu Tiến Thanh, dân tộc Dao, ở xã Phương Linh, huyện Bạch Thông, Bắc Cạn; ông Lý Phát Sinh, dân tộc Hoa và ông Thổ Nơi, dân tộc Chơ ro ở tỉnh Đồng Nai. Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, mở đường giao thông nông thôn, xây dựng các công trình thủy lợi, trường học, khu tái định cư… có nhiều tấm gương tiêu biểu như: Ông Chẩu Văn Tó, Hoàng Văn Hột (dân tộc Tày, ở tỉnh Tuyên Quang); Ông Vy Văn Thảo (dân tộc Tày, Lạng Sơn); ông Lâm Cốp, dân tộc Khmer, huyện Lộc Ninh, Bình Phước… đã hiến hàng nghìn mét vuông đất, vận động, huy động nguồn lực trong nhân dân tham gia đóng góp, xây dựng quê hương, làng bản. NCUT đóng vai trò quan trọng, trong việc tham gia các hoạt động xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, tham gia ý kiến đóng góp thiết thực vào chương trình phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng. Tiêu biểu trong lĩnh vực này có các tấm gương như ông Sùng A Lùng, huyện Mù Cang Chải, Yên Bái; ông Lầu Mai Thanh, huyện Mường Lát, ông Phạm Hồng Sơn, Thao Văn Dính, huyện Quan Hóa, Thanh Hóa… Tấm gương của các ông Vàng A Tình, Vàng A Kha, Khà A Dếnh ở xã Hang Kia, các ông Sùng A Lừ, Sùng A Dê, Sùng A Xa ở xã Pà Cò, Mai Châu, Hòa Bình đã cung cấp thông tin quan trọng liên quan đến tội phạm ma túy đang có lệnh truy nã, góp phần thuyết phục 16 đối tượng vi phạm pháp luật ra đầu thú, vận động nhân dân giao nộp 343 khẩu súng các loại, vận động 36 người đi cai nghiện.
Phối hợp chưa chặt chẽ
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Giàng Seo Phử, việc triển khai Chỉ thị 06 mặc dù đạt được nhiều kết quả, nhưng vẫn bộc lộ một số hạn chế. Việc triển khai Chỉ thị 06 và Quyết định 18 chưa thống nhất; quan điểm, nhận thức về NCUT còn khác nhau, chưa thấy hết vai trò, vị trí của NCUT, nên công tác vận động NCUT đạt kết quả thấp. Sự phối hợp giữa các bộ, ngành chưa đồng bộ, thiếu chặt chẽ; nội dung, hình thức vận động chưa linh hoạt, cơ chế chính sách cho công tác này còn bất cập. Công tác vận động chưa thường xuyên, một số địa phương chỉ tiến hành khi có vụ việc xảy ra; chưa quan tâm đúng mức đến công tác vận động NCUT là các chức sắc tôn giáo...
Còn bà H’Ngăm Niê Kdăm, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cho biết: “Các địa phương ở Tây Nguyên đã bầu được trên 3.600 NCUT và giao cho Ban dân tộc các tỉnh quản lý để thực hiện chính sách; và họ chỉ có uy tín hạn hẹp trong phạm vi một buôn, làng. Trên thực tế, có hơn 2.300 NCUT đã được xác định theo Chỉ thị 06, nhưng không thuộc diện hưởng chính sách tại Quyết định 18, mà do ngành Công an và Ủy ban MTTQVN địa phương quản lý; vận động bằng ngân sách địa phương; chưa có sự đồng bộ thống nhất. Ngoài ra còn bất cập về quy trình xét chọn bằng hình thức bỏ phiếu rườm rà, thời gian bầu chọn và công nhận chỉ một năm là quá ngắn. Trong quyết định mà UBND xã công nhận, NCUT lại không giao nhiệm vụ gì, mà chỉ công nhận danh sách để được hỗ trợ, địa phương rất khó thực hiện”.
Ông Trương Thắng Trận, Chủ tịch Ban thường trực, Ủy ban MTTQVN tỉnh Kiên Giang nhìn nhận: “Kinh phí dành cho công tác vận động, phát huy vai trò của NCUT còn hạn hẹp, mức chi không quá 400.000 đồng/người/năm để thăm hỏi, nên cân nhắc lại cho phù hợp với tình hình thực tế. Kinh phí Trung ương điều tiết cho địa phương hàng năm chưa kịp thời. Nên định kỳ tổ chức hội nghị gặp mặt, biểu dương, khen thưởng đối với NCUT, tiêu biểu có thành tích xuất sắc”.
Trước những hạn chế trong việc thực hiện Chỉ thị 06, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Ủy ban Dân tộc phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với NCUT; chú trọng việc cung cấp thông tin và tạo điều kiện để NCUT phát huy vai trò trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Mặt trận Tổ quốc các cấp phối hợp cấp ủy, chính quyền tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc, kịp thời phát hiện những tồn tại, hạn chế, đề xuất với Đảng, Nhà nước các biện pháp tháo gỡ khó khăn để triển khai thực hiện Chỉ thị 06 của Thủ tướng Chính phủ.
Bài và ảnh: Trọng Thủy