Tăng thuế không phải do ngân sách hụt thu hay chi nhiều

Về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 5 luật thuế đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến rộng rãi, ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) cho rằng: Lần sửa đổi này sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với những lần trước bởi bối cảnh kinh tế đất nước vẫn còn khó khăn. Tuy nhiên, tăng thuế không phải do ngân sách hụt thu hay chi nhiều mà để cơ cấu lại nguồn thu.

Thưa ông, một trong những nội dung mà dư luận quan tâm nhất hiện nay là việc Bộ Tài chính đề xuất mức thuế giá trị gia tăng (VAT) tăng từ 10% lên 12% từ năm 2019. Là người làm trong lĩnh vực thuế lâu năm, quan điểm riêng của ông về vấn đề này?


Cá nhân tôi cho rằng, trong những năm qua các chính sách thuế của Việt Nam đưa ra đã có những bước đi thận trọng, hạn chế gây sốc cho nền kinh tế và người dân. Ban đầu thuế suất thuế VAT của Việt Nam đưa ra gồm nhiều mức như: 0% cho hàng hóa xuất khẩu, 5% đối với các mặt hàng thiết yếu, 10% dành cho hàng hóa đại đa số và 20% áp dụng với một số hoạt động như môi giới, đại lý.


Qua thực tiễn phát triển, chúng ta cũng đã bỏ thuế suất 20% và duy trì 3 mức thuế suất còn lại trong một thời gian khá lâu. Theo tôi, việc thay đổi lần này cũng nhằm đáp ứng được yêu cầu thực tiễn phát triển nền kinh tế cũng như xu hướng chung của quốc tế. Việc tăng thuế gián thu là xu hướng chung của nhiều nước trên thế giới khi họ chuyển sang giai đoạn phát triển mới, để thay đổi, tái cơ cấu nguồn thu ngân sách.


Trong dự thảo sửa đổi lần này, Bộ Tài chính cũng đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN từ 20% xuống còn 17%, thậm chí 15% dành cho doanh nghiệp siêu nhỏ (là doanh nghiệp có tổng doanh thu năm dưới 3 tỷ đồng. Điều này sẽ tác động tới các doanh nghiệp ra sao, thừa ông?


Theo tôi, tác động lớn nhất và đầu tiên đó là tới ý chí kinh doanh, niềm hứng khởi kinh doanh. Doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được giảm thuế đương nhiên cùng sẽ tạo tâm lý sẵn sàng kinh doanh. Tinh thần của sửa luật lần này sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng sự trợ giúp về quy trình thủ tục để người dân thấy được rằng, việc chuyển từ hộ kinh doanh lên doanh nghiệp sẽ có nhiều thuận tiện, lợi ích hơn.


Cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh tốt thì kinh tế sẽ phát triển và trong đó sự đóng góp của doanh nghiệp vào ngân sách cũng tốt hơn cho dù chúng ta giảm thuế suất.


Ông có cho rằng, việc đề xuất điều chỉnh một số sắc thuế đưa ra lần này do thu chi ngân sách gặp khó khăn?


Bộ Tài chính đang xây dựng chính sách trong đó có đề xuất tăng một số mức thuế nhưng cũng có cả mức giảm thuế và việc sửa các luật thuế không phải do chi nhiều, hay ngân sách thiếu hụt nguồn thu. Bởi chẳng hạn, việc chi ngân sách luôn dưới sự giám sát, kiểm soát gắt gao từ Quốc hội, cũng như các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế, các nhà tài trợ quốc tế (bởi họ cho ta vay) và hơn hết là sự giám sát rất lớn từ người dân, các tổ chức chính trị xã hội. Việc điều chỉnh một số nội dung của các sắc thuế chính đang xin ý kiến đều nằm trong lộ trình, kế hoạch thực hiện Chiến lược Tài chính đến năm 2020, Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 – 2020.


Việc sửa đổi này cần đặt ra trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu hơn khi các cam kết cắt giảm thuế quan trên diện rộng và mạnh mẽ hơn từ năm 2018, do đó bắt buộc phải thực hiện cơ cấu lại nguồn thu cho ngân sách Nhà nước (NSNN). Bởi những khoản thu từ hàng hóa xuất nhập khẩu theo lộ trình sẽ cắt giảm về 0%, do vậy để đảm bảo được tỷ lệ động viên hợp lý thì cùng với việc kiểm soát chặt chẽ, tiết giảm chi tiêu ngân sách thì đương nhiên chúng ta phải cân đối lại cơ cấu các sắc thuế nội địa trong toàn bộ hệ thống.


Thực tế trong những năm 2011 - 2015 vừa qua, tỷ lệ huy động thu NSNN bình quân là 23,4%GDP (so với mục tiêu đề ra là 23 – 24% GDP); trong đó, động viên về thuế và phí đạt 21,6%GDP (mục tiêu 22 – 23%GDP). Tuy nhiên, những năm gần đây, khi chúng ta cắt nhiều về thuế xuất nhập khẩu, giảm thuế suất thuế TNDN để trợ giúp doanh nghiệp thì tỷ lệ động viên về thuế có nguy cơ không đảm bảo được mức đã đề ra. Cũng cần nhắc lại là mức 22-23% là mức được tính toán kỹ lưỡng, khoa học để đảm bảo cho nền kinh tế trong nước phát triển ổn định, trên cơ sở đó chúng ta có thể bảo đảm được nhu cầu chi tiêu thường xuyên của ngân sách theo xu hướng tiết kiệm cũng như bảo đảm an sinh xã hội.


Minh Phương/Báo Tin Tức
Tăng thuế VAT khiến người thu nhập thấp 'tổn thương'
Tăng thuế VAT khiến người thu nhập thấp 'tổn thương'

Trước việc Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) với hàng hóa tiêu dùng đang từ mức 10% lên 12% từ năm 2019 hoặc tăng lên 14% từ năm 2021, rất nhiều quan điểm không đồng tình vấn đề này, đồng thời khuyến nghị Bộ Tài chính cần thận trọng khi điều chỉnh sắc thuế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN