Theo ông Thi, thời gian qua việc triển khai các luật thuế đã đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Tuy nhiên, điều kiện tình hình kinh tế - xã hội có nhiều biến động, thực tiễn đã phát sinh một số vấn đề đòi hỏi cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của 5 Luật thuế bởi hiện nay, những luật thuế này đang tồn tại một số vướng mắc.
Một số nội dung sửa đổi, ôổ sung Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp. Ảnh minh họa: Vũ Sinh/TTXVN |
Cụ thể: Luật Thuế GTGT có vướng mắc đáng kể về đối tượng không chịu thuế như phân bón, máy móc cho nông nghiệp, chuyển quyền sử dụng đất… Mức thuế suất thông thường 10% tương đối thấp, chưa phù hợp thông lệ quốc tế. Một số hàng hoá dịch vụ như nước sạch, hoạt động văn hoá, triển lãm, thể dục thể thao, phim ảnh… đã được xã hội hoá mạnh mẽ nhưng vẫn chịu thuế suất thuế GTGT là 5% là chưa bình đẳng với các lĩnh vực khác.
Về thuế TNDN, Luật Thuế TNDN hiện hành vẫn còn một số nội dung cần hoàn thiện để đáp ứng tình hình mới như chưa có quy định khống chế chi phí được trừ đối với chi phí trả lãi tiền vay vốn tương ứng với khoản vay vượt quá nhiều lần vốn chủ sở hữu, từ đó chưa đảm bảo bình đẳng giữa doanh nghiệp sử dụng vốn chủ sở hữu để kinh doanh với doanh nghiệp sử dụng vốn vay, đồng thời không đảm bảo an toàn tài chính của doanh nghiệp.
Để khắc phục những bất cập này và thực hiện các mục tiêu đã nêu, thời gian qua, Bộ Tài chính đã tiến hành rà soát, tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện các luật về thuế, thu thập kinh nghiệm quốc tế về cải cách các sắc thuế, trên cơ sở đó đề xuất giải pháp sửa đổi, bổ sung các chính sách thuế.
Theo ông Phạm Đình Thi, nội dung cụ thể sửa đổi của Dự án luật đối với Luật thuế GTGT là tập trung 7 nội dung gồm sửa đổi nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; sửa đổi nhằm bảo đảm tỷ trọng hợp lý giữa thuế gián thu và thuế trực thu theo Nghị quyết số 07-NQ/TW.
Về Luật thuế TTĐB sửa đổi 4 nội dung nhằm mở rộng cơ sở thu, phù hợp với thông lệ quốc tế; sửa đổi về giá tính thuế TTĐB đối với mặt hàng ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống nhằm thực hiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô (giá tính thuế TTĐB đối với mặt hàng ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống sản xuất trong nước là giá do cơ sở sản xuất bán ra trừ đi giá trị linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước) .
Đối với Luật thuế TNDN, sửa đổi 8 nội dung về giảm thuế suất thuế TNDN cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, thực hiện chiến lược cải cách hệ thống thuế, và sửa đổi về ưu đãi thuế theo Nghị quyết số 07-NQ/TW, Nghị quyết số 25/2016/QH14 và phù hợp với thông lệ quốc tế theo hướng hẹp về lĩnh vực, tiếp tục khuyến khích đầu tư vào các ngành sản xuất các sản phẩm có GTGT lớn, các ngành công nghiệp hỗ trợ, sử dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, dịch vụ chất lượng cao.
Luật thuế TNCN sửa đổi nhằm tháo gỡ khó khăn cho cá nhân, mở rộng cơ sở thu, cụ thể là bổ sung quy định thu nhập từ bản quyền bao gồm cả thu nhập từ chuyển giao, chuyển quyền sử dụng tài nguyên internet theo quy định của Luật Viễn thông thuộc đối tượng chịu thuế, cải cách thủ tục hành chính.
Việc sửa đổi, bổ sung Luật thuế tài nguyên để thống nhất với các quy định của pháp luật có liên quan (pháp luật về khoáng sản, pháp luật về điện lực, pháp luật về hải quan) và đảm bảo tính thống nhất của các quy định tại Luật, như: Sửa đổi, bổ sung quy định về người nộp thuế tài nguyên trong trường hợp khai thác nhỏ, lẻ để phù hợp với quy định của Luật khoáng sản, phù hợp với thực tế; Sửa đổi, bổ sung quy định về sản lượng tài nguyên tính thuế đối với nước thiên nhiên (trừ nước thiên nhiên dùng cho sản xuất thủy điện) để đảm bảo tính đồng bộ của các quy định trong Luật.
Bộ Tài chính đang chủ trì việc xây dựng dự án Luật để trình Chính phủ trong tháng 9/2017 và báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.