Tiếp tục Phiên họp thứ 27, sáng 18/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2015.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Tờ trình về dự kiến chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội, ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2015 tập trung vào một số nhóm vấn đề chính: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển kinh tế; tái cấu trúc nền kinh tế; công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, sử dụng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đền bù, giải phóng mặt bằng; việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; thực hiện chính sách, pháp luật về hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tạm trữ lúa, gạo và xuất khẩu gạo; quản lý và sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường, đất trồng lúa; việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật; việc triển khai thi hành Hiến pháp; cải cách tư pháp; cải cách hành chính; trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bị oan; công tác xét xử, thi hành án hình sự, dân sự; việc thực hiện chính sách pháp luật về kết hợp phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông...
Thảo luận tại phiên họp, ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều nhất trí, tán thành với Tờ trình của Văn phòng Quốc hội; đề nghị cần cân nhắc, lựa chọn vấn đề giám sát sao cho hợp lý trong bối cảnh mật độ giám sát hiện nay tương đối dày đặc, chưa kể giám sát mang tính chất thường xuyên.
Cùng quan điểm này, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, chức năng giám sát là một nội dung quan trọng trong hoạt động của Quốc hội. Do đó, hoạt động giám sát của Quốc hội cũng như Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2015 phải đảm bảo được sự hài hòa giữa nhiệm vụ của Quốc hội với những công việc khác được giao.
Cơ bản đồng tình với nội dung tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đề nghị, trong 6 chuyên đề giám sát trên nên chọn 2 chuyên đề, 1 chuyên đề của Quốc hội và 1 chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, mục đích của hoạt động giám sát nhằm đánh giá thực tế, đồng thời là cơ sở để Quốc hội quyết định xây dựng pháp luật. Do đó, trong năm 2015, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải lựa chọn 2 chuyên đề giám sát. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị, các ủy ban cần đổi mới, nâng cao trách nhiệm giám sát của Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội lưu ý, khi giám sát tại các địa phương lớn thì trưởng đoàn nhất định phải là Chủ nhiệm Ủy ban, với các bộ thì do một đồng chí Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm trưởng đoàn.
Sáng cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Tờ trình của Chính phủ xin ý kiến Quốc hội về việc gia nhập Công ước về quyền lợi quốc tế đối với trang thiết bị di động và Nghị định thư về các vấn đề cụ thể đối với trang thiết bị tàu bay (Công ước và Nghị định thư Cape Town).
* Buổi chiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội nhằm kịp thời thể chế hóa các quan điểm của Đảng, quy định của Hiến pháp về quyền được bảo đảm an sinh xã hội của công dân, khắc phục những bất cập của luật hiện hành, đáp ứng nguyện vọng của người lao động và góp phần hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về an sinh xã hội phù hợp với quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
Các ý kiến cho rằng luật cần phải tiếp tục làm rõ quan điểm xây dựng hệ thống an sinh xã hội đa dạng, toàn diện, có tính chia sẻ giữa Nhà nước, xã hội và người dân, giữa các nhóm dân cư trong một thế hệ và giữa các thế hệ, đảm bảo bền vững, công bằng; đồng thời đổi mới việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ, giảm phiền hà cho người tham gia.
Nguyễn Cường