Đề án được thực hiện ở 49 trường mầm non và 99 trường tiểu học có học sinh tiểu học dân tộc thiểu số ở 7 huyện của tỉnh Bình Thuận là Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, Tánh Linh và Đức Linh.
Trường tiểu học Hàm Cần 1, xã Hàm Cần, huyện Hàm Thuận Nam là một trong những trường thực hiện hiệu quả đề án trên. Năm học 2018-2019, toàn trường có 194 học sinh người dân tộc Rai (tên gọi khác của dân tộc RaGlai, RaGlay ở Bình Thuận), chiếm 98% học sinh toàn trường. Không chỉ ở nhà mà khi đến trường đa phần các học sinh dân tộc thiểu số đều dùng tiếng của dân tộc mình để giao tiếp, vì vậy việc dạy và học tiếng Việt gặp nhiều khó khăn.
Cô Nguyễn Thị Kim Loan, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hàm Cần 1 cho biết: Do đặc thù của địa phương nên trước mỗi năm học, nhà trường chủ động tổ chức dạy phụ đạo trong dịp hè cho học sinh dân tộc thiểu số chuẩn bị vào lớp 1, giúp các em làm quen và biết đọc, biết viết căn bản tiếng Việt. Trong năm học, trường tăng cường dạy thêm 2 buổi/tuần cho học sinh, chủ yếu là nâng cao khả năng nghe, nói tiếng Việt cho các em.
Một trong những lợi thế của trường khi triển khai Đề án là trường có 3/11 giáo viên người dân tộc bản địa, có nhiều thầy cô giáo đã gắn bó lâu và có kinh nghiệm trong việc giảng dạy ở các vùng dân tộc thiểu số. Trong các tiết dạy, giáo viên tập trung rèn kỹ năng đọc, viết cho học sinh, từng bước tăng cường kỹ năng đọc hiểu, kỹ năng diễn đạt tiếng Việt thành thạo.
Hiện nay, các em học sinh tại trường đã có thể giao tiếp bằng tiếng Việt, nắm bắt kịp thời chương trình giáo dục. Chất lượng học tập môn tiếng Việt của học sinh được nâng lên rõ rệt. Năm học 2017- 2018, tỷ lệ học sinh lên lớp đạt 98%.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Thuận, không chỉ thực hiện dạy tăng cường tiếng Việt cho học sinh bậc tiểu học, các trường còn đưa vào chương trình tích hợp dạy tiếng Việt trong các môn học, các hoạt động giáo dục...
Bên cạnh đó, hầu hết các trường có học sinh dân tộc thiểu số đều xây dựng góc thư viện, góc địa phương và các góc chơi khác có gắn bảng tên bằng tiếng Việt để giúp trẻ tiếp xúc thường xuyên hơn với tiếng Việt. Các hội thi, giao lưu "Viết chữ đẹp”, “Tiếng Việt của chúng em”, "Ngày hội nói tiếng Việt"… được các trường duy trì thường xuyên.
Riêng ở bậc học mầm non, các trường đều tăng thời gian luyện nói và dạy tiếng Việt thông qua các trò chơi. Đồng thời các trường phối hợp với phụ huynh học sinh khuyến khích con em mình sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp và tạo dựng môi trường nói tiếng Việt tại nhà…
Theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Thuận, sau 2 năm triển khai, Đề án đã làm thay đổi nhận thức của cộng đồng và phụ huynh về tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non và học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số.
Đến nay, có gần 5.000 học sinh mầm non dân tộc thiểu số đến trường đã được tăng cường tiếng Việt. Hầu hết, các em đều có khả năng nắm bắt ngôn ngữ tiếng Việt, thường xuyên giao tiếp bằng tiếng Việt, mạnh dạn, tự tin, có kiến thức cơ bản để bước vào lớp 1.
Đối với bậc tiểu học, hiện có hơn 10 nghìn học sinh dân tộc thiểu số đến trường. Nhìn chung, năng lực sử dụng tiếng Việt của học sinh từ lớp 2 đến lớp 5 có nhiều tiến bộ hơn. Đa số các em có khả năng nói, nghe hiểu để giao tiếp trong sinh hoạt và đáp ứng yêu cầu học tập.
Bình Thuận đặt mục tiêu đến năm 2025 có 100% học sinh dân tộc thiểu số đảm bảo chất lượng, đạt chuẩn kiến thức kỹ năng môn tiếng Việt cấp tiểu học và sẵn sàng học lên trung học cơ sở. Trong thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Thuận tiếp tục tham mưu đầu tư và xây dựng cơ sở vật chất, phòng học để thu nhận trẻ ở độ tuổi dưới 5, đảm bảo việc học 2 buổi/ngày và bán trú.
Bên cạnh việc bố trí giáo viên là người dân tộc thiểu số tại địa phương, giáo viên có nhiều kinh nghiệm trong giáo dục vùng dân tộc thiểu số, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Thuận cũng triển khai sâu rộng cuộc vận động “Mỗi nhà giáo và cán bộ giáo dục giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn”…