Kinh tế và giao thông khó khăn, người dân còn giữ tập tục sinh đẻ tại nhà hoặc chỉ cho người nhà, người cùng dòng tộc đỡ đẻ... khiến tỉ lệ tử vong mẹ tại khu vực vùng núi, vùng sâu, vùng xa, nhất là khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, luôn cao gấp 3 - 4 lần so với khu vực đồng bằng.
Theo PGS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế: “Việc các thai phụ sinh tại nhà, đặc biệt không được cán bộ y tế đỡ đẻ là một nguyên nhân chính làm tăng tỷ lệ tử vong mẹ ở những khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa. Thế nhưng tại các tỉnh miền núi hiện nay, tỷ lệ đẻ tại nhà lại chiếm khá cao từ 40 - 60%, trong đó tỉnh Lai Châu là 59%, Điện Biên 55%, Lào Cai 53%, Hà Giang 45%, Sơn La 42%...”.
Cô đỡ thôn bản tại huyện Mường Chà, Điện Biên.Ảnh: Bích Ngọc - TTXVN |
Chính vì vậy, từ nhiều năm nay Bộ Y tế đã chú trọng xây dựng mô hình cô đỡ thôn bản (CĐTB) tại những địa phương vùng sâu, vùng xa. Đến nay, Bộ đã đào tạo được 1.300 CĐTB, là những phụ nữ trẻ người dân tộc, đang sinh sống tại cộng đồng. Những người này có trách nhiệm truyền thông, vận động chị em mang thai đến cơ sở y tế để được thăm khám; giúp phát hiện dấu hiệu bất thường về thai sản để chuyển đến cơ sở y tế kịp thời...
Chia sẻ về hiệu quả hoạt động của mô hình này, ông Đặng Văn Huynh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Giang cho biết, từ năm 2008 - 2011, tỉnh Hà Giang đã đào tạo được khoảng 30 CĐTB cho một số xã vùng sâu, vùng xa của huyện Đồng Văn và Xín Mần. Các CĐTB đã được bố trí làm công tác y tế thôn bản, cộng tác viên dinh dưỡng, dân số... Họ rất tích cực tuyên truyền vận động phụ nữ mang thai đi khám thai định kỳ; Khám, phát hiện thai nghén có nguy cơ sinh khó như ngôi ngang, thai to, tiền sản giật, băng huyết; Tham gia đỡ đẻ tại trạm y tế, hỗ trợ các trường hợp đẻ tại nhà; Vận động bà mẹ mang thai và nuôi con nhỏ đi tiêm chủng...
Sau gần 3 năm triển khai, những địa phương có CĐTB đã có chuyển biến tích cực về các chỉ số chăm sóc sức khỏe sinh sản. Ví dụ, tại Trạm y tế xã Chí Cà, huyện Xín Mần, tỷ lệ quản lý thai đạt 100% (năm 2009 là 28%), tỷ lệ đẻ tại cơ sở y tế đạt 35% (năm 2009 là 23%). Đặc biệt, trong năm 2010 - 2011, hai xã (Chí Cà, Cốc Rế) của huyện Xín Mần đã phát hiện được 22 ca thai nghén có nguy cơ sinh khó và những ca này đã được để chuyển lên cơ sở y tế tuyến trên kịp thời...
“Mô hình CĐTB rất phù hợp với nhu cầu thực tiễn tại huyện vùng cao của Hà Giang, nhất là các xã vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. CĐTB đã góp phần thay đổi hành vi của người dân trong thôn bản, đặc biệt là phụ nữ mang thai trong việc khám thai và đến sinh đẻ tại cơ sở y tế”, ông Đặng Văn Huynh nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Minh Phú, Phó Chủ tịch huyện Mường Trà, tỉnh Điện Biên cho hay: “Huyện Mường Trà có tới 13 xã đặc biệt khó khăn, điều kiện về địa hình phức tạp, người dân sống không tập trung, từ thôn này tới thôn khác có thể cách xa tới 50 km. Trong khi đó, khả năng đọc, hiểu chữ quốc ngữ của người dân hạn chế, phần lớn phụ nữ rất ngại tiếp xúc với đàn ông trừ chồng của mình... nên rất khó tuyên truyền, vận động thai phụ đi khám và sinh đẻ tại cơ sở y tế. Do đó, việc triển khai mô hình CĐTB tại các huyện miền núi như Mường Trà là rất hiệu quả, góp phần giảm tỷ lệ tử vong mẹ và tử vong sơ sinh”.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, bắt đầu từ ngày 8/3/2013 CĐTB đã chính thức được công nhận là một chức danh trong hệ thống y tế, được hưởng phụ cấp theo quy định, chứ không chỉ được trợ cấp 50.000 đồng/tháng như trước đây. Đồng thời, đội ngũ CĐTB sẽ được đào tạo từ 6 tháng trở lên theo khung chương trình đào tạo cô đỡ thôn, bản của Bộ Y tế. Quyết định quan trọng này sẽ góp phần động viên cả về tinh thần, vật chất và tạo sự ổn định cho đội ngũ CĐTB để nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, chăm sóc thai sản ở vùng sâu, vùng xa, góp phần làm giảm tai biến sản khoa tại cộng đồng.
“Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ chỉ đạo việc mở rộng mô hình CĐTB tại những tỉnh vùng sâu vùng xa, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Các sở y tế là nơi chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng lên danh sách thôn, bản cần bố trí CĐTB; đồng thời xây dựng triển khai kế hoạch đào tạo và đào tạo liên tục cho hệ thống CĐTB tại địa phương”, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến khẳng định.
Phương Liên