Địa chỉ tin cậy của người nghèoGiám đốc NHCSXH tỉnh Khánh Hòa, bà Võ Hải Thư có “thói quen“ nói về người nghèo và các đối tượng chính sách khác nhiều hơn là hoạt động của đơn vị mình, nhưng chúng tôi cũng kịp tóm lược những kết quả ấn tượng: Sau 13 năm hoạt động, NHCSXH tỉnh Khánh Hòa đã giúp 117.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn ưu đãi. Với mạng lưới hoạt động phủ kín đến các bản làng, thôn xóm thông qua 2.674 tổ tiết kiệm và vay vốn đã tạo nên một cơ chế cho vay đặc thù đem vốn ưu đãi đến tận tay các đối tượng chính sách ở vùng sâu, vùng xa với chi phí thấp và hiệu quả sử dụng vốn cao nhất.
Đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã vùng cao của tỉnh Khánh Hòa được cán bộ NHCSXH tận tình hướng dẫn thủ tục vay vốn tại điểm giao dịch. |
Đến nay, tổng dư nợ của NHCSXH tỉnh Khánh Hòa đạt gần 1.900 tỷ đồng, với trên 135.000 khách hàng đang còn dư nợ. Nguồn vốn này thu hút và tạo việc làm cho trên 132.000 lao động; 43.245 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng được 190.400 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; xây mới và sửa chữa gần 1.300 căn nhà cho hộ nghèo và nhà ở phòng tránh bão, lụt... góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân nghèo.
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã trở thành địa chỉ tin cậy của người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội, giúp họ có vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, từng bước cải thiện cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững. NHCSXH các huyện trên địa bàn đã tổ chức chuyển tải kịp thời nguồn vốn đến đúng các đối tượng thụ hưởng, trong đó ưu tiên đầu tư các xã đặc biệt khó khăn, các xã đảo ven biển, các xã điểm xây dựng nông thôn mới. Hầu hết hộ nghèo, gia đình đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn có nhu cầu, đủ điều kiện đều được vay vốn chính sách thuận lợi kịp thời sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
Nhiều mô hình hiệu quảTừ nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều mô hình kinh tế vườn rừng, trang trại tổng hợp, chăn nuôi hươu, dê, bò và trồng cây ăn quả đặc sản ở huyện miền núi Khánh Vĩnh đã hình thành và phát triển.
Vườn cây ăn trái của gia đình bà Hứa Thị Minh đã đơm hoa kết trái nhờ vào vốn vay ưu đãi. |
Chúng tôi đến thăm gia đình bà Hứa Thị Minh, dân tộc Tày ở thôn Hòn Dù, xã Khánh Nam vay 30 triệu đồng từ chương trình hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn để cải tạo vườn đồi phát triển kinh tế VAC và mua phân bón chăm sóc cây trồng. “Vườn cây ăn trái của gia đình đã đơm hoa kết trái nhờ vào vốn vay ưu đãi. Bưởi da xanh ở đây ngon, ngọt, nhiều nước, ruột đỏ, da xanh, bóng, vỏ mỏng, thương lái rất thích, giá bán từ 35.000 - 40.000 đồng/kg, mỗi năm gia đình thu nhập từ vườn bưởi hàng trăm triệu đồng, làm ăn có lãi, gia đình còn tiết kiệm mua ngay máy bơm nước công suất lớn phục vụ tưới tiêu cho vườn tược của gia đình và giúp bà con hàng xóm những ngày khô hạn”, bà Minh phấn khởi khoe.
Cũng ở thôn Hòn Dù, xã Khánh Nam, anh Cao Hà Răng, dân tộc Raglai cho biết: “Mấy năm về trước cuộc sống gia đình rất khó khăn, giữa vùng sơn thẳm này không biết phải nuôi con gì, trồng cây gì mới có thể thoát được cảnh nghèo khó, được các hội, đoàn thể và Tổ tiết kiệm và vay vốn bình xét, NHCSXH cho vay 30 triệu đồng vốn ưu đãi từ chương trình hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn để đầu tư nuôi bò sinh sản, gia đình tôi từng bước thoát nghèo, cuộc sống ổn định hơn. Ngoài đầu tư chăn nuôi, gia đình còn trồng 2 ha rừng keo, phủ xanh đất trống, đồi trọc và tăng thêm thu nhập”.
Hoạt động đưa vốn tín dụng ưu đãi về tận xã của NHCSXH tỉnh Khánh Hòa thời gian qua đã thiết thực góp phần giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác có một cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc hơn. Đó cũng chính là nguồn vui, là động lực để những cán bộ tín dụng NHCSXH tiếp tục nỗ lực, phát huy vai trò là điểm tựa vững chắc cho các hộ dân phát triển sản xuất, kinh doanh.
Trong thời gian tới, NHCSXH tỉnh Khánh Hòa tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách, nhằm giúp hộ vay tiếp cận đầy đủ, kịp thời hơn với nguồn vốn ưu đãi để sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả, vươn lên làm giàu chính đáng. Giảm tỷ lệ nợ quá hạn dưới 0,4%; đồng thời tiếp tục nâng cao chất lượng giao dịch xã và củng cố chất lượng hoạt động của mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn; đưa nguồn vốn tín dụng chính sách đến đúng các đối tượng thụ hưởng và đảm bảo sự minh bạch, dân chủ nhằm huy động sức mạnh, sự phối hợp của các cấp ngành, các tầng lớp dân cư cùng chung tay quản lý, sử dụng đồng vốn chính sách có hiệu quả trên con đường giảm nghèo bền vững.