Tại sao Nga quyết định bán S-400 cho Trung Quốc?

Tạp chí Kanwa Defense Review số tháng 7 phát hành ở Hồng Công dẫn nguồn tin cấp cao thuộc giới công nghiệp quân sự Nga tiết lộ, Nga đã quyết định xuất khẩu hệ thống tên lửa đất đối không S-400 cho Trung Quốc. Hiện nay, hai bên tuy chưa kí kết hiệp định và hợp đồng chính thức, nhưng đàm phán liên quan đã được đưa vào nghị trình làm việc giữa Mátxcơva và Bắc Kinh. Trọng điểm đàm phán giữa hai bên từ nay về sau là việc trang bị tên lửa gì cho phiên bản S-400 xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.


Tới nay, S-400 mới chỉ được trang bị cho quân đội Nga.

 

Theo giới thiệu của Almaz Antey, đơn vị sản xuất S-400, phiên bản S-400 dành cho xuất khẩu hiện nay bao gồm cả lựa chọn trang bị tên lửa đánh chặn có tầm bắn 380 km. Tuy nhiên, liệu Nga có xuất khẩu loại tên lửa này cho Trung Quốc hay không, tới nay, hai bên vẫn chưa đạt được phương án cuối cùng.


Hệ thống tên lửa phòng không S-400 luôn là niềm mơ ước của Trung Quốc. Trong những cuộc họp thường niên các cấp của chính phủ hai bên mấy năm trở lại đây, Bắc Kinh liên tục nêu hi vọng sở hữu S-400. Nhưng tới năm 2012, Mátxcơva vẫn chưa đồng ý xuất khẩu hệ thống tên lửa phòng không này sang thị trường Trung Quốc vì quan ngại S-400 có thể bị làm nhái và do chưa đạt được thỏa thuận liên quan tới số lượng phải mua theo yêu cầu của phía Nga.


Tuy nhiên, với tiết lộ nêu trên, rõ ràng tiến trình đàm phán mua bán S-400 giữa Nga và Trung Quốc đã bước vào giai đoạn tham vấn kĩ thuật. Theo tạp chí Kanwa Defense Review, đây là bước nhượng bộ tiếp theo của Mátxcơva đối với Bắc Kinh sau quyết định xuất khẩu máy bay chiến đấu đa năng Su - 35 thế hệ 4 ++ và tàu ngầm lớp Lada thế hệ 4 sang thị trường Trung Quốc. Vậy đâu là nguyên nhân ẩn chứa đằng sau?


Trong một bài viết liên quan đăng trên số ra vào tháng 6, tạp chí Kanwa Defense Review nhận định Nga có thể sẽ nới lỏng việc bán S-400 cho Trung Quốc. Đó là bởi các chuyên gia Nga cho rằng công nghệ và tầm bắn của tên lửa đất đối không tầm xa HQ9/FD2000 do Trung Quốc chế tạo còn kém xa S-400. Hơn nữa, trong lĩnh vực động cơ hàng không, công nghệ hệ thống tên lửa đất đối không S-400... , Trung Quốc rất khó để có thể làm nhái.


Trên số ra vào tháng 7, Kanwa Defense Review bổ sung thêm rằng sở dĩ Nga thay đổi thái độ, ngoài việc xuất phát từ nhu cầu lẫn nhau về chính trị, nguyên nhân chủ yếu và Mỹ và Nhật Bản bắt tay thúc đẩy hơn nữa việc nghiên cứu về chương trình phòng thủ tên lửa đạn đạo. Hành động này của Mỹ - Nhật đã kích thích “thần kinh” của Trung Quốc và Nga.


Theo kế hoạch, Oasinhtơn và Tôkyô sẽ tiếp tục phát triển chương trình phòng thủ tên lửa đạn đạo với mục tiêu cuối cùng là chế tạo thành công tên lửa đánh chặn có tốc độ lên tới 6,5 km/giây cùng hệ thống thám trắc tương ứng. Một khi chúng được bố trí tại Nhật Bản, lực lượng tên lửa vượt đại châu của Nga bố trí ở Tây Xibêria rơi vào thế tương đối bị động. Do đó, Nga bị đẩy vào thế phải tăng cường tư vấn, hợp tác với Trung Quốc trong lĩnh vực phòng thủ tên lửa.


Đối với phía Trung Quốc, tạp chí Kanwa Defense Review cho rằng nguyên nhân cốt lõi nhất thúc đẩy nước này nỗ lực sở hữu S-400 là hi vọng lấy được công nghệ của Nga, đặc biệt trong lĩnh vực chế tạo động cơ tên lửa đất đối không tầm xa. Tên lửa HQ9A do Trung Quốc chế tạo chỉ đạt tầm bắn là 125 km. Muốn nâng tầm bắn của tên lửa HQ9A lên trên 200 km, Trung Quốc buộc phải thay động cơ mới và cải tiến công nghệ nạp đạn. Chính vì thế, tầm bắn lên tới 380 km của S-400 đã tạo ra sức hấp dẫn lớn đối với Trung Quốc. Nhưng Bắc Kinh không thể có ngay S-400 để tạo ra sức răn đe. Trung Quốc chỉ là khách hàng thứ ba của S-400, sau Bêlarút và Cadắctan. Nếu không gặp phải trắc trở có thể nảy sinh trong quá trình đàm phán, giới chuyên gia cho rằng việc chuyển giao S-400 sớm nhất sẽ diễn ra vào 4 năm sau, tức là vào năm 2017.

 

S-400 hay S-400 Triumph là phiên bản nâng cấp từ hệ thống tên lửa đất đối không tầm trung và tầm xa S - 300, với tầm bắn hiệu quả lớn gấp 2 lần hệ thống tên lửa Patriot MIM - 104 của quân đội Mỹ. S - 400 có thể phát hiện được các mục tiêu trên không ở cự ly cách xa 250 dặm (400 km) như các loại phi cơ ném bom - chiến đấu, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo.


Hà Ngọc

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN