Sơn Lập chống chọi hủ tục

Thực trạng đói nghèo, lạc hậu, tảo hôn, kết hôn cận huyết thống... ở những xóm, bản thuộc xã Sơn Lập, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng, đang đòi hỏi các cấp chính quyền địa phương phải sớm có những giải pháp để giúp người dân nơi đây đổi thay cuộc sống, nếp nghĩ, cách làm ăn. Một mùa xuân mới đang đến mang theo niềm hy vọng về một cuộc sống no ấm và tiến bộ hơn cho người dân nơi đây.


Giấc mơ thoát nghèo


Xã Sơn Lập nằm dưới chân núi Phjia Dạ suốt năm bạc trắng bởi mây mù, không đường ô tô, không điện và cái gì ở đây cũng đều là “tạm”. Từ trụ sở xã, trường học, trạm y tế… tất cả đều được dựng tạm bằng gỗ, tranh, tre, nứa.

Cô dâu 16 tuổi hồn nhiên như trẻ con.


Bên bếp lửa bập bùng, Bí thư xã Hoàng Văn Phát chia sẻ: Năm 2008, Sơn Lập được thành lập từ việc chia tách xã Sơn Lộ. Cái khó đầu tiên mà các cán bộ xã vấp phải là tình trạng du canh du cư, phá rừng làm nương rẫy. Tập tục đẻ nhiều con để có người đi làm nương khiến dân số tăng vụt cùng với nạn tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, đang làm Sơn Lập nghèo đi từng ngày. “Suốt 5 năm qua, chúng tôi phải vừa xây dựng, kiện toàn đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất, lại vừa phải lo cho bà con phát triển kinh tế để sớm thoát khỏi đói nghèo. Phần lớn cán bộ xã phải lấy từ nơi khác về, vì ở đây tỷ lệ người biết chữ và nói tiếng Kinh quá ít, tìm người làm trưởng xóm đã khó chứ chưa nói làm cán bộ xã. Do ở xa nhà nên hầu hết cán bộ xã đều “thường trú” tại xã, phòng làm việc cũng là nơi nghỉ ngơi, cũng vì vậy lại có điều kiện gần dân hơn”, Bí thư Hoàng Văn Phát cho biết.


Tại các thôn Phja Pàn, Bản Oóng, Thôm Ngàn rồi Oỏng Théc… của xã, đồng bào Mông chiếm tới trên 70%, còn lại là đồng bào Dao, Tày. Điều dễ nhận thấy nhất là xóm bản thật thưa thớt, rải rác bên những triền núi trơ trọc. Theo ông Phát, đây chính là hậu quả của nạn du canh, du cư, đốt nương làm rẫy từ nhiều năm trước. Xã có 285 hộ với 1.700 nhân khẩu, trong đó có hộ vẫn sinh từ 5 - 10 con. Bởi vậy, nhu cầu sinh tồn đã tạo sức ép khốc liệt lên đất rừng khi đất canh tác rất ít (400 ha, chủ yếu là đất rẫy cằn 1 vụ ngô), không hộ nào có gạo bán. Đặc biệt ở xóm Thôm Ngàn, trước đây đồng bào Dao còn trồng cây thuốc phiện nên thanh niên, người già hút thuốc phiện, khiến trẻ con ngửi sái cũng muốn nghiện…


Để xóa bỏ tình trạng trên, Bí thư Phát đã cùng cán bộ xã phải đi bộ đến bản vận động bà con định cư, trồng giống ngô, lúa mới năng suất cao, hướng dẫn người dân cách làm ruộng nước bậc thang, mở hướng chăn nuôi bò, lợn đen…; tập trung nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ giống cây, con, phân bón, làm nhà kiên cố, giúp bà con ổn định cuộc sống. Hơn 2 năm sau, năm 2010, bà con đã định cư, cái ăn tạm đủ nhưng mới là "tự cung tự cấp". Trẻ em còn tích cực đi học hơn vì có cơm, cháo ngô ăn no bụng để vượt đường rừng đến trường. Nhưng “cái khó vẫn bó cái khôn” bởi lương thực chỉ “tạm ổn”, không có đường ô tô cho xe ra các chợ xã, huyện để giao lưu, mua bán hàng hóa. Hàng năm, xã xin thêm 10 tấn gạo cứu đói giáp hạt. Gần đây, xã phát triển chăn nuôi bò vỗ béo. Có bò đi bán mà dắt cả ngày đường mới đến chợ tạm Bản Oóng rồi trung chuyển sang Nhạn Môn, Pắc Nặm, tỉnh Bắc Kạn, mới bán được.


Không có đường, xã cũng chưa xây dựng được trụ sở, trường học, chợ, trạm y tế, điện lưới, nước sạch... Năm 2013 có dự án đầu tư nhà bán trú cho học sinh; khu tái định cư Oỏng Théc - Bản Oóng; công trình thủy lợi - nước sạch nông thôn xóm Thôm Ngàn… nhưng vẫn “treo” và nằm chờ đấy.


Nỗi lo dân số


Ngoài nỗi lo về phát triển kinh tế để thoát ngèo, vấn đề sinh nhiều con, nạn tảo hôn và kết hôn cận huyết thống cũng đang đè nặng lên vai các cán bộ xã Sơn Lập. Tình trạng này phổ biến đến mức chúng tôi hỏi 9 người dân thì đã có 6 người tảo hôn. Ông Hầu A Pá, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã cũng đã kết hôn từ năm 17 tuổi. Còn anh Hoàng A Tu, Trưởng xóm Khuổi Tâư, không chỉ tảo hôn mà đang sinh sống với những hai bà vợ.


Bí thư Phát than thở: “Xã đã rất tích cực lồng ghép tuyên truyền để giúp người dân nói chung và đồng bào dân tộc Mông nói riêng biết được độ tuổi kết hôn theo pháp luật quy định. Tuy nhiên, nhiều khi "phép vua" vẫn phải thua "lệ làng", chuyện tảo hôn ở một số xóm vẫn cứ xảy ra. Phạt thì rất khó, vì dân ở đây cái ăn, cái mặc còn túng thiếu thì lấy tiền đâu để nộp phạt. Nhiều gia đình biết rằng cưới vợ, cưới chồng cho con khi chúng chưa đủ tuổi là sai quy định, là bị phạt, nhưng đôi khi họ vẫn cứ giết gà, mổ lợn tổ chức hôn lễ bình thường, vài năm sau mới nhắc nhở con mình đi đăng ký. Những trường hợp như thế, chính quyền rất khó xử lý. Thế nên, có một thực trạng là nhiều cặp vợ chồng trẻ ở đây đã “ăn cùng mâm, ngủ cùng giường” đến chín, mười năm, sinh con đẻ cái đề huề rồi mới bồng bế, dắt díu nhau đến ủy ban, vừa làm giấy kết hôn cho cha mẹ, vừa khai sinh cho con”.


Anh Ma Văn Giáp, cán bộ hộ tịch của xã cho biết, trong năm 2013, cả xã có 97 trường hợp làm giấy khai sinh, thì chỉ có 30 trường hợp là khai sinh đúng hạn, còn lại đều quá hạn, đặc biệt có những trường hợp quá hạn đến cả 10 năm. Với người dân ở đây, khai sinh hay không khai sinh không quan trọng, chỉ khi gia đình có việc gì đó cần đến mới đi làm. Trước đây, việc cấp thẻ bảo hiểm y tế, hay cấp phát thuốc cho trẻ dưới 6 tuổi cũng chỉ dựa vào danh sách của trưởng xóm báo lên xã mà không căn cứ vào giấy khai sinh nên bà con càng thờ ơ trong việc này. 2 năm nay, sau khi xã có quy định mới là phải căn cứ vào giấy khai sinh, tình trạng này mới có biến chuyển.


Trước khi rời Sơn Lập, chúng tôi cùng một số thầy cô giáo đến dự đám cưới em Hoàng Thị Mỵ, dân tộc Mông, đang học lớp 9 trung học cơ sở. Các thầy giáo kể rằng, chỉ mấy hôm trước thôi, khi nhà trai đến hỏi cưới và đặt cọc 5 triệu đồng, Mỵ còn khóc sướt mướt và nhờ các thầy can thiệp để em khỏi phải lấy chồng.


Con đường vào xã Sơn Lập đang được các doanh nghiệp ngày đêm thi công. Tương lai không xa, con đường này không chỉ có ý nghĩa về mặt giao thông, mà còn nối Sơn Lập gần hơn với thế giới bên ngoài, sẽ không còn cảnh người dân phải bám vách núi mà đi bộ ra huyện như trước đây. Con đường sẽ đưa văn minh và ánh sáng mới tới miền thâm sơn, cùng cốc này và hy vọng sẽ chấm dứt được nạn tảo hôn, kết hôn cận huyết từ bao đời nay của đồng bào các dân tộc nơi đây.


Bài và ảnh: Trường Hà

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN