Bộ Y tế vừa có quyết định số 3029/QĐ - BYT (21/8/2013) về việc phê duyệt kế hoạch "Tăng cường công tác an toàn tiêm chủng", nhằm đảm bảo chất lượng và tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ em.
Kiểm định lại trước khi sử dụng
Trong bối cảnh hoạt động tiêm chủng vắcxin có nhiều "lùm xùm" như thời gian vừa qua, thì quyết định 3092 này giống như một sự rà soát, siết chặt lại hoạt động tiêm chủng của ngành y tế.
Công tác tiêm chủng sẽ được kiểm tra toàn diện. Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN |
Theo quyết định này, Bộ Y tế yêu cầu các sở y tế chịu trách nhiệm lập danh sách tất cả các điểm tiêm chủng trên địa bàn (kể cả các điểm tiêm chủng dịch vụ) và tiếp tục tiến hành thanh tra, kiểm tra toàn diện tất cả các điểm tiêm chủng.
Trường hợp cần thiết thì kiểm tra lại các điểm đã được thanh tra, kiểm tra để xác định tiến độ khắc phục những tồn tại.
Dựa trên kết quả thanh tra, kiểm tra, sở y tế xây dựng kế hoạch khắc phục ngay những tồn tại trong công tác tiêm chủng của các điểm tiêm chủng trên địa bàn, trình lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố phê duyệt. UBND tỉnh, thành phố có trách nhiệm phê duyệt và chỉ đạo triển khai thực hiện kế hoạch để đảm bảo các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn phải đạt đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực theo quy định về tiêm chủng trước khi triển khai tiêm chủng.
"Công văn cũng yêu cầu kiểm định trước khi sử dụng vắcxin trên thị trường. Với vắcxin nhập khẩu đã được Bộ Y tế cấp giấy phép đăng ký lưu hành hoặc giấy phép nhập khẩu, Viện Kiểm định quốc gia vắcxin và sinh phẩm y tế tiến hành kiểm định đạt tiêu chuẩn chất lượng và an toàn theo quy định. Đối với vắcxin sản xuất trong nước đã được cấp giấy phép lưu hành, phải được Viện Kiểm định quốc gia vắcxin và sinh phẩm y tế kiểm định và cấp giấy phép xuất xưởng từng lô trước khi sử dụng theo quy định. Riêng với vắcxin Quinvaxem đang được bảo quản ở các tuyến, Cục Quản lý dược chỉ đạo Viện Kiểm định quốc gia vắcxin và sinh phẩm y tế lập kế hoạch lấy mẫu kiểm định tất cả các lô vắcxin còn thời gian bảo quản theo quy định trước khi đưa vào sử dụng", đại diện Bộ Y tế cho biết.
Đặc biệt, trong quá trình triển khai tiêm chủng, Viện Kiểm định quốc gia vắcxin và sinh phẩm y tế phải lấy mẫu kiểm định ngẫu nhiên; đồng thời thực hiện kiểm định mẫu vắcxin liên quan khi xảy ra phản ứng nặng sau tiêm chủng.
Cũng nhân dịp này, Bộ yêu cầu sở y tế, trung tâm y tế dự phòng các tỉnh tổ chức tập huấn cho tất cả các cán bộ tiêm chủng chưa được tập huấn và những cán bộ đã được tập huấn, được cấp giấy chứng nhận thời gian từ 3 năm trở lên (kể cả ở các bệnh viện tuyến Trung ương). Đồng thời, tổ chức tập huấn cho cán bộ khám sàng lọc, theo dõi, xác định chẩn đoán nguyên nhân, xử trí phản ứng sau tiêm chủng; nâng cao năng lực về đánh giá phản ứng sau tiêm chủng cho các thành viên Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá tai biến trong quá trình sử dụng vắcxin, sinh phẩm y tế các tỉnh, thành phố.
Không quá 50 trẻ/buổi tiêm
Cũng theo quyết định này, chỉ các cơ sở y tế được sở y tế thanh tra, kiểm tra và xác nhận đủ điều kiện tiêm chủng mới được tổ chức tiêm chủng. Số buổi tiêm chủng tại mỗi điểm tiêm chủng phụ thuộc vào số trẻ trên địa bàn. UBND tỉnh, thành phố quyết định chọn một hoặc nhiều ngày tiêm chủng tại các điểm tiêm chủng trên địa bàn, đảm bảo số lượng trẻ tiêm không quá 50 trẻ/buổi tiêm. Đối với các bệnh viện sản nhi, số lượng trẻ tiêm chủng với số lượng lớn thì phải bố trí các điểm tiêm phù hợp để đảm bảo số trẻ mỗi buổi tiêm chủng tối đa không quá 50 trẻ.
"Sở Y tế phải cử cán bộ chuyên môn đã được tập huấn về khám sàng lọc, sơ cấp cứu khi có tai biến tham gia buổi tiêm chủng tại các điểm tiêm chủng trên địa bàn; thực hiện buổi tiêm chủng theo đúng hướng dẫn. Cán bộ y tế phải tư vấn đầy đủ cho gia đình, người được tiêm chủng; chỉ tiêm chủng khi đã giải thích đầy đủ cho gia đình, người được tiêm chủng và được sự đồng ý của gia đình, người được tiêm chủng. Trước khi tiêm chủng, cán bộ y tế phải đưa cho gia đình, người được tiêm chủng kiểm tra tên vắcxin, hạn sử dụng của lọ vắcxin sẽ tiêm; công bố công khai số điện thoại của điểm tiêm chủng và tên người có trách nhiệm xử lý các vấn đề liên quan đến tiêm chủng; cử cán bộ theo dõi thường xuyên tình trạng sức khỏe của người được tiêm chủng trong thời gian 30 phút sau khi tiêm tại cơ sở tiêm chủng. Đồng thời, hướng dẫn gia đình, người được tiêm chủng theo dõi tình trạng sức khỏe của người được tiêm chủng. Khi có dấu hiệu phản ứng toàn thân hoặc phản ứng trở nên nghiêm trọng thì phải đưa ngay người được tiêm đến cơ sở y tế để được theo dõi, điều trị đến khi ổn định", đại diện bộ khẳng định.
Sẽ thành lập hai đoàn thanh kiểm tra và tiếp tục tiến hành thanh tra, kiểm tra tại 6 tỉnh, thành phố về sử dụng vắcxin, sinh phẩm y tế, bao gồm: 2 tỉnh tại khu vực phía Bắc, 2 tỉnh tại khu vực miền Nam, 1 tỉnh tại khu vực miền Trung và 1 tỉnh tại khu vực Tây Nguyên. Các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur tiếp tục kiểm tra các tỉnh theo khu vực phụ trách. |
Thu Phương - P.Liên