Sẽ cưỡng chế các hộ chây ỳ để GPMB cho tuyến đường Phủ Lý - Mỹ Lộc

Dự án xây dựng tuyến đường bộ mới đoạn Phủ Lý - Mỹ Lộc theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) với tổng mức đầu tư gần 4.000 tỷ đồng có ý nghĩa hết sức to lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nam Định nói riêng và các tỉnh khu vực Nam đồng bằng sông Hồng nói chung. Tuy nhiên, kế hoạch thông xe kỹ thuật tuyến đường vào cuối năm 2013 có nguy cơ "phá sản" do một số hộ cố tình "chây ỳ" không chịu giao mặt bằng với lý do giá đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng (GPMB) còn thấp, giá đất tái định cư không hợp lý, kiểm đếm vật kiến trúc trên đất còn thiếu sót...


 

Nhà ông Trần Khắc Chung nằm trên tuyến chính đường Phủ Lý - Mỹ Lộc.

 

Tuyến đường bộ mới đoạn Phủ Lý - Mỹ Lộc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Văn bản số 768/TTg - CN ngày 14/6/2007 với tổng mức đầu tư 3.800 tỷ đồng có tổng chiều dài gần 21 km, trong đó đoạn qua tỉnh Hà Nam khoảng 16 km, đoạn qua huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định (gồm thị trấn Mỹ Lộc và 4 xã Mỹ Hưng, Mỹ Thịnh, Mỹ Tiến và Mỹ Thuận) có chiều dài 4,7 km. Công trình giao thông này được thiết kế theo tiêu chuẩn cấp II đồng bằng với 4 làn xe. Tuyến đường Phủ Lý - Nam Định sẽ nối mạch với tuyến đường cao tốc Hà Nội - Ninh Bình, tạo ra tiền đề cho sự phát triển đồng bộ trong khu vực và là cửa ngõ giao thương với các tỉnh trong cả nước, đặc biệt với thủ đô Hà Nội; đồng thời góp phần tránh ùn tắc, giảm thiểu tai nạn giao thông.


Tại buổi làm việc gần đây với lãnh đạo tỉnh Nam Định, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cần tập trung thi công, hoàn thành và thông xe tuyến đường bộ mới Phủ Lý - Mỹ Lộc vào cuối năm 2013 (tại Thông báo số 108/TB - VPCP ngày 12/3/2013). Tuy nhiên, công tác GPMB vẫn còn đang khó khăn. Trong khi đoạn qua địa phận tỉnh Hà Nam đã hoàn tất công tác GPMB và nhà thầu là Công ty Cổ phần Tasco đang gấp rút triển khai công việc, thì đoạn qua địa bàn huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định lại đang vướng vì 8 hộ (trong đó có 4 hộ nằm trên chính tuyến và 4 hộ nằm ngoài chính tuyến) vẫn chưa thống nhất với phương án, đền bù, hỗ trợ để giao mặt bằng cho nhà thầu.


Ông Trần Tất Nguyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Lộc cho biết: Để phục vụ việc xây dựng đoạn qua địa phận huyện Mỹ Lộc, Hội đồng GPMB tiến hành thu hồi 34,6 ha đất của 551 hộ nhưng đến nay còn 4 hộ ở xã Mỹ Thuận, gồm các ông Trần Khắc Chung, Nguyễn Thế Khanh, Nguyễn Anh Dũng và Nguyễn Quốc Sỹ không nhất trí bàn giao mặt bằng vì vẫn còn thắc mắc về giá bồi thường đất ở, giá vật kiến trúc trên đất, việc kiểm đếm về kiến trúc, giá đất tái định cư. Đặc biệt, hai ông Trần Khắc Chung và Nguyễn Thế Khanh còn đòi thêm suất tái định cư.


Trước sự chây ỳ của một số hộ, khiến dự án hàng nghìn tỷ đồng bị ảnh hưởng tiến độ, UBND huyện Mỹ Lộc đã tổ chức tổng cộng 37 cuộc họp đối thoại để giải đáp thắc mắc của các hộ. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, ông Đoàn Hồng Phong đã đến từng hộ để vận động, giải thích. Và gần đây nhất là ngày 6/11/2013, UBND huyện Mỹ Lộc mời hộ ông Khang và ông Chung lên UBND xã Mỹ Thuận để thông báo phương án điều chỉnh, bổ sung nhưng các hộ vẫn không lay chuyển. Ông Trần Tất Nguyên cho hay, các kiến nghị của 4 hộ này là không thể thực hiện được vì trái với quy định. Cũng theo ông Nguyên, trong quá trình thu hồi, bồi thường, hỗ trợ GPMB, địa phương đã làm đúng quy trình theo quy định của pháp luật; đã vận dụng tất cả những chính sách có lợi nhất cho người dân.


Ông Đặng Kim Chiến, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Lộc, cho biết: Để tránh lãng phí cho dự án hàng nghìn tỷ đồng và đảm bảo tiến độ thông xe tuyến đường đúng kế hoạch vào ngày 31/12/2013, UBND huyện Mỹ Lộc tiếp tục tuyên truyền, vận động các hộ còn chưa nhất trí với phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB khẩn trương chấp hành, bàn giao mặt bằng cho nhà thầu. Theo ông Chiến, địa phương cũng đã xây dựng phương án tổ chức cưỡng chế đối với các hộ. Quyết định cưỡng chế đã được tống đạt đến các hộ và dự kiến, việc cưỡng chế sẽ được tiến hành ngay trong tuần đầu tiên của tháng 12/2013.


Bài và ảnh: Nguyễn Trường

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN