* 5 người chết, 7 người mất tích
Ngày 2/12, một đoạn trên tuyến đường hầm cao tốc Sasago chạy qua địa phận tỉnh Yamanashi (miền đông Nhật Bản) đã bất ngờ bị sập, vùi lấp ít nhất 3 ô tô, trong đó có một chiếc được xác định chở 5 người.
Hình ảnh hiện trường bên trong đường hầm do máy giám sát của NEXCO ghi lại. Ảnh: Yomiuri |
Lực lượng cứu hỏa Yamanashoi cho biết, đến cuối giờ chiều ngày 2/12 đã xác định được 5 nạn nhân bị chết cháy trong vụ này, trong khi vẫn còn 7 người bị mất tích. Lực lượng cứu hộ đang nỗ lực giải cứu các nạn nhân, song công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn do lo ngại nguy cơ sụt lún tiếp tục lan rộng, gây mất an toàn cho lực lượng cứu hộ. Chiều 2/12, hoạt động cứu hộ đã bị gián đoạn trong vài giờ.
Chiều 2/12, Giám đốc Công ty đường cao tốc Trung Nhật Bản (NEXCO), ông Goichi Kaneko đã nhận lỗi trước báo giới về vụ tai nạn nghiêm trọng này. NEXCO đã nhanh chóng thành lập Ủy ban điều tra tìm hiểu nguyên nhân tai nạn và cử đoàn chuyên gia tới hiện trường để xác minh sự việc. NEXCO cho rằng, thiết bị đỡ nóc đường hầm bị xuống cấp có thể là nguyên nhân gây ra tai nạn này.
Theo hãng tin Kyodo của Nhật Bản, cảnh sát cũng đã mở cuộc điều tra do nghi ngờ sự tắc trách của những người có trách nhiệm đã dẫn đến vụ tai nạn này.
Kyodo dẫn nguồn tin cảnh sát và NEXCO cho biết, 150 tấm trần đường hầm, mỗi tấm có chiều ngang 5 m, chiều dọc 1,2 m, dày 8 cm và nặng 1,2 tấn, đã sập xuống theo hình chữ V trên một đoạn hầm dài khoảng 100 m. Thông thường, trong quá trình thi công, nhà thầu sẽ tạo khoảng cách giữa các tấm trần này để không khí lưu thông được dễ dàng. Người ta thường dùng các móc kim loại để giữ cố định các tấm này với khoảng cách 1,2 m. Nhưng vì lý do nào đó mà lớp tường bê tông ngăn cách đầu móc với phần nóc của đường hầm này bị bong ra khiến các tấm trần rơi xuống.
NEXCO định kỳ kiểm tra chất lượng các đường hầm 5 năm một lần và cuộc kiểm tra mới nhất hồi tháng 9 - 10 vừa qua đối với đường hầm Sasago cho kết quả tốt. Đường hầm Sasago được đưa vào sử dụng năm 1977, nối hai thành phố Otsuki và Koshu với chiều dài 4,7 km. Hệ thống thông khí của đường hầm này áp dụng “phương pháp thông khí nằm ngang”. Thời gian gần đây, kỹ thuật này đã không còn được áp dụng trong thi công các công trình mới.
Nhật Bản có một hệ thống đường cao tốc khổng lồ với hàng nghìn đường hầm, nơi có tới hàng triệu chiếc xe ô tô qua lại mỗi ngày. Vụ sập đường hầm Sasago, một trong những tuyến đường chính nối thủ đô Tôkyô với miền trung đất nước, không khỏi khiến dư luận Nhật Bản lo ngại.
Một cựu quan chức cứu hỏa Nhật Bản cho biết, công tác cứu hộ trong tai nạn đường hầm luôn cận kề với nguy hiểm và do thiếu ánh sáng, không gian nên gặp nhiều khó khăn. Trong vụ tai nạn đường hầm Nihonzaka ở tỉnh Shizuoka năm 1979 làm 7 người chết, xe cứu hỏa đành bất lực trước đám cháy lớn do đường ống chữa cháy không đủ dài để vào tận sâu bên trong hầm, tiếp cận với đám cháy. Kết quả là phải mất 1 tuần, lực lượng cứu hỏa mới làm chủ được tình hình. Trong khi đó, vụ tai nạn đường hầm Toyohama ở Hokkaido năm 1996, lực lượng chức năng cũng mất khoảng 7 ngày mới tìm ra thi thể các nạn nhân.
Hữu Thắng (P/v TTXVN tại Nhật Bản) -M.H