Hà Nội đang nằm trong “top” 5 địa phương có tình hình dịch sởi “nóng” nhất cả nước; trong khi đó, số lượng trẻ mắc bệnh thủy đậu trên địa bàn cũng có dấu hiệu gia tăng. Đặc biệt, nguy cơ bùng phát dịch cúm A/H5N1 ở trong nước và sự xâm nhập dịch cúm A/H7N9 từ Trung Quốc vào Thủ đô cũng rất cao.
Y tế học đường “vào cuộc”
Những ngày này, chị Võ Thu An (phường Ngọc Thụy, quận Long Biên) cũng như nhiều phụ huynh khác đều rất băn khoăn khi gửi con đến lớp mầm non. Chị Thu An chia sẻ: “Trong lớp học của cháu đã có bạn mắc sởi, thủy đậu nên chúng tôi lo cháu bị lây bệnh. Tuy nhiên, tôi cũng yên tâm phần nào khi thấy nhà trường rất chủ động trong việc phòng dịch như: Vệ sinh trường lớp, hướng dẫn phụ huynh, học sinh về cách phòng, chống dịch bệnh, khi có trẻ sốt và có dấu hiệu bất thường, các cô thường báo ngay cho phụ huynh để đưa đi khám kịp thời”.
Hướng dẫn các bậc cha mẹ cách phòng bệnh cho con. |
Theo quan sát của phóng viên báo Tin tức tại nhiều trường mầm non ở Hà Nội, hầu hết các trường đều chủ động trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho học sinh. Trẻ được thường xuyên rửa tay bằng xà phòng. Việc vệ sinh trường, lớp, dụng cụ, đồ chơi đều các cô giáo làm vệ sinh, lau chùi sạch sẽ. Tần suất thực hiện những hoạt động này đều tăng lên gấp đôi so với trước đây.
Cô Phạm Thu Hà, giáo viên trường mầm non Ngọc Thụy cho biết: “Trẻ rất dễ mắc bệnh trong giai đoạn thời tiết nồm ẩm như hiện nay. Hà Nội lại đang có dịch sởi, bệnh thủy đậu cũng đã xuất hiện rải rác, nên chúng tôi đã tự trang bị những kiến thức về những căn bệnh đó, để chủ động phòng bệnh cho các con. Chúng tôi còn thường xuyên làm vệ sinh môi trường, đảm bảo vệ sinh lớp học, đồ dùng đồ chơi, đảm bảo ATVSTP trong việc chọn thực phẩm cũng như trong quá trình chế biến thức ăn”.
Tại trường mầm non tư thục Xuân Mai, quận Hà Đông, Hà Nội, công tác vệ sinh trường lớp cũng rất được chú trọng trong thời điểm có dịch bệnh. Theo cô Nguyễn Thanh Hiền, cán bộ phụ trách trường, tại đây khăn mặt của các bé được giặt ngày 3 lần, bát, thìa sau mỗi bữa ăn cũng được sấy khô. Các giáo viên lau sàn nhà hàng ngày. Mỗi sáng, khi đón học sinh, các giáo viên đều quan sát trẻ để kịp thời thông báo với phụ huynh và cách ly, tránh lây bệnh cho các bé khác.
“Chúng tôi đã được cán bộ y tế phường hướng dẫn về công tác phòng, chống các dịch bệnh trong trường học. Trường cũng đã họp giáo viên để phổ biến lại các triệu chứng của bệnh, giúp giáo viên tăng cường kiến thức, chủ động hơn trong việc chăm sóc các bé”, cô Hiền cho biết.
Theo một đại diện của Sở GD - ĐT Hà Nội, việc tăng cường các biện pháp phòng chống dịch trong trường học không chỉ triển khai tại các trường mầm non mà còn triển khai rộng ở bậc tiểu học. Sở GD - ĐT đã phối hợp với trung tâm y tế quận, huyện tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh nói trên cho cán bộ quản lý, đội ngũ cán bộ y tế trường học, nhân viên phục vụ ở các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn. Khi có các trường hợp có biểu hiện sốt, phát ban, đau mắt hoặc có biểu hiện bất thường về sức khỏe nên cách ly ngay để theo dõi. Thông tin thường xuyên với gia đình học sinh, các học sinh bị sốt không nên đến trường…
Theo ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, từ tháng 12/2013 đến ngày 20/2/2014, Hà Nội có gần 500 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, xuất hiện rải rác ở 111/577 xã, phường. Bệnh nhân chủ yếu là trẻ dưới 5 tuổi (70%), trong đó đa số là trẻ dưới 2 tuổi (50 - 60%), lứa tuổi mà nhiều trẻ chưa tới lớp mầm non; do đó, các bậc phụ huynh có con nhỏ trong độ tuổi mầm non cũng không nên quá lo lắng. Tuy nhiên, vẫn cần chủ động phòng bệnh bằng cách đưa trẻ chưa mắc sởi hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ đi tiêm phòng vắcxin.
Về phía ngành y tế, để sớm khống chế dịch bệnh này, đầu tháng 3/2014 sẽ triển khai việc tiêm vét vắcxin cho trẻ dưới 2 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ. Hà Nội có tỷ lệ trẻ tiêm đủ mũi vắcxin sởi cao (trên 95%), vì vậy các chuyên gia y tế dự báo, nếu thực hiện tốt việc tiêm vét vắcxin sởi thì số mắc mới sẽ giảm nhanh và có thể khống chế dịch sởi sau 2 tháng nữa.
Đẩy mạnh giám sát cúm gia cầm
Bên cạnh việc triển khai các hoạt động nhằm sớm khống chế dịch sởi, hiện nay, ngành thú y và y tế Hà Nội cũng đang ráo riết triển khai các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm.
Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết: “Hiện nay, Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đều chưa ghi nhận ca nhiễm cúm A/H7N9 nào. Tuy nhiên, nguy cơ bệnh dịch này xâm nhập vào Thủ đô là rất lớn. Bởi lẽ, Hà Nội là đầu mối giao lưu của khách du lịch trong nước cũng như quốc tế, hàng ngày có tới 7.000 - 8.000 khách quốc tế nhập cảnh qua cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài, trong đó số khách đến từ vùng dịch cúm A/H7N9 (Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc) khoảng 1.500 người. Mặt khác, tình hình nhập lậu gia cầm từ Trung Quốc vào Việt Nam vẫn diễn biến phức tạp”.
Ngoài cúm A/H7N9, các cơ quan chức năng Hà Nội cũng rất lo ngại về nguy cơ bùng phát dịch cúm A/H5N1 trên đàn gia cầm rồi lây lan sang người. Đến nay, dịch cúm A/H5N1 trên đàn gia cầm ở Việt Nam đang diễn biến rất phức tạp với 21 tỉnh, thành phố ghi nhận có ổ dịch trên đàn gia cầm.
Trước nguy cơ dịch chồng dịch, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các ban, ngành, quận, huyện xây dựng và triển khai các kế hoạch tăng cường phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.
“Trong giai đoạn chưa có trường hợp bệnh trên người như hiện nay, vấn đề quan trọng nhất là phải tăng cường giám sát, chủ động phát hiện sớm các trường hợp nhiễm cúm A/H5N1, A/H7N9 hoặc A/H10N8 để xử lý triệt để, tránh lây lan ra cộng đồng”, ông Hoàng Đức Hạnh khẳng định.
Theo ông Hạnh, thời gian tới, ngành y tế Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp chặt với Chi cục Thú y để nắm tình hình dịch bệnh trên gia cầm, nhất là các chủng virút cúm A. Bên cạnh đó, sẽ giám sát các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính không rõ nguyên nhân tại cộng đồng và cơ sở y tế. Tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm các trường hợp nghi mắc cúm để xác định nguyên nhân. Tăng cường giám sát tại cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài nhằm phát hiện các hành khách nghi mắc bệnh. Hoạt động tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch cho người dân cũng sẽ được tăng cường...
“Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội đã thành lập 5 đội cơ động ứng phó với dịch cúm gia cầm trên người, mỗi đội có 10 thành viên. Đồng thời, mỗi quận, huyện cũng thành lập 2 đội phản ứng cơ động với dịch bệnh, mỗi đội từ 5 - 7 người. Khi nhận được tin báo về các ổ dịch cúm gia cầm có người bị lây bệnh, các đội cơ động sẽ lập tức lên đường đến ổ dịch để xử lý triệt để. Sở Y tế sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát công tác chủ động phòng, chống dịch tại địa phương. Mục tiêu đặt ra là phát hiện sớm, xử lý kịp thời ngay từ ca bệnh đầu tiên, không để dịch lây lan, hạn chế thấp nhất tử vong do bệnh dịch”, ông Hoàng Đức Hạnh khẳng định.
Ông Phạm Ngọc Tuấn, Trưởng phòng Công tác học sinh, sinh viên, Sở GD - ĐT Hà Nội: Tăng cường kiểm tra tại các trường học
Ngay sau khi nhận thấy đấu hiệu dịch bệnh, Sở GD - ĐT Hà Nội đã có công văn chỉ đạo tới các cơ sở giáo dục, quận, huyện, thị xã về việc tăng cường phòng chống dịch bệnh trong trường học. Trong đó, đặc biệt lưu ý đến học sinh ở lứa tuổi mầm non, tiểu học, nơi tổ chức bán trú cho học sinh. Sở đã yêu cầu các trường tổ chức vệ sinh môi trường: Phát quan bụi rậm, khơi thông cống rãnh. Tăng cường vệ sinh phòng, lớp học, đảm bảo thông thoáng. Đảm bảo vệ sinh cá nhân, khăn mặt, khăn lau cho trẻ em, vệ sinh đồ dùng học tập, đồ chơi của trẻ (ở các trường mầm non). Thực hiện rửa tay đúng cách cho học sinh. Tăng cường điều kiện cơ sở vật chất tại các trường học tổ chức ăn trưa, bếp ăn tập thể. Các bếp ăn tập thể trong trường phải đảm bảo điều kiện vệ sinh: nguồn nước sạch, hệ thống nước rửa tay cho học sinh, điều kiện vệ sinh bếp, dụng cụ đồ dùng chứa đựng thức ăn. Song song với đó, Sở cùng với đoàn kiểm tra liên ngành sẽ tăng cường kiểm tra việc thực hiện phòng chống dịch bệnh trong trường học.
Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội: Bệnh thủy đậu lành tính nhưng cũng có biến chứng
Hiện nay, Hà Nội mới ghi nhận khoảng 180 ca mắc bệnh thủy đậu, các ca mắc rải rác ở các xã, phường trên địa bàn. Đối tượng chủ yếu là trẻ mầm non và tiểu học. Thủy đậu là bệnh lành tính nhưng cũng có thể biến chứng như: Viêm da, nhiễm trùng, viêm não. Các bậc phụ huynh có thể đưa trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên đi tiêm chủng. Khi trẻ có các triệu chứng mắc bệnh (nổi mụn nước, sốt nhẹ, biếng ăn) cần đưa đến khám tại cơ sở y tế. Trường hợp bị bệnh cần cho trẻ nghỉ học để tránh lây lan bệnh cho cộng đồng. |
Nhóm PV