Bên hành lang Quốc hội sáng 1/11, phóng viên báo Tin tức đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Sùng Thìn Cò, đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang về chủ trương này.
Thưa Thiếu tướng, đây là một trong những chính sách lớn của Đảng và Nhà nước nhằm giúp cho đồng bào DTTS&MN, vùng khó khăn, ông có nhận xét gì về Đề án quan trọng này?
Tôi thấy Đề án của Chính phủ đúng và trúng. Đảng ta đã xác định vấn đề dân tộc, chiến lược về dân tộc là vấn đề sống còn của đất nước trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nếu được Quốc hội thông qua Đề án này, đề nghị Chính phủ cho rà soát lại 118 chính sách cho vùng đồng bào DTTS&MN, cái nào không còn phù hợp thì ta có thể bỏ, không nên để quá nhiều chính sách chồng chéo, dàn trải khó tổ chức thực hiện.
Đề án này đã xác định được những vấn đề lớn, là cái khung mang tính định hướng chiến lược. Phần còn lại sẽ phân cấp, phân quyền giao cho cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương chủ động. Bởi với địa lý, địa hình, khí hậu thời tiết ở các vùng không giống nhau; vùng miền có thổ nhưỡng địa hình thời tiết khắc nghiệt, mỗi đồng bào lại có tiếng nói, phong tục tập quán khác nhau… cho nên, cần giao cho các địa phương chủ động để họ xây dựng lộ trình phù hợp với từng điều kiện cụ thể.
Một ý nữa mà tôi muốn nói là khi thực hiện chủ trương một thì biện pháp phải là mười. Cho nên, phải lựa chọn đội ngũ cán bộ thực sự là những người có trình độ, có năng lực, tâm huyết.
Cuối cùng, với người dân cần bàn bạc cụ thể, tránh gây bức xúc. Cần phải xây dựng các tiểu dự án trong Đề án này để tổ chức thực hiện. Phải làm tốt công tác tuyên truyền cho nhân dân.
Nghị quyết số 74/2018/QH14 ngày 20/11/2018, Quốc hội giao cho Chính phủ “Xây dựng Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS&MN, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn”, trình Quốc hội xem xét, quyết định. Tuy nhiên, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội thấy rằng, theo phân định hiện hành, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn bao gồm có 1.957 xã thuộc vùng DTTS&MN và hơn 300 xã bãi ngang ven biển, hải đảo (không thuộc vùng DTTS&MN). Do đó, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đề nghị điều chỉnh lại tên gọi của Đề án là: “Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS&MN”, để xác định rõ địa bàn, đối tượng của Đề án là vùng DTTS&MN, không bao gồm hơn 300 xã bãi ngang ven biển, hải đảo. Đồng thời, thống nhất với sự phân kỳ thực hiện từ năm 2021 đến năm 2030 theo đề nghị của Chính phủ.
Trước các ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội về Đề án cần có sự bình đẳng giới trong đồng bào DTTS, Thiếu tướng có bình luận gì?
Tôi đồng tình với nhiều ý kiến của các đại biểu là phải bình đẳng giới trong tổng thể của đề án này. Thực tế, muốn làm được điều này, chúng ta phải tăng cường công tác tuyên truyền, xây dựng nếp sống văn hóa mới, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa trong đồng bào DTTS, xây dựng niềm tin chính trị thật sự vững chắc trong lòng đồng bào, từng bước xóa bỏ những hủ tục, tập quán lạc hậu không còn phù hợp mà nó vẫn đang là gánh nặng cho đồng bào.
Ví dụ như đồng bào các dân tộc nói chung và đồng bào Mông nói riêng ở Hà Giang, người phụ nữ có vai trò quan trọng trong gia đình, nhưng trong dòng họ thì phụ nữ không có vai trò gì cả, tất cả là do những người đàn ông quyết định.
Vùng DTTS&MN hiện có 118 văn bản chính sách còn hiệu lực, do nhiều cơ quan chủ trì xây dựng, quản lý, tổ chức thực hiện nên nguồn lực bị phân tán, dàn trải, khó lồng ghép, hiệu quả không cao, khó xác định rõ trách nhiệm. Do đó, cần phải có giải pháp tổng thể, khắc phục những tồn tại, hạn chế của giai đoạn vừa qua, tập trung nguồn lực đầu tư phát triển toàn diện vùng DTTS&MN, nhằm thu hẹp dần khoảng cách chênh lệch về trình độ phát triển và mức thu nhập của đồng bào DTTS so với cả nước, như mục tiêu của Đảng, Nhà nước đã đề ra.
Nếu Đề án được thông qua sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng DTTS&MN, nhất là vấn đề cơ sở hạ tầng giao thông. Vậy, theo Thiếu tướng, giao thông miền núi sẽ được cải thiện ra sao?
Thời gian qua, giao thông luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Chúng tôi cũng rất chia sẻ với nhiều khó khăn về giao thông đi lại giữa các vùng trong cả nước, nhất là từ Hà Nội đi các tỉnh vùng Tây Bắc.
Đến nay giao thông ở vùng Tây Bắc cơ bản tương đối tốt, từ tỉnh xuống các huyện đã thông suốt nhưng đường từ huyện xuống xã ở nhiều nơi còn khó khăn. Nhiều tuyến đường nhân dân đi lại được cả 4 mùa, nhưng để bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội thì còn nhiều khó khăn; nhất là đường giao thông liên thôn, bản là hiện nay.
Đặc biệt nhiều tuyến đường giao thông ở các thôn, bản, vùng sâu, vùng xa chưa được đầu tư đã gây ách tắc trong việc vận chuyển, đi lại của người dân. Nhân dân có ý định làm nhà cửa, nhưng không có đường để vận chuyển vật liệu, người dân đành phải dùng sức người để vận chuyển.
Ví dụ như ở địa bàn Tây Bắc, nơi có Cột mốc 519 tiếp giáp giữa hai tỉnh Cao Bằng và Hà Giang, tuy cách nhau chỉ khoảng 6 - 7 km, nhưng khi muốn trao đổi, đi lại với nhau rất khó khăn do ở đây vách đá dựng đứng, không có đường đi. Cho nên, khi cán bộ, chiến sĩ biên phòng Hà Giang muốn sang Cao Bằng phải đi vòng từ huyện Mèo Vạc (Hà Giang) sang huyện Bảo Lâm (Cao Bằng), cả đi lần về gần 200 km.
Thời gian qua, thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, lực lượng vũ trang đã giúp đồng bào vùng cao, biên giới, miền núi xây dựng nông thôn mới. Các lực lượng quân đội, công an đã có Nghị quyết chỉ đạo đến tận các đơn vị, cơ sở và cử cán bộ trực tiếp xuống các điểm giúp cấp ủy, chính quyền địa phương, các xã khó khăn, các xã biên giới phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, phát huy sức mạnh đoàn thể chính trị, tập trung tháo gỡ khó khăn cho đồng bào DTTS&MN.
Xin trân trọng cảm ơn Thiếu tướng!