Năm 2013 số vụ cháy rừng và diện tích rừng bị cháy giảm so với năm trước. Tuy nhiên, bước sang năm 2014, thời tiết diễn biến phức tạp, tình trạng khô hạn cục bộ xảy ra tại nhiều địa phương nên nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao. Phóng viên báo Tin Tức đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Nguyễn Bá Ngãi (ảnh), Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) về những giải pháp ngăn ngừa “giặc” lửa “tấn công” rừng.
Ông có thể đánh giá khát quát kết quả công tác phòng chống cháy rừng trong năm qua?
Theo thống kê của chúng tôi, trong năm 2013, trên địa bàn cả nước đã để xảy ra 249 vụ cháy rừng, giảm 138 vụ so với năm 2012; gây thiệt hại 965 ha, trong khi năm trước cả nước có tới 1.325 ha rừng bị cháy. Diện tích rừng bị cháy chủ yếu tập trung ở các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung Bộ. Những địa phương bị thiệt hại nhiều gồm: Gia Lai 407 ha, Bình Phước 92 ha, Cà Mau 57 ha, Lâm Đồng 37 ha, Ninh Thuận 36 ha... Năm 2013, hầu hết các vụ cháy rừng đều được phát hiện và dập tắt kịp thời. Các địa phương đã huy động lực lượng quân đội, công an, kiểm lâm, ban quản lý, lâm trường và nhân dân địa phương tham gia chữa cháy rừng.
Người dân và lực lượng chức năng thực hiện các biện pháp chữa cháy tại chỗ và dọn quang cây bụi, cành khô trong vụ cháy rừng bạch đàn, khu 6 và 5b, đồi 368, phường Bãi Cháy, thành phố Hạ Long (Quảng Ninh). Ảnh: Xuân Tùng – TTXVN |
Xã hội hóa công tác bảo vệ rừng Tỉnh Hà Giang có gần 350.000 ha rừng tự nhiên phân bố đều ở 11 huyện, thành phố. Hàng năm, cứ vào mùa khô, tình trạng cháy rừng lại có nguy cơ bùng phát. Năm 2013, tỉnh Hà Giang đã xảy ra 9 vụ cháy rừng tại 5 huyện: Bắc Mê, Hoàng Su Phì, Quản Bạ, Yên Minh… với tổng diện tích hơn 15 ha. Nguyên nhân chủ yếu là do người dân chưa có ý thức bảo vệ rừng, bất cẩn trong việc xử lý lửa để canh tác… Do vậy, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng là một trong những giải pháp trọng tâm có tính lâu dài nhằm đẩy nhanh tiến trình xã hội hóa công tác bảo vệ rừng, là một nhiệm vụ chính của lực lượng kiểm lâm. Ông Hoàng Ngọc Tường - Chi Cục trưởng, Chi Cục Kiểm lâm tỉnh Hà Giang Thiếu nhân lực ở những điểm nóng Ea Kar tỉnh Đắk Lắk là một trong những địa bàn “nóng” về tình trạng vận chuyển lâm sản trái phép bởi đây là khu vực giáp ranh với nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh. Việc quản lý bảo vệ rừng nói chung và khu vực rừng giáp ranh nói riêng của địa phương trong những năm qua luôn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi các đối tượng lâm tặc ngày một manh động, còn lực lượng của ngành lại mỏng về quân số và thiếu các trang bị, phương tiện hỗ trợ cần thiết nên chưa thực sự phát huy hết vai trò bảo vệ rừng tại gốc. Mỗi xã có rừng hiện chỉ có một kiểm lâm địa bàn phụ trách, lại thiếu sự hỗ trợ từ phía cơ sở và chủ rừng nên hoạt động của lực lượng này không thực sự hiệu quả. Ông Nguyễn Văn Quang, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Ea Kar tỉnh Đắk Lắk Phòng là chính, cứu chữa kịp thời Với phương châm "Phòng là chính, cứu chữa kịp thời", ngành kiểm lâm An Giang chỉ đạo các đơn vị tiếp tục kiện toàn và tăng cường hoạt động của ban chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy rừng các cấp; xây dựng quy chế phân công nhiệm vụ cho các thành viên cụ thể, chủ động kiểm tra sát sao công tác phòng cháy chữa cháy; lập kế hoạch phòng, chống cháy rừng cụ thể ở từng khu vực, từng địa phương, đơn vị để chủ động ứng phó kịp thời khi có tình huống xấu xảy ra. Ngành kiểm lâm rà soát, bố trí phương tiện vận chuyển, thiết bị chữa cháy và lắp đặt hệ thống biển báo, biển cấm; phối hợp với các cơ quan báo, đài tổ chức tuyên truyền, phát thông điệp cảnh báo nguy cơ cháy rừng. Đồng thời thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin và thực hiện tốt công tác dự báo cấp cháy rừng theo diễn biến, khí hậu, thời tiết định kỳ hàng tuần trong suốt mùa khô trên các phương tiện thông tin đại chúng để các đơn vị, chủ rừng chủ động trong công tác phòng cháy chữa cháy rừng. |
Ông có nhận định gì về công tác phòng chống cháy rừng trong năm nay?
Qua theo dõi dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, chúng tôi nhận thấy, mùa khô 2013 - 2014, thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp. Tình trạng khô hạn cục bộ sẽ diễn ra tại nhiều nơi. Bên cạnh đó, rét đậm, rét hại đã và đang xảy ra tại nhiều địa phương phía Bắc khiến cho thảm thực bì bị khô, nỏ, làm gia tăng vật liệu cháy. Trong khi đó, các tỉnh Tây Nam Bộ đang xảy ra hiện tượng hạn hán. Do vậy, nguy cơ cháy rừng tại nhiều địa phương là rất cao.
Hiện đã vào mùa cao điểm của cháy rừng, nhất là ở vùng núi phía Bắc và Tây Nguyên, nơi tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng. Vậy, Bộ NN&PTNT, Tổng cục Lâm nghiệp đã có những chỉ đạo đối với các địa phương nói trên như thế nào?
Như tôi đã nói ở trên, từ những nhận định về thời tiết và dự báo của cơ quan chức năng về tình hình khô hạn và nguy cơ cháy rừng rất cao trong năm 2014, Bộ NN&PTNT đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đôc đốc và hướng dẫn các địa phương tăng cường công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Cụ thể, ngay từ tháng 10/2013, Bộ NN&PTNT đã có văn bản số 3791/BNN-TCLN yêu cầu UBND các tỉnh tăng cường công tác bảo vệ rừng và phòng, chữa cháy rừng trong mùa khô 2013 - 2014; tiếp sau đó là công điện khẩn của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT vào ngày 3/1/2014 về việc phòng, chữa cháy rừng. Đồng thời, bộ cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng như: Tổng cục Lâm nghiệp, Cục Kiểm lâm, Văn phòng Ban chỉ đạo Nhà nước về kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng thành lập các đoàn kiểm tra đến các địa phương để kiểm tra, đôn đốc công tác bảo vệ, phòng, chữa cháy rừng.
Vụ cháy gần 2.000 ha rừng tại Vườn quốc gia Hoàng Liên vào dịp Tết Canh Dần năm 2010 đã để lại bài học gì về công tác phối hợp trong phòng chống chữa cháy rừng, thưa ông?ư
Theo nhận định của các cơ quan chức năng thuộc bộ thì nguy cơ cháy rừng tại khu vực Tây Bắc nói chung và Vườn quốc gia Hoàng Liên nói riêng rất căng thẳng. Bộ NN&PTNT đã cử đoàn công tác đến làm việc với các địa phương để tăng cường công tác bảo vệ rừng khỏi “giặc” lửa; hướng dẫn người dân địa phương thực hiện các biện pháp kỹ thuật lâm sinh nhằm giảm thiểu nguy cơ cháy rừng và chủ động phòng, chữa cháy rừng.
Các vụ cháy rừng tại Vườn quốc gia Hoàng Liên vào dịp Tết Canh Dần và trong những năm gần đây cho thấy, công tác dự tính, dự báo, cảnh báo chữa cháy rừng còn nhiều hạn chế, chưa hiệu quả. Việc thông tin, báo cáo cháy rừng của địa phương còn chậm và chưa kịp thời.
Theo tôi, bài học lớn nhất trong công tác chỉ huy chữa cháy rừng là quyết tâm cứu rừng cao; chỉ huy thống nhất, phối hợp nhịp nhàng giữa các lực lượng; huy động hiệu quả “bốn tại chỗ”; phát huy sức dân và kinh nghiệm chữa cháy rừng của người dân địa phương.
Ông có thông điệp gì đối với công tác phòng, chữa cháy rừng trong mùa khô năm nay, thưa ông?
Trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng thì khâu phòng cháy là quan trọng nhất, theo phương châm: “Phòng là chính, chữa cháy phải kịp thời, triệt để và an toàn”. Đồng thời, chính quyền địa phương phải tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng, bằng nhiều hình thức các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy rừng, cũng như sự nguy hiểm của việc đốt đồng ruộng, đốt dọn thực bì, phát nương làm rẫy vì những hành động này dẫn đến nguy cơ cháy rừng. Do đó, bên cạnh việc hướng dẫn các biện pháp phòng, chữa cháy rừng, chống chặt phá rừng, các địa phương cần giám sát chặt chẽ việc đốt rẫy và sử dụng lửa gần rừng của bà con để không gây cháy rừng.
Trân trọng cảm ơn ông!
Huyền Tím - Khánh Trà(thực hiện)