Lễ này bắt đầu khi người con gái xuất hiện kinh nguyệt lần đầu tiên. Mẹ cô gái sẽ bắt cô gái ngồi xổm tay ôm gối và nhảy từ cầu thang (nhà ở người Khmer trước đây thường là nhà sàn, cầu thang nối giữa sàn nhà và mặt đất) xuống đất. Xong, bà dắt cô gái vào buồng trong cùng của nhà, đóng tất cả các cửa lại. Thời gian này cô gái không được tiếp xúc với người ngoài, thậm chí còn tránh cả ánh nắng mặt trời, không được ăn các loại giống đực, thường ăn những loài có trứng và các đậu, củ, rau,...
Cô gái Khmer ngày lễ cưới. |
Tại cửa buồng, chủ nhà đánh dấu báo hiệu cấm người lạ bước vào. Thời gian này cô sẽ học may vá, nghe cha mẹ giảng dạy Stra chbắp và Chbbăp srây (những điều giáo huấn khắc trên lá buông) để con gái biết cách đối nhân xử thế:
Bơ bđây neang chê
Neang chol tâu e
Đom-nêk kit sanh
Chênh môk neang dôk peak tanh
Sro-đây ôi onh
Srai tôs nôs tâu!
(Nếu chồng nàng có chửi/ Nàng hãy đi vào phòng ngủ, suy nghĩ/ Bước ra, lựa lời khéo léo để giải quyết chuyện đó).
Việc vệ sinh cá nhân, cô gái phải thực hiện vào ban đêm. Trường hợp có việc bắt buộc phải ra khỏi buồng, cô phải choàng khăn che kín mặt và không được ngó nhìn ai chung quanh.
Vị Achar tên Đẹt đang kể lại nghi lễ vào bóng mát của người con gái Khmer. |
Khi cô gái vừa vào buồng ngày đầu, người ta trồng cây chuối ngoài cạnh căn buồng, chuối trổ quày thì thời gian vào bóng mát của cô gái cũng chấm dứt.
Xin nói thêm, đối với người Khmer, cây chuối có một buồng tượng trưng cho một năm, một buồng có 12 nải là 12 tháng, một nải có 30 quả là 30 ngày. Người Khmer chọn chuối vì nó gắn liền với đời sống con người, là loại cây ăn trái ngắn ngày lại có nhiều trái trong buồng phù hợp với tín ngưỡng phồn thực sinh sôi nảy nở của cư dân nông nghiệp.
Ngày cô gái ra khỏi buồng thường do ông Achar làm lễ.
Lễ vật cúng gồm một thúng lúa, một chén gạo trên đó đặt bốn đồng xu, một slachôm, một trái dừa khô, một nải chuối, một morông có sẵn nhang đèn cầy, slachip, moluchip, sla tho, chỉ đỏ, …
Vị Achar trải tấm đệm giữa nhà, rải gạo khắp chiếc đệm ấy, rồi gom lại thành đống cao. Trong đống gạo ấy có vùi sẵn một số vật dụng như cái thoi, cái muỗng, cái ve chai, chiếc nhẫn vàng, ... Suốt thời gian diễn ra lễ, cô gái ngồi trên đống gạo. Achar đọc kinh vẩy tưk op rồi cột sợi chỉ đỏ vào cổ tay cô (gọi là phât tưk chon đây), rồi công bố với mọi người cô đã “ ra bóng mát “, cô gái đưa tay vào lấy vật để trong gạo ra. Vị Achar căn cứ vật cô gái lấy được mà đoán tương lai cho cô. Tiếp theo dưới sự chỉ dẫn của Achar, cô làm một số nghi thức về lễ tơ hồng, bên cạnh cái gương soi tượng trưng cho người chồng. Khi ấy, giàn nhạc tấu lên những bản nhạc vui, một số người ca múa, ... Ca múa chấm dứt, cô gái ra sân cúi chào Mặt Trời như chào người chồng mà sau này cô sẽ chào trong ngày đám cưới.
Chúng ta dễ dàng nhận thấy nhiều ý nghĩa mà đồng Khmer muốn thể hiện qua tập tục này.
Khi dấu hiệu sinh lý báo hiệu thiếu nữ trưởng thành là một bước ngoặt quan trọng trong đời người thì người con gái cần thời gian để tự nhận ra điều đó. Hơn nữa, từ ngày người con gái trưởng thành đến có thể là hơn nửa năm sau mới lập gia đình, thì cơ thể đã phát triển ổn định và sẵn sàng cho việc làm vợ, làm mẹ (các cô gái Khmer ngày trước chỉ được lập gia đình sau khi hoàn thành Pithi Chôl mlôp).
Thời gian ở trong buồng, cô gái vừa tự rèn khả năng chịu đựng, vừa được chỉ dạy nhiều điều quan trọng từ đức hạnh đến những công việc nội trợ.
Theo Phật giáo Tiểu thừa, người phụ nữ không khoác áo cà sa tu ở chùa như nam nhân, nhưng thời gian ở bóng mát ấy cũng đã đủ để họ tìm đến những triết lý uyên thâm, huyền diệu từ những giáo lý của kinh kệ đến sự giáo huấn từ các Phật thoại mang đến.
Những kiến thức cơ bản như vậy sẽ giúp cho người phụ nữ Khmer sau khi lập gia đình vững vàng hơn trong việc tạo dựng hạnh phúc. Với dấu ấn của chế độ mẫu hệ, người phụ nữ được xem là trụ cột của gia đình. Bao thế hệ đã qua họ luôn xứng đáng vai trò đó.
Ngày nay, đời sống kinh tế, xã hội đã dần hiện đại hóa, tập tục vào bóng mát của người phụ nữ Khmer hầu như đã nhạt phai và dần vắng bóng trong đời sống của đồng bào.