Phước Hòa là xã miền núi được hưởng chế độ 30a của Chính phủ, cuộc sống của đồng bào dân tộc Giẻ Triêng ở đây vẫn còn nhiều khó khăn. Hiện nay, Hội Phụ nữ xã có 328 hội viên, sinh hoạt ở 3 chi hội.
Chị Hồ Thị Thiên cho biết, trước đây nói đến vay vốn tín dụng để phát triển kinh tế chị em hội viên sợ lắm, bởi nếu vay làm ăn không được sẽ mang nợ ngân hàng, nên việc vận động hội viên vay vốn phát triển sản xuất rất khó khăn. Tuy nhiên, những năm gần đây, suy nghĩ về việc vay vốn để phát triển kinh tế của hội viên đã thay đổi. Từ năm 2009 đến nay, Hội Phụ nữ xã đã phối hợp nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phước Sơn cho 54 hộ vay, với số tiền hơn 1,3 tỷ đồng. Hội cũng đã vận động thành lập được 3 nhóm góp vốn quay vòng, thu hút 34 hội viên tham gia với số tiền trên 300 triệu đồng.
Chị Hồ Thị Hồng Phong vừa kinh doanh tạp hóa vừa phát triển chăn nuôi bò sinh sản. |
Năm 2009, trong khi cả thôn 6, xã Phước Hòa không ai dám vay vốn ngân hàng để làm kinh tế, thì chị Hồ Thị Hồng Phong đã vay 15 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội thông qua sự bảo lãnh của Hội Phụ nữ xã. Với số tiền vay được, chị Phong bàn với chồng mở một cửa hàng tạp hóa nhỏ. Công việc kinh doanh thuận lợi, năm 2015, gia đình chị Phong xin thoát nghèo.
Còn vợ chồng chị Hồ Thị Hạnh, cũng ở thôn 6, vay vốn để phát triển chăn nuôi bò và trồng cây keo cũng đã thoát nghèo. Chị Hạnh chia sẻ, theo tập quán canh tác cũ tự bao đời nay đồng bào ở đây chỉ biết trồng cây lúa rẫy, mong no cái bụng. Những năm thời tiết khắc nghiệt, các gia đình lại ngóng chờ gạo cứu trợ của Nhà nước cấp phát. Không chịu để cái nghèo đeo bám, từ kiến thức thu được ở lớp tập huấn về chăn nuôi bò lai và trồng cỏ voi do Hội Phụ nữ xã tổ chức, vợ chồng chị Hạnh đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng để gây dựng đàn bò, kết hợp với cải tạo vườn đồi để trồng cây keo. Ở xã vùng cao Phước Hòa hiện nay, gia đình chị Hạnh có đàn bò lớn nhất, có thời điểm lên tới 12 con. Mô hình nuôi bò lai với chuồng trại kiên cố, đảm bảo vệ sinh môi trường của chị Hạnh được nhiều chị em phụ nữ trong xã học tập làm theo.
Chị Hồ Thị Thiên (trái), Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phước Hòa hướng dẫn chị em phụ nữ trong xã vay vốn phát triển kinh tế. |
Đời sống của đồng bào Giẻ Triêng ở xã Phước Hòa hiện nay đang có nhiều khởi sắc. Đó là kết quả của một quá trình thay đổi, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu của người dân trong đó có vai trò tích cực của Hội Phụ nữ xã. Theo chị Hồ Thị Thiên, ngày trước khi giao thông đi lại cách trở giữa miền núi với đồng bằng, nhà nào có người bị ốm đồng bào thường chỉ biết cúng bái, tình trạng tảo hôn cũng diễn ra phổ biến.
Nhiều gia đình hội viên phụ nữ xã Phước Hòa đang nhân rộng mô hình trồng cỏ voi để nuôi bò. |
Trong các thôn bản, thường có quy định xử phạt rất nặng đối với những phụ nữ có con ngoài giá thú, phải ra ngoài bìa rừng dựng lán tự sinh con... Những hủ tục lạc hậu đó giờ đây đã bị đẩy lùi. Hiện nay, các thôn của xã Phước Hòa đều có y tá thôn bản, khi bị đau ốm người dân chủ động đến trạm y tế xã để được thăm khám.