Nhóm phóng viên TTXVN đã có cuộc phỏng vấn Đại sứ Việt Nam tại Ukraine Nguyễn Minh Trí trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội nước sở tại sẽ diễn ra ngày 26/10.
PV: Xin đại sứ đánh giá chung về cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn khoá VIII?
Đại sứ Nguyễn Minh Trí: Cũng
như cuộc bầu cử Tổng thống trước thời hạn hồi tháng 5 năm nay, cuộc bầu cử Quốc
hội Ukraine trước thời hạn có ý nghĩa chính trị đặc biệt quan trọng, có thể góp
phần ổn định tổ chức chính quyền, cũng như góp phần khắc phục cuộc khủng hoảng
hiện nay. Có thể thấy cuộc bầu cử này diễn ra trong bối cảnh chính quyền không
quản lý toàn bộ lãnh thổ như trước đây và trong bối cảnh đất nước đang chìm sâu
trong một cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị và xã hội dai dẳng. Chính vì lý
do này, cử tri Ukraine sẽ chỉ bầu 438 đại biểu quốc hội, số đại biểu còn lại
bầu theo danh sách mỗi khu vực một đại biểu gồm 10 đại biểu của Crimea và 2 đại
biểu của thành phố Sevacstopol sẽ để lại chưa bầu.
Theo thống kê, có 7.000 ứng cử viên đại diện cho
52 đảng, trong đó có 29 chính đảng chính thức đăng ký tranh cử.
PV: Ông có thể dự báo về kết quả bầu cử?
Đại sứ Nguyễn Minh Trí: Còn sớm để có thể dự báo về kết quả bầu cử
lúc này. Tuy nhiên, qua theo dõi chính trường và tương quan giữa các lực lượng,
các chính đảng, có thể dự báo sẽ có khoảng từ 5-7 chính đảng vượt ngưỡng giành được
5% số phiếu của cử tri để có chân trong Quốc hội khoá VIII này. Theo tôi, đảng
"Khối Poroshenko" do đương kim Tổng thống Petro Poroshenko dẫn đầu sẽ
giành được số phiếu bầu cao nhất, tuy nhiên cũng thể không vượt quá 30-35% số
phiếu bầu để có thể tự mình đứng ra thành lập Chính phủ. Tiếp đó, Mặt trận Nhân
dân của Thủ tướng Yasenyuk và quyền Chủ tịch Quốc hội Ukraine Turchinov có thể
về nhì. Tiếp đó có thể là các đảng Cấp tiến của Lyasko, đảng Ukraine Hùng mạnh
của cựu Phó Thủ tướng Tsighirov và một số đảng đối lập như Tự cứu mình...
Đại sứ Nguyễn Minh Trí trả lời phóng viên TTXVN về cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn Ukraine khóa VIII. |
PV: Như
vậy có thể thấy kịch bản đảng của đương kim Tổng thống không thể hội đủ quá bán
số phiếu cử tri để đứng ra thành lập chính phủ. Vậy theo ông, đảng của Tổng
thống có thể liên danh với đảng nào để thành lập chính phủ liên minh?
Đại sứ Nguyễn Minh Trí: Sẽ khó để nói ông Poroshenko sẽ liên minh
với đảng phái nào để thành lập chính phủ, bởi điều này còn phụ thuộc vào đường
hướng, vào cương lĩnh hoạt động và chủ trương của mỗi chính đảng. Các nhà phân
tích nghiêng về khả năng Khối Poroshenko sẽ liên minh với Mặt trận nhân dân để
thành lập chính phủ. Ngoài ra, lúc này còn nổi lên đảng Cấp Tiến của ông Lyashko,
đặc biệt đảng này được số cử tri là thanh niên tín nhiệm. Lúc này chỉ có một
điều chắc chắn nhất là đảng của ông Poroshenko sẽ đứng ra đàm phán với các đảng
phái khác để thành lập chính phủ.
Dù thế nào, những người được cử tri Ukraine tín nhiệm đều phải nhận thức một điều
rằng lợi ích, sự cân bằng và ổn định của Ukraine là điều mà các cử tri hết
sức mong muốn. Lúc này, tuy Ukraine là một đất nước châu Âu, song vẫn chưa thực
sự là một quốc gia của châu Âu; tuy nằm cạnh một quốc gia hùng mạnh Nga, song
đó cũng không còn là một quốc gia anh em “răng hở môi lạnh” với Ukraine nữa.
Hiểu rõ tình thế này, các nhà lập pháp Ukraine cần hết sức trách nhiệm, trước
hết trong việc thành lập một chính phủ liên minh, để đưa Ukraine tránh khỏi
tình thế bị giằng xé giữa các nhóm lợi ích quốc tế. Nói một cách khác, hơn lúc
nào hết, cử tri Ukraine mong mỏi với cuộc bầu cử quốc hội trước thời hạn, thể
chế này sẽ góp phần hình thành một nội các có khả năng duy trì một đất nước
Ukraine trung lập, đoàn kết và hoà hợp giữa các vùng miền, sớm thoát khỏi cuộc
khủng hoảng đang đẩy bao lớp người Ukraine vào cảnh khốn cùng. Dù liên minh với
đảng phái nào, hơn ai hết, Tổng thống Ukraine Poroshenko phải nhận rõ trách
nhiệm một mặt tiếp tục hội nhập châu Âu, song mặt khác không thể bỏ qua nước
láng giềng Nga và những lợi ích đôi bên với Nga.