Phòng chống lao - Bài 2: Điểm yếu ở nhân lực chống lao

So với các bệnh truyền nhiễm khác, bệnh lao thường ít được các cơ quan chức năng cũng như cộng đồng quan tâm. Hơn nữa, các chế độ chính sách dành cho đội ngũ phòng chống lao tuyến cơ sở chưa được quan tâm thỏa đáng khiến họ không mặn mà với công việc.

 

Bác sĩ lao vừa yếu, vừa thiếu


TP Hải Phòng là địa phương có tỷ lệ người mắc lao khá cao tại nước ta. Toàn thành phố có 19 tổ chống lao, trong đó có 3 tổ lao tại trại giam và Trung tâm Giáo dục lao động xã hội. 100% xã có cán bộ phụ trách lao, phát hiện người nghi lao, quản lí điều trị bệnh nhân lao và truyền thông giáo dục sức khỏe phòng chống lao. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Minh Thấu, Phó Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Hải Phòng, mạng lưới y tế chống lao tại thành phố còn rất mỏng.


 

Chị Quả, Trạm trưởng Trạm y tế xã Thủy Sơn, Thủy Nguyên, Hải Phòng kể về tình hình bệnh lao trên địa bàn xã.

 

“Tổ chống lao tại các bệnh viện đa khoa tuyến huyện họat động còn nhiều khó khăn. Kinh phí đầu tư của nhà nước vẫn còn eo hẹp. Như bệnh viện Lao Hải Phòng mỗi năm cũng chỉ được thành phố cấp kinh phí hoạt động là 50 triệu đồng. Con số này quá ít ỏi so với nhu cầu”, ông Thấu nói. Do ít được đầu tư nên hạ tầng cơ sở, trang thiết bị y tế bị xuống cấp ở cả tuyến thành phố và huyện, xã chưa theo kịp với yêu cầu.


Bên cạnh đó, nguồn nhân lực còn rất nhiều bất cập. Nhiều nơi thiếu bác sĩ lao nhưng cũng không có cơ chế để tuyển dụng bác sĩ mới do sinh viên ngành y ra trường có tâm lý ngại ngành lao. Hiện bệnh viện Lao và Bệnh phổi Hải Phòng mới có 33 bác sĩ, trong khi nhu cầu cần phải có 40 - 45 bác sĩ. Hơn nữa, chất lượng các bác sĩ còn nhiều vấn đề phải bàn. Có một bộ phận bác sĩ chống lao là y sĩ, học cao đẳng rồi chuyên tu lên đại học thành bác sĩ, do vậy trình độ chuyên môn thấp.


Ông Thấu cho biết thêm: “Trong số 15 tổ chống lao tuyến huyện của Hải Phòng, 50% không có bác sĩ chống lao, chỉ có y sĩ. Nhiều nơi chỉ có bác sĩ chống lao kiêm nhiệm, không có bác sĩ chuyên trách. Do thiếu bác sĩ nên có tổ chống lao chỉ làm việc 3 ngày trong một tuần”.

 

Thù lao chăm sóc bệnh nhân… 20.000 đồng/tháng


Trong căn phòng rộng nhưng khá trống trải của Trạm y tế xã Thủy Sơn, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng, chị Đàm Thị Quả (Trạm trưởng) vui vẻ cho chúng tôi biết, những năm gần đây, số người mắc lao của xã có xu hướng giảm dần. Tuy vậy, chị Quả cũng không khỏi chạnh lòng khi được hỏi về chế độ đãi ngộ cho đội ngũ làm công tác phòng chống lao tại cấp cơ sở như chị. “Nói thật, chúng tôi làm việc này vì cái tâm là chính chứ tiền bồi dưỡng cho công tác chống lao là quá ít ỏi”, chị Quả tâm sự.


Theo quy định của thông tư 147/2007, cán bộ y tế khám phát hiện một nguồn lây chính lao được 20.000 đồng; khám và đưa người bệnh đến bệnh viện tuyến huyện ở miền núi được 30.000 đồng/người; ở đồng bằng được 20.000 đồng/người; cán bộ y tế theo dõi, cấp phát thuốc cho người bệnh trong tám tháng điều trị ở miền núi được 150.000 đồng, ở đồng bằng được 100.000 đồng... Với mức tiền ít ỏi này, những người làm y tế cơ sở khó có thể hết lòng hết sức vì công việc phòng chống lao. Bác sĩ Thấu cũng cho rằng thông tư này đến nay đã “không còn phù hợp”.


Nghị định 56/2011 của Chính phủ chi trả phụ cấp độc hại 70% cho nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc và điều trị bệnh nhân lao là một chính sách rất tốt cho ngành. Tuy nhiên, việc thực hiện triển khai quy định này còn gặp nhiều khó khăn, chưa được thống nhất ở các cấp, địa phương. Theo quy định, trạm y tế xã chỉ có chức năng dự phòng bệnh, không có chức năng điều trị, vì thế các bác sỹ và nhân viên y tế tuyến xã phải chịu thiệt thòi vì không được hưởng mức phụ cấp này.


Theo PGS.TS Ðinh Ngọc Sỹ, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Phòng chống lao quốc gia, hiện nay tỷ lệ bác sĩ cho chuyên ngành phòng, chống lao là 1,58/100.000 dân, tính chung cả lực lượng cán bộ chuyên trách là 12/100.000 dân. “Tình trạng thiếu bác sĩ lao thường rơi vào các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện. 70% bệnh viện tuyến huyện thiếu bác sĩ chuyên khoa lao. Muốn tăng cường nguồn nhân lực phòng chống lao nhất thiết cần phải có những chính sách đãi ngộ phù hợp cho họ”, ông Sỹ nói.


Bài và ảnh: Hoàng Dương

 

Bài cuối: Đẩy mạnh truyền thông chống kỳ thị với lao

Phòng chống lao - Bài 1: Cảnh giác khi bệnh nhân nhờn thuốc
Phòng chống lao - Bài 1: Cảnh giác khi bệnh nhân nhờn thuốc

Anh Bùi Văn Bồi - chồng của chị Chiên phát hiện bị bệnh lao từ năm 2000. Khi ấy nhà nghèo quá nên anh Bồi cứ trì hoãn mãi không chịu đi khám vì sợ tốn tiền. Sau khi điều trị được một thời gian thì bệnh thuyên giảm nhưng đến các năm 2002, 2004 bệnh lại tái phát.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN