Bước chuyển mình căn bản
Về xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc (Hòa Bình) những ngày áp Tết Canh Tý 2020, chúng tôi được tận mắt ngắm nhìn màu xanh bát ngát của cây dong riềng trải dài khắp thung lũng, dưới chân đồi, báo hiệu một vụ dong bội thu, một cái tết đủ đầy.
Thời điểm này, cũng là lúc nông dân rộn ràng bước vào mùa thu hoạch củ dong riềng, nguyên liệu chính sản xuất miến dong. Bà con tất bật chặt cây, đào củ chất thành đống chờ xe đến thu mua. Năm nay, diện tích trồng dong riềng của xã đạt hơn 260 ha.
Những năm gần đây, xã Cao Sơn chủ trương chuyển đổi diện tích từ cây lúa nương, cây ngô năng suất thấp sang trồng cây dong riềng. Các xóm trồng nhiều dong riềng nhất là: Sèo, Sơn Phú, Nà Chiếu, Tằm. Đây là loài cây hợp vùng đất dốc, có thể trồng trên nhiều loại đất và giải quyết tốt vấn đề lương thực, năng suất đạt từ 65 - 70 tấn/ha, tỷ lệ tinh bột cao 13,5 - 16,4%, sử dụng để chế biến tinh bột, ăn tươi, làm miến dong hoặc làm thức ăn gia súc.
Ông Xa Văn Khánh, xóm Tằm cho biết: “Trồng cây dong riềng không tốn nhiều công chăm sóc, giống từ mùa trước để lại, chỉ phải thuê người lúc thu hoạch. Hiện, củ dong riềng đang được thu mua với giá 1.500 đồng/kg, tăng gấp đôi so với năm ngoái, cộng với năm nay được mùa nên chúng tôi rất phấn khởi. Tết này vui hơn rồi!”.
Đến xóm Ca Lông, xã Đồng Chum, huyện Đà Bắc, chúng tôi mới thấy hết được niềm vui của những hộ nghèo người dân tộc Tày. Giờ đây, cơ hội “đổi đời” đã đến với bà con khi dự án giảm nghèo đưa những mô hình sản xuất mới về tận bản, làng.
Gần 2 tháng nay, gia đình chị Xa Thanh Nguyên rất phấn khởi vì 2.000 m2 đồi của gia đình không còn trồng cây ngô, sắn hiệu quả thấp. Thay vào đó là những hàng gừng trồng xen cây thảo dược ác ti sô đang lên xanh mơn mởn.
Bước ra từ khu đồi, lau những giọt mồ hôi trên mặt, chị Nguyên chia sẻ: “Những hộ dân tộc thiểu số vùng cao ở xã Đồng Chum rất cảm ơn các cơ quan chức năng đã quan tâm đầu tư phát triển sản xuất, giúp bà con có điều kiện xóa đói, giảm nghèo. Gia đình tôi được dự án giảm nghèo hỗ trợ triển khai mô hình trồng gừng xen ác ti sô đang phát triển tốt, hứa hẹn sẽ cho thu nhập khá”.
Anh Xa Văn Quyền thuộc diện hộ cận nghèo, dân tộc Tày ở xóm Mới 1, xã Đồng Chum chỉ tay về hướng màu xanh ngát giữa cây gừng xen ác ti sô, khoe: “Trước kia, 2 ha này gia đình tôi chỉ trồng ngô, thu nhập không được bao nhiêu. Nay được dự án giảm nghèo cho tham gia vào sản xuất mô hình trồng gừng xen ác ti sô. Mừng hơn nữa là được doanh nghiệp về tận nơi ký hợp đồng thu mua với giá 4.500 đồng/kg. So với trồng ngô, mô hình này có tính khả thi hơn nhiều”.
Bên cạnh hỗ trợ phát triển sản xuất, cơ sở hạ tầng vùng dân tộc thiểu số và miền núi cũng được đầu tư đồng bộ. Hiện, hầu hết các bản của các xã nêu trên đều có đường ô tô hoặc xe máy đến được tận bản. Tuy có những tuyến chỉ đi được vào mùa khô nhưng cũng đã tạo điều kiện thuận lợi hơn rất nhiều cho đồng bào ở các bản vùng sâu, vùng xa. Cùng với đó, hàng loạt các công trình thủy lợi được mở mang, người dân có điều kiện khai hoang, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi. Hệ thống trường, lớp học, trạm y tế, các công trình phúc lợi công cộng được đầu tư giúp các em nhỏ được đến trường, người dân được chăm sóc sức khỏe…
“Cú huých” để phát triển
Để phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi, kéo giảm khoảng cách giàu - nghèo cũng như mức hưởng thụ các dịch vụ khác, ngày 18/11/2019, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 88/2019/QH14, phê duyệt “Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030” nhằm tập trung ưu tiên đầu tư cho địa bàn đặc biệt khó khăn, trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Đối tượng được hưởng lợi là các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; hộ gia đình, cá nhân người dân tộc thiểu số; hộ gia đình, cá nhân người dân tộc Kinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, sinh sống ở xã, thôn đặc biệt khó khăn và doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức kinh tế, xã hội hoạt động ở địa bàn vùng đặc biệt khó khăn...
Đề án đã đưa ra mục tiêu tổng quát, đồng thời xác định các mục tiêu cụ thể đến năm 2025, trong đó đáng chú ý là phấn đấu mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng hơn 2 lần so với năm 2020.
Định hướng mục tiêu đến năm 2030 là thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số bằng 1/2 bình quân chung của cả nước, giảm hộ nghèo xuống dưới 10%, cơ bản không còn các xã, thôn đặc biệt khó khăn, 70% số xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới…
Phát biểu tại Hội nghị triển khai thực hiện nghị quyết của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, việc ban hành Nghị quyết về nội dung quan trọng này là một quyết định đúng chủ trương, đường lối của Đảng, đúng Hiến pháp; tiếp tục thực hiện lời dặn của Bác Hồ đối với công tác dân tộc, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng rẻo cao, miền núi, biên giới và khu căn cứ cách mạng; để ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành, từng bước vững chắc, để miền núi tiến kịp miền xuôi, đồng bào ngày càng có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Đồng thời để Quốc hội có chủ trương cùng với Chính phủ hệ thống lại, tích hợp lại tất cả chính sách đã ban hành nhằm tập trung cho việc đầu tư phát triển, có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, phân tán, hiệu quả thấp. Do đó, đây là dịp để tích hợp lại 118 chính sách để trở thành Chương trình mục tiêu quốc gia đầu tư phát triển bền vững cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, Việt Nam luôn nỗ lực thực hiện có trách nhiệm việc đầu tư phát triển bền vững ở cả 3 trụ cột: Phát triển kinh tế - xã hội bình đẳng, công bằng và môi trường được bảo vệ, trong đó coi trọng vai trò quyết định, giám sát của Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp, đồng hành cùng Chính phủ trong thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm nguyên tắc công bằng - đoàn kết - tương trợ giúp nhau để phát triển trong đồng bào các dân tộc thiểu số.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ sớm hoàn thiện, ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết; tiến hành nhanh việc phân công nhiệm vụ tới các cơ quan hữu quan để đưa Nghị quyết và các văn bản quy phạm pháp luật sớm đi vào cuộc sống, đồng thời hướng dẫn các bộ, ngành, hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong cả nước triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Quốc hội và Chương trình hành động của Chính phủ.