Pháp tuyên bố trên đà chiến thắng tại Mali

Tổng thống Pháp Francois Hollande trong cuộc họp báo tại Điện Elysee ở thủ đô Pari ngày 29/1 đã tuyên bố “Pháp đang trên đà chiến thắng tại Mali”, đồng thời khẳng định các lực lượng các nước Tây Phi sẽ đảm nhận phần còn lại của chiến dịch “Mèo rừng châu Phi”.


 

Người dân vẫy chào binh sĩ Pháp và Mali tiến vào thị trấn Timbuktu hôm 28/1/2013. Ảnh: AFP/ECPAD

 

Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh quân đội Pháp và Mali đã giành được quyền kiểm soát hoàn toàn thị trấn Timbuktu, thành trì của phiến quân Hồi giáo gồm các tay súng al-Qaida và Phong trào Hồi giáo Maghreb (AQIM). Theo giới chức quân sự, khoảng 1.000 binh sỹ Pháp, dân quân và 200 binh sĩ Mali đã kiểm soát sân bay và các trục lộ dẫn tới thị trấn Timbuktu mà không vấp phải sự kháng cự nào của phiến quân.


Tới nay, các lực lượng Pháp và Mali đã giành lại quyền kiểm soát 6 thị trấn tại miền Bắc, trong đó có 2 thị trấn trọng yếu là Gao và Timbuktu. Thị trấn Gao nằm cách Timbuktu 300 km về phía đông nam. Thị trấn Kidal ở cận bắc Mali là mục tiêu chiến lược còn lại đối với chiến dịch “Mèo rừng châu Phi”.


Các chiến binh người Tuareg thuộc Phong trào Quốc gia Giải phóng Azward (MNLA) tuyên bố đã giành quyền kiểm soát thị trấn chiến lược Kidal sau khi các phiến quân Hồi giáo rút lui. Một quan chức ngoại giao tại thủ đô Bamacô đã xác nhận thông tin này với hãng tin Reuters và cho biết MNLA có thể sẽ tiếp tục gây áp lực với đòi hỏi lập vùng tự trị tại khu vực này. MNLA cũng tuyên bố hoàn toàn tán thành cuộc chiến chống các tổ chức khủng bố và sẵn sàng hợp tác với quân đội Pháp nhưng không chấp nhận sự có mặt của quân đội Mali.


Tổng thống Hollande khẳng định quân đội Pháp sẽ thoái lui khỏi vai trò chủ lực trong chiến dịch sau khi giành lại được các thị trấn trọng yếu, và lực lượng Tây Phi cùng quân đội Mali sẽ giữ vai trò tiên phong trong chiến dịch truy quét phiến quân ở các khu vực cận bắc. Tuy nhiên, ông Hollande cũng thừa nhận rằng đây là khu vực hết sức khó khăn bởi là nơi mà các phần tử khủng bố đang ẩn náu.


Ngày 29/1, các nhà lãnh đạo và giới chức châu Phi cùng các đại diện Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản và Mỹ tham dự hội nghị tài trợ cho Mali tổ chức tại Êtiôpi đã cam kết tài trợ 455,63 triệu USD cho các chiến dịch quân sự và viện trợ nhân đạo tại Mali, trong đó Nhật Bản đóng góp trên 120 triệu, Mỹ ủng hộ 96 triệu USD. Ngay sau hội nghị tài trợ diễn ra ở thủ đô Êtiôpi, Tổng thống Mali, Dioncounda Traore cũng khẳng định ông hy vọng sẽ tổ chức cuộc bầu cử tại Mali vào ngày 31/7 tới, với quyết tâm “tổ chức ngay lập tức cuộc bầu cử minh bạch và đáng tin cậy”.


Cùng ngày, Anh tuyên bố sẽ gia tăng sự hỗ trợ cho chiến dịch quân sự tại Mali. Một số tờ báo cho biết Anh sẽ cử 200 sĩ quan huấn luyện tới Mali. Nigiê cũng đã đồng ý cho phép các máy bay do thám của Mỹ được đồn trú trên lãnh thổ nước này để thu thập thông tin tình báo về các chiến binh Hồi giáo ở miền Bắc Mali và khu vực sa mạc Xahara.


Bất chấp tuyên bố lạc quan của Pháp, một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cảnh báo rằng chiến dịch can thiệp tại Mali do Pháp dẫn đầu có thể kéo dài vài năm. Ông Donald Yamamoto, phụ tá chính của Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề châu Phi, nói với hãng tin AP rằng đây mới chỉ là giai đoạn đầu, và chiến dịch can thiệp “sẽ mất nhiều thời gian, và thời gian ở đây có nghĩa là nhiều năm”. Theo ông Donald Yamamoto, chỉ chiến dịch quân sự không thôi sẽ không thể bình ổn quốc gia Tây Phi này mà cần phải có đối thoại giữa các nhóm ở miền Bắc với chính phủ Mali.


Lê Dương - Trần Long (tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN