Ngày 16/11/2013, tại Nhà hát Âu Cơ (Hà Nội) Ủy ban Dân tộc (UBDT) tổ chức Lễ biểu dương học sinh dân tộc thiểu số đạt giải cao trong kỳ thi quốc gia, đỗ thủ khoa, điểm cao vào đại học, cao đẳng năm 2013... Phóng viên báo Tin Tức (TTXVN) đã có cuộc phỏng vấn ông Nông Quốc Tuấn (ảnh), Thứ trưởng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về ý nghĩa của hoạt động này.
Thưa ông, Lễ biểu dương học sinh các dân tộc thiểu số là một trong những hoạt động thường niên của UBDT trong những năm qua, ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa của hoạt động tôn vinh này?
Trong nhiều năm qua, sau những đợt thi học sinh giỏi quốc gia, thi tuyển sinh đại học, cao đẳng, UBDT thường tổ chức lễ biểu dương các em học sinh dân tộc thiểu số nhằm ghi nhận, tuyên dương, khen thưởng cho các em học sinh có thành tích xuất sắc trong các kỳ thi, đặc biệt là những em học sinh thi đạt giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, những em đỗ điểm cao trong các kỳ thi đại học, cao đẳng là người dân tộc thiểu số trên phạm vi cả nước.
Thầy trò trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Lâm Đồng trong một giờ lên lớp. Quý Trung - TTXVN |
So với những năm trước, số các em học sinh đạt thành tích cao trong năm 2013 tăng cao hơn, lên đến 105 em. Trong đó, có 96 em đạt giải quốc gia, 9 em đỗ thủ khoa hoặc thi đại học đạt 28 điểm trở lên... các em này đều đã bước vào học đại học năm thứ nhất tại các trường đại học, cao đẳng. Thành phần chủ yếu là dân tộc Tày, Nùng, Mường, Dao, Hoa. Đặc biệt, năm nay còn có các em là người dân tộc Mông, Xa Phó, trước đây ít có.
Hoạt động tôn vinh này mang nhiều ý nghĩa, thông qua những cuộc tuyên dương như thế này để động viên, khen thưởng, tôn vinh các em, xây dựng ý thức trách nhiệm, tạo động lực cho các em học tập, mong muốn các em sau khi được đào tạo tốt sẽ quay trở về góp phần giúp đỡ, xây dựng quê hương mình. Đồng thời, cũng thông qua các hoạt động này để các em khác lấy đó là tấm gương để phấn đấu noi theo.
Ngoài ra, cũng thông qua hoạt động này để khẳng định, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đã tạo động lực, môi trường, cơ chế thích hợp, trên cơ sở đó tiếp tục nghiên cứu chính sách giúp các em có điều kiện thuận lợi nhất để nỗ lực phấn đấu học tập.
Con số 105 học sinh được tôn vinh năm 2013 cho thấy, số lượng các em đạt thành tích cao trong học tập đang ngày càng tăng, điều này chứng tỏ chất lượng giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc miền núi đang ngày càng tốt hơn. Vậy UBDT đã có sự phối hợp với các bộ, ban ngành như thế nào để có được kết quả như vậy?
Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có rất nhiều chính sách như cho vay, hỗ trợ các em học sinh dân tộc thiểu số, tạo điều kiện để các em tiếp cận được các nguồn lực, hỗ trợ các em một phần nào đó những khó khăn trong quá trình học tập. Ngoài ra, các cấp chính quyền, địa phương cũng đã tổ chức xây dựng các trường bán trú dân nuôi, các trường dân tộc nội trú để tạo điều kiện cho các em học sinh vùng dân tộc có điều kiện ăn ở, học hành, rồi sự ra đời của quỹ học bổng Vừ A Dính... Những chính sách này đã được thực hiện rất tốt, đặc biệt là trong công tác giáo dục. Điều này đã được chứng minh qua việc số lượng các em học sinh dân tộc thi giải cao, đỗ đại học, cao đẳng ngày một tăng. Đặc biệt, sự phối hợp giữa các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với UBDT để xây dựng những chính sách phù hợp, từng bước đáp ứng yêu cầu chung cho xây dựng và phát triển nhân lực trẻ trước mắt và tương lai sau này.
Ông đánh giá thế nào về tầm quan trọng của việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số đối với sự phát triển chung của đất nước, thưa ông?
Chúng ta đều biết, miền núi là vùng sâu vùng xa, vùng yếu thế về mặt vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên cũng như con người. Có thể khẳng định, chất lượng cán bộ, nguồn nhân lực là một trong những khâu then chốt để rút ngắn khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, gìn giữ văn hóa truyền thống... Chúng tôi xác định, để những vùng đồng bào dân tộc nhanh chóng vươn lên, thì phải là những người có học thức, những người trẻ, năng động, có kiến thức, có những hiểu biết sâu sắc về cách sống, về phong tục tập quán, về điều kiện canh tác vùng núi... Đặc biệt, nếu cán bộ là người dân tộc ở tại địa phương, được đào tạo tốt, trở về xây dựng quê hương là một trong những yếu tố hết sức quan trọng, vì các em là người dân tộc thiểu số, đã quen phong tục tập quán, nếp sống, các em sẽ phát huy tốt hơn vai trò của mình, đồng thời có tác động tích cực trong quá trình tổ chức triển khai, thực hiện các chích sách sau này.
Tuy nhiên, cũng không chỉ riêng đối với các em thi đỗ điểm số cao, mà từng bước phải mở rộng ra, đào tạo cả hệ thống nhân lực có tay nghề cao, đặc biệt là đối với các nghề phù hợp với vùng miền núi, với điều kiện tự nhiên, xã hội của từng vùng... thì mới đáp ứng được xu thế, yêu cầu chung của xã hội. Điều mong muốn nhất là làm sao để các em có động lực, có sự tự giác về nhận công việc tại quê hương. Ngoài cơ chế chính sách, các em cũng cần phải có nghị lực, có ý chí rất cao, phải không ngần ngại đứng ở vị trí khó khăn nhất, đứng mũi chịu sào để cùng xây dựng quê hương.
Nhưng thực tế có khá nhiều trường hợp có nhiều em học sinh sau khi học xong về khó xin việc tại địa phương. UBDT có sự phối hợp thế nào với các địa phương để tạo điều kiện, cơ chế cho các em đã học xong có cơ hội được trở về cống hiến cho quê hương mình?
Thực tế, những năm qua chúng ta có nhiều chính sách giúp các em học tập, từ các em được thi vào đại học, chính sách đào tạo từ xa, cử tuyển, thông qua các trường dân tộc nội trú, đào tạo nhân lực cao, đào tạo nghề... Cơ bản là các em học xong đều được quay về. Tuy nhiên, một số địa phương vẫn có một số em chưa tìm được việc làm. Vấn đề này có nhiều nguyên nhân, bao gồm cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Thứ nhất, nhiều em khi học xong lại mong muốn tìm những vị trí tốt hơn. Ngoài ra, có tình trạng là quá tập trung vào một số ngành nghề đào tạo, dẫn đến việc mất cân đối, ngành cần ít thì lại quá nhiều người, ngành cần nhiều thì lại rất ít người theo học... Tới đây, UBDT sẽ có sự phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương, để từng bước có những điều chỉnh làm sao cho hợp lý, tránh tình trạng mất cân đối như hiện nay.
Ý tưởng tuyên dương, hỗ trợ để động viên các em là một việc làm hết sức ý nghĩa, vậy UBDT có ý định mở rộng và đưa hoạt động này trở thành một sự hỗ trợ thường xuyên hơn, rộng lớn hơn nữa hay không? Nếu có thì nên làm như thế nào, thưa ông?
Lễ biểu dương, khen thưởng lần này không phải là một chính sách. Thực chất, khi nhìn thấy đội ngũ các em trưởng thành và bước vào đại học ngày càng nhiều, cá nhân tôi cho rằng cần phải xây dựng, phát triển thành những hoạt động lớn hơn, huy động thêm nhiều nguồn lực, đặc biệt là từ nguồn xã hội hoá.
Cá nhân tôi cũng mong muốn, trong những năm tới, các cấp, các ngành sẽ phối hợp với UBDT, tiếp tục xây dựng quỹ khen thưởng, quỹ hỗ trợ để động viên khuyến khích các em tiếp tục cố gắng. nếu làm thì cần có ban vận động, có nhà tài trợ hàng năm, khi tổ chức khen thưởng thì vừa là dịp đánh giá, tôn vinh các em học sinh có điểm cao, nếu mở rộng được thì thành quỹ hỗ trợ thường xuyên. Để làm được việc này, cần phải có sự quyết tâm rất cao mới có thể thực hiện được. Tôi cũng hy vọng các cơ quan thông tấn, báo chí và những đơn vị có ý tưởng có thể phối hợp với nhau để mong ước này sớm thành hiện thực.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Phương Lan (thực hiện)