Những cây ổi rừng đứng lúp xúp bên những nẻo đường mòn vùng cao. Vượt con dốc ngoằn ngoèo, bụng đói, miệng khát, dừng chân chốc lát tạt vào lùm ổi, biết đâu kiếm được quả chín hay ương ương, có khi dịu được cái đói cái khát để lại đi tiếp.
Nhớ lần lên Pha Long,cuốc bộ từ Mường Khương vượt lên. Đoạn đầu, bao nhiêu vốn tiếu lâm ta tiếu lâm Tây đem ra hết, thanh có tục có, cho quên dốc gập ghềnh. Đến đoạn cuối, chả buồn chuyện trò nữa, để còn vừa đi vừa thở. Rồi cũng đến Pha Long. Bữa tối có chút rượu cho giãn gân cốt, chủ nhà bảo thế. Rồi lăn ra ngủ. Sáng hôm sau mình và Trần Tế vào bản Tả Lùng Tháng. Nhịn suông chứ làm gì có lót dạ, điểm tâm.
Vượt chặng dốc dài, lên một khúc quanh, bỗng gặp mấy lùm ổi rừng. Hai anh em cùng vin cành, bới lá tìm kiếm. Trần Tế reo lên: Đây rồi! Nhưng mừng hụt. Quả ổi chộng chộng, ánh vàng, như là đã ương ương sắp chín. Nhưng là quả bắt nắng ánh lên thế thôi, chứ vẫn là ổi xanh. Bấm thử thấy cứng ngắc. Và nhận ra đã có móng tay ai đó đã bấm thử, vết móng tay còn in trên quả ổi. Ai đó đã tưởng lầm ổi chín như mình. Thôi cứ để nguyên thế, không ngắt. Có thể quả ổi sẽ thêm một lần in dấu móng tay...
Lại nhớ cái lần cuốc bộ dọc chiều dài quá nửa huyện Mù Cang Chải để lên La Pan Tẩn. Mình với Hạ đi chuyến ấy. Xuôi tầu về Yên Bái, đi ô tô vào Nghĩa Lộ rồi chờ xe đi tiếp 100 cây số nữa? Hay là đi ô tô vượt đèo Ô Quy Hồ vào Than Uyên rồi cuốc bộ 40 cây? Chọn đường nào? Hạ bảo chọn đường thứ hai, dù phải cuốc bộ bốn mươi cây. Đường này qua Khao Mang, trường cũ của em. Thì ra cậu ta chọn đường này là vì thế.
Đường men theo sườn núi, dài hun hút. Nắng vùng cao trong trong, hanh hanh. Nắm cơm bằng quả cam đã “giải quyết” xong từ lưng dốc Hẩu Bốn. Bụng kiến bò. Và khát. Sắp đến Khao Mang trường cũ của em rồi. Hạ hớn hở khích lệ. Nhưng khi đến đất Khao Mang, mình bảo đi thôi, dừng lại thì dùng dằng lỡ việc. Mà từ đường chính rẽ lên những bẩy cây số nữa chứ gần gặn gì. Hạ cụt hứng, giận mình. Mình cứ đi. Cậu ta chán nản tụt lại phía sau.
Lúc lâu, qua đỉnh dốc, mình dừng lại chờ. Hạ đang đi cùng một thanh niên người Mông.
Mặt Hạ tươi hơn hớn. Chàng thanh niên Mông gồng hết hành lý cho Hạ bằng một chiếc gậy, bên chiếc cặp căng phồng, bên chiếc áo bông, để cậu ta bước đi vung vẩy hai tay thoải mái. Em dạy cậu này mấy năm trước. Hạ khoe thế rồi thọc tay vào túi áo bông lấy ra mấy quả ổi chín vàng ươm. Học trò cũ hái cho thầy đấy. Hạ khoe về mấy quả ổi rừng. Chàng thanh niên Mông cười mộc mạc thân tình. Mấy quả ổi rừng này chín thật chứ không phải ổi xanh bắt nắng ánh lên như trái ổi bên Tả Lùng Tháng hôm nào. Ổi rừng cùi mỏng, đầy hạt, nhưng lúc này sao mà ngọt và thơm thế!
Hôm nọ, gặp cô giáo cắm bản trên Tả Gia Khâu, hỏi bây giờ cô giáo vùng cao có được nếm vị ổi rừng nữa không. Cô giáo trẻ cười. Cuốc bộ đi gọi học sinh, thỉnh thoảng chúng em vẫn được nếm vị ổi rừng. Nụ cười cô giáo rõ tươi...
Cao Văn Tư