Nông dân Gia Lai với việc ứng dụng Internet

Gia Lai là một trong 5 tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên, có đến gần 50% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là 2 dân tộc Bahnar và J'rai. Kinh tế nông nghiệp ở địa bàn đang trên đà phát triển bền vững, nông dân đã biết ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nhằm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm của các loại cây trồng, vật nuôi. Trong đó, mạng Internet là một trong những kênh thông tin quan trọng giúp nông dân nâng cao kiến thức, tiếp thu khoa học kỹ thuật ứng dụng vào trong sản xuất và đời sống hiệu quả.

Giảng viên Nguyễn Long Khoa hướng dẫn sử dụng máy vi tính cho học viên Rơ Lan Luh, người dân tộc Jrai, xã Ia H’ru, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai.   Ảnh: Trần Quang Thái - TTXVN


Gia đình ông Đặng Vũ Đại ở thôn Kim Năng 2 thuộc xã A Ma Rơn, huyện Ia Pa là một trong những điển hình về việc ứng dụng Internet. Trong quỹ đất 4 ha của nhà ông, có 2 ha trồng mía, 1 ha trồng điều và 1 ha hoa màu, tổng thu nhập bình quân mỗi năm gần 100 triệu đồng. Năm 2009, ông Đại tự nguyện tham gia thành viên Câu lạc bộ (CLB) Internet của xã và được cử đi tập huấn ngắn ngày về cách sử dụng mạng. Càng sử dụng, ông càng thấy kiến thức của mình được mở mang và ứng dụng có kết quả trong sản xuất trên diện tích đất canh tác của gia đình.

Nhờ thay đổi biện pháp thâm canh theo tiến bộ kỹ thuật được tiếp thu qua Internet, nên năng suất các loại cây trồng của nhà ông đều tăng cao hơn nhiều so với trước. Cây mía từ chỗ năng suất đạt bình quân 50 tấn/ha nay tăng lên gần 100 tấn; cây điều và các loại hoa màu khác cũng vậy. Trong năm 2010, mức thu của gia đình ông tăng lên đến 270 triệu đồng và dự kiến trong năm nay đạt khoảng 300 triệu đồng. Ông Đại cho biết: “Sau khi biết sử dụng mạng Internet, hàng ngày tôi dành thời gian lên mạng tìm hiểu về kỹ thuật phát triển các loại cây trồng và ứng dụng ngay vào sản xuất. Trước đây, tôi thường sử dụng phân tươi bón cho cây trồng thì nay đã biết cách ủ thành phân vi sinh, không sử dụng thuốc hóa học để trừ sâu. Riêng khâu chăm bón cho cây mía, mỗi vụ phải đầu tư bón phân và làm cỏ đến 3 lần”.

A Ma Rơn là một trong những xã hình thành và củng cố CLB Internet đầu tiên của tỉnh và đã từng bước đi vào hoạt động có nền nếp. CLB được trang bị một máy vi tính, máy in và nối mạng Internet, thu hút được 30 thành viên tham gia, trong đó có 21 thành viên là người dân tộc thiểu số. Hiện nay 100% số thành viên trong CLB đều biết sử dụng Internet. Người biết nhiều hướng dẫn cho người biết ít, hàng ngày các thành viên trong CLB có nhu cầu thì đến phòng đặt máy để học tập và mở mạng ra xem. Ai thu thập được những thông tin mới, có liên quan thiết thực đến đời sống của cộng đồng dân cư trên địa bàn thì in ra để về thông báo lại cho dân làng mỗi khi có buổi sinh hoạt. Hiện một số thành viên trong CLB có điều kiện mua sắm được máy vi tính, sử dụng mạng riêng trong gia đình. Ông Siu Bol, Chủ tịch Hội nông dân xã A Ma Rơn, huyện Ia Pa cho biết: “Hoạt động của CLB Internet đã có tác động rõ nét trong đời sống của cộng đồng dân cư trên địa bàn, bà con dân tộc đang dần thay đổi nhận thức trong sản xuất và sinh hoạt theo hướng tích cực hơn”.

Hiện Gia Lai đã phát triển được 18 CLB Internet tại 18 xã, thị trấn ở 15 huyện thuộc vùng sâu xa với gần 700 hội viên nông dân tham gia, trong đó phần nhiều là thành viên người dân tộc thiểu số. Kinh phí đầu tư cho hoạt động của 18 CLB này lên tới hơn 1 tỷ đồng, gồm trang bị máy vi tính, máy in, mở các lớp tập huấn sử dụng Internet cho các thành viên. "Đội ngũ nông dân điện tử" của tỉnh Gia Lai bước đầu hình thành, có khả năng sử dụng máy vi tính và khai thác thông tin nhanh nhất, không chỉ trên lĩnh vực phát triển sản xuất mà còn tiếp thu đường lối, chủ trương, chính sách và pháp luật Nhà nước. Đây được coi là kênh truyền thông mới về chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, thông tin thời sự về các mặt đời sống xã hội trong nước và thế giới đến nhanh hơn với nông dân, nông thôn ở địa phương.

Nguyễn Hoài Nam

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN