Đồng tính luyến ái nói chung và đồng tính nữ (les) nói riêng là một vấn đề tự nhiên trong cuộc sống. Không phải là chứng rối loạn tâm thần, hay là một biểu hiện của lối sống tha hóa, sự đồi bại về đạo đức, song đồng tính nữ đang phải chịu sự kỳ thị gay gắt từ phía xã hội, thậm chí từ những người thân.
Cha mẹ xẩu hổ
“Hiện nay, các quan niệm tiêu cực về đồng tính luyến ái còn khá phổ biến. Nhiều bậc cha mẹ cho rằng đó là một bệnh, đồng tính luyến ái là xấu xa, là một trào lưu hay sự ngộ nhận… Vì vậy, khi biết con gái mình yêu một người nữ, nhiều phụ huynh cảm thấy không thể chấp nhận được, coi là chuyện đáng xấu hổ”, bà Nguyễn Quỳnh Trang, chuyên viên Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế, Môi trường (iSEE), chia sẻ tại Hội thảo Sống trong một xã hội dị tính: Chuyện từ 40 người nữ yêu nữ, diễn ra mới đây tại Hà Nội.
Theo bà Nguyễn Quỳnh Trang: “Khi gặp chúng tôi, mẹ của Tâm (23 tuổi) cứ day dứt, không thể ngờ rằng con mình mắc bệnh đồng tính nữ. Chúng tôi đã cung cấp thông tin, tài liệu khoa học mình có và khẳng định đồng tính không phải là một bệnh. Nhưng mẹ Tâm vẫn khóc, hỏi lại: Làm sao để nó khỏi bệnh? Đánh đổi gì tôi cũng chịu! Có trường hợp khi gia đình biết con gái mình yêu nữ giới, liền lập tức mời bác sĩ tâm lý về để chữa. Một số gia đình khác thì chọn cách đưa con đi cúng cho khỏi bệnh. Một vài bạn còn tâm sự rằng cha mẹ mình thậm chí coi đồng tính nữ còn kinh khủng hơn nghiện ma túy hoặc mại dâm”.
“Thậm chí, khi biết chuyện con gái rượu đang cặp kè với cô bạn cùng giới, có ông bố đã pha thuốc ngủ vào cốc nước chanh cho con uống rồi để người con trai theo đuổi cô 3 năm “thích làm gì thì làm”, một cán bộ Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học về Giới, Gia đình, Phụ nữ và Vị thành niên, chia sẻ.
Lý do mà ông bố đó đưa ra là: “Nó chưa bao giờ biết chuyện chăn gối với người đàn ông nên mới khăng khăng đòi sống chung với con bé kia. Tôi đảm bảo khi biết mùi đàn ông, thế nào nó cũng bỏ ngay ý nghĩ kỳ quái ấy đi. Vợ chồng tôi không thể nào chấp nhận được chuyện đó…”.
Hậu quả, người con gái có thai và rơi vào trạng thái câm lặng, không nói chuyện và giao tiếp với bất kỳ ai. Sự ân hận của người cha giờ đã là quá muộn.
Đồng nghiệp kỳ thị
Câu chuyện của Nhung, một nữ hộ sinh ở một bệnh viện Phụ sản tại Hà Nội cũng rất đáng lưu tâm: “Khi bộc lộ mình là một người đồng tính, mình rất mong sự cảm thông từ chị Hường, trưởng phòng nơi mình công tác. Nhưng chị ấy đã trả lời rằng: Chị không kỳ thị gì em nhưng tập thể không phải ai cũng hiểu được. Nếu em không thay đổi thì em sẽ không tồn tại được ở đây. Nếu mọi người biết thì không ai muốn tới đây khám bệnh…”.
Chưa hết, sau đó chị Hường còn không gọi Nhung vào đỡ đẻ, dù đến ca của cô. Thậm chí, chị Hường còn “bắn tin”: “Có lẽ phải chuyển Nhung sang làm công việc khác, một người như Nhung đỡ những đứa trẻ sẽ không tốt cho chúng…”.
“Khi nghe những câu nói đó, tai mình ù đi. Tại sao một bác sĩ như chị Hường lại nói ra những câu như vậy? Đấy chẳng phải là sự kỳ thị sao? Người ta đang từ từ tước đi công việc của mình? Mình có nên tiếp tục ôn thi đại học? Còn có ý nghĩa gì khi một bác sĩ không được khám chữa bệnh? Mong sao cuộc sống này công bằng hơn với những người như mình”, Nhung buồn bã nói.
Phản ứng tiêu cực và mở lòng
Bà Nguyễn Thu Nam, thành viên của nhóm nghiên cứu về 40 người nữ yêu nữ của iSEE, chia sẻ: Trong quá trình nghiên cứu, một số les cũng tâm sự rằng họ gặp khó khăn khi muốn bộc lộ bản thân tại công sở. Có người đi xin việc khắp nơi không được, người quản lý nói không thể nhận bạn đó vì sợ khách hàng nhìn vào sẽ ảnh hưởng đến công việc kinh doanh.
Sự kỳ thị và định kiến của xã hội đã khiến những người đồng tính nữ có những suy nghĩ và hành động tiêu cực như: Sợ cuộc sống không đi đến đâu, không vượt qua được những rào cản từ chính bản thân và để vụt mất cơ hội hạnh phúc, có người chấp nhận từ bỏ con người thực của mình để sống theo mong muốn của gia đình, xã hội (lấy chồng, sinh con) để rồi mang trong lòng niềm trăn trở, nỗi khát khao và nuối tiếc suốt cuộc đời.
Đại diện của iSEE cho biết, nếu tính theo một tỷ lệ khiêm tốn thì ở Việt Nam có hàng trăm ngàn người có xu hướng yêu người cùng giới, họ có mặt ở tất cả các ngành nghề, làm nhiều công việc khác nhau, có trình độ văn hóa và hoàn cảnh gia đình khác nhau và họ sống đan xen trong xã hội. Do vậy, không nên kỳ thị, xa lánh hay coi thường những người đồng tính nói chung và những người đồng tính nữ nói riêng. “iSEE đã phối hợp với Ban Gia đình & Xã hội, TƯ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức tập huấn, nâng cao nhận thức về đồng tính, cũng như xu hướng về tình dục cho những cán bộ làm công tác hội.
Tới đây, iSEE mong muốn tiếp tục kết hợp với Ban Gia đình & Xã hội tổ chức hội thảo về xu hướng tình dục với sự tham gia của nhiều tổ chức trong, ngoài nước. Mục đích nhằm thay đổi những quan điểm lệch lạc về đồng tính trong xã hội”, ông Lê Quang Bình, Viện trưởng iSEE, cho biết.Hy vọng trong một ngày không xa, cùng với sự lên tiếng của chính những người đồng tính, sự chung tay từ những tổ chức, cá nhân, những định kiến, quan niệm lệch lạc về những người đồng tính trong xã hội sẽ không còn nữa. Khi đó, những người như Nhung, như Tâm… sẽ được sống thực là chính mình. Các em sẽ không còn phải nghẹn ngào: “Ước vọng của chúng em là được sống bình đẳng với mọi người. Bởi lẽ, chúng em cũng là người con có hiếu, cũng có ước mơ, hoài bão được cống hiến cho xã hội như bao người...”.