Nỗi lo mùa mưa bão

Là địa bàn tập trung đông dân cư, Hà Nội đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ khi mùa mưa bão đang cận kề.

Chặt hạ cây chết trong vườn Bách Thảo. Ảnh: Bùi Tường- TTXVN

 

Sự phối hợp chưa cao


Sự thiếu thống nhất giữa các đơn vị là nguyên nhân của tình trạng vi phạm đê điều tại Hà Nội chưa được xử lý triệt để. Thống kê của Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão (PCLB) Hà Nội cho thấy, từ năm 2008 đến nay, còn khoảng trên 1.000 vụ vi phạm Luật Đê điều chưa được xử lý. Điển hình là vụ việc hút cát với khối lượng lớn dọc sông Đà, sông Hồng, sông Đuống, sông Cầu (địa phận Hà Nội); đổ phế thải lên mái đê tại địa bàn các phường quận Tây Hồ và quận Hoàng Mai)… Tại các huyện ngoại thành, tình trạng vi phạm phổ biến là lấn chiếm hành lang bảo vệ đê làm nhà ở, nhà xưởng, xây dựng lò gạch trên bãi sông và tập kết vật liệu xây dựng ven đê. Qua kiểm tra 200 bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng (VLXD) của cơ quan chức năng cho thấy chỉ có 17/200 bãi được cấp phép, chiếm 8,5%.


Thực trạng này đã tồn tại từ lâu, các ban ngành chức năng thành phố cũng nhiều lần vào cuộc. Đại diện Chi Cục đê điều và PCLB Hà Nội cho biết, những vụ vi phạm này đã được các hạt quản lý đê lập biên bản vi phạm, tạm đình chỉ hành vi vi phạm pháp luật về đê điều và gửi tới chính quyền cơ sở xử lý. Tuy nhiên, kết quả xử lý còn khiêm tốn, mới chỉ giải quyết được một số vụ việc nhỏ lẻ.


Ông Lưu Văn Hải, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Hà Nội đã đưa ra con số đáng lo ngại: Năm 2012, mặc dù lũ cao nhất trên các hệ thống sông chính, đặc biệt là sông Hồng chưa đạt đến báo động I, nhưng đã xảy ra 28 sự cố về đê khá nghiêm trọng trên các sông Hồng, Đà, Đuống, Cà Lồ, Đáy, Tích. Các sự cố xảy ra chủ yếu là sạt lở bờ sông, sạt lở mái đê... Đặc biệt, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản của nhân dân khu vực phường Thanh Lương (quận Hai Bà Trưng) và phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm).


“Vấn đề lo ngại nhất là việc chủ quan của các đơn vị. Từ năm 2008 tới nay, Hà Nội chưa có đợt ngập úng lớn, nên ở vài nơi xuất hiện tư tưởng chủ quan. Do đó các quận huyện và đơn vị liên quan phải hoàn thành mọi công tác chuyển bị để không bị bất ngờ với những diễn biến bất thường của thời tiết”, ông Nguyễn Thế Thảo cho biết.

Ông Trần Xuân Việt, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, chỉ ra: Vấn đề quản lý hút cát dọc tuyến sông đang gặp nhiều vướng mắc do liên quan đến nhiều đơn vị quản lý và cấp phép cũng như giám sát, từ lĩnh vực của ngành Tài nguyên môi trường, giao thông, công an. Để giải quyết vấn nạn này, cần sự phối hợp liên ngành, đặc biệt, để đạt hiệu quả, thanh tra giao thông huyện cũng cần tham gia vào quá trình quản lý đê.

 

Không được chủ quanư


Bên cạnh nỗi lo từ đê điều, thì nội thành Hà Nội đang phải đối mặt với tình trạng ngập úng. Theo đánh giá, nội thành Hà Nội vẫn còn trên 20 điểm ngập úng, nhất là tại các vùng trũng như ngã tư Phan Bội Châu-Lý Thường Kiệt, Đuôi Cá - Trương Định, đường Nguyễn Khuyến, khu vực Tân Mai, Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai). Với tình trạng khớp nối hạ tầng kỹ thuật thoát nước còn nhiều bất cập; tiến độ cải tạo 22 km hệ thống ống thoát nước tại 44 tuyến phố, nâng cấp trạm bơm Yên Sở giai đoạn II và nhiều hạng mục khác đang triển khai chậm, thì nỗi lo úng ngập cục bộ khi lượng mưa trên 70 mm của người dân Hà Nội vẫn là điều khó tránh khỏi trong mùa mưa năm nay.


Ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND thành phố nhận định: Những trận mưa bão năm 2012 ảnh hưởng tới Hà Nội tuy không lớn nhưng vẫn xảy ra những úng ngập nặng như cơn bão số 4 diễn ra vào tháng 7 đã gây mưa vừa, mưa to trên địa bàn với lượng mưa trung bình trên 100 mm; bão số 5 (từ 15-20/8) với gió giật mạnh làm hơn 200 cây đổ và làm chết 1 người, cành gẫy làm hư hỏng một số tài sản của dân. Do đó, để giảm thiểu thiệt hại, các đơn vị phải chủ động lên các phương án phòng ngừa, nhất là với tình trạng ngập úng nội đô. Hệ thống tiêu thoát nước hiện nay chưa giải quyết được căn bản tình trạng này nên nguy cơ gập úng trên diện rộng vẫn có thể xảy ra và cần có những giải pháp cơ bản. Trong đó có việc đưa ra ý tưởng như xây dựng con sông ngầm lớn chảy dọc thành phố để tiêu thoát nước cục bộ vẫn chưa thể triển khai.


“Cụ thể như việc hạ ngầm dây cáp từ lâu vẫn chưa được cải thiện, hệ thống cây xanh vẫn còn nhiều cây già cỗi, nhiều khu tập thể xuống cấp cần cải tạo. Do đó các đơn vị không được chủ quan trong công tác chủ đạo điều hành về chuẩn bị phòng chống lụt bão. Các đơn vị cần rà soát lại kế hoạch và lên các phương án đối phó cụ thể. Chủ tịch quận huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch thành phố và tương tự ở cấp phường xã”, ông Nguyễn Thế Thảo cho biết.


Với phương châm phòng là chính, Hà Nội yêu cầu các đơn vị diễn tập đề phòng những tình huống có thể xảy ra để chủ động đối phó; kể cả việc trưng dụng các phương tiện vận tải của tư nhân để sẵn sàng cho công tác PCLB.

Ông Đỗ Việt Hùng (phường Định Công, quận Hoàng Mai): Người dân vẫn phải tự xoay xở Trận lụt năm 2008 khiến khu nhà tôi ngập nước cả tuần nên cứ thấy báo mưa to là người dân phải chuẩn bị phương án chạy ngập nước như kê kích mọi vật lên cao. Hy vọng mỗi năm hệ thống thoát nước cải thiện sẽ chấm dứt cảnh ngập úng của Hà Nội.

 

Ông Đinh Hữu Hạnh, Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng: Việc chủ động xử lý vi phạm đề điều chưa cao Việc chủ động xử lý vi phạm đê điều, công trình thủy lợi ở cấp xã chưa cao, nhiều xã chỉ khi huyện chỉ đạo mới thực hiện. Còn tư tưởng chủ quan trong nhân dân nên một số hộ chưa chấp hành pháp luật bảo vệ đê điều, công trình thủy lợi. Công tác lập quy hoạch tiêu thoát nước, đê điều chưa thực hiện do vậy việc đầu tư còn manh mún dẫn đến hiệu quả không cao.

 

Ông Nguyễn Quốc Hội, Tổng giám đốc Công ty TNHH phát triển thủy lợi sông Nhuệ: Cần nâng cấp trạm bơm Ngọ Xá 1 Trận mưa bão tháng 7/2012 gây ngập úng huyện Từ Liêm, tràn 630 ha bờ hữu sông Nhuệ. Do vậy cần phải cho nâng cấp trạm bơm Ngọ Xá 1 và trạm bơm Khai Thái. Để đảm bảo an toàn cho khu vực huyện Từ Liêm đề nghị thành phố cho xây tường chống tràn bờ hữu sông Nhuệ dài 1.200 m đoạn từ K9+760 đến K11+220 thuộc thôn Giao Quang, xã Đại Mỗ, đồng thời tôn cao chống tràn hai bờ kênh cầu Ngà dài khoảng 1.800 m.

 

Phòng VHTT thực hiện

Đề xuất mua bảo hiểm cho cây xanh

Cơn bão số 5 năm 2012 gây thiệt hại lớn cho hệ thống cây xanh thành phố với hơn 200 cây bị gãy đổ. Mùa mưa bão năm 2013 sắp đến, vấn đề bảo vệ cây xanh Hà Nội lại tiếp tục “nóng”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN