Nhu cầu là nguồn gốc của sáng chế và đối với mọi quốc gia, nhu cầu sáng chế về quân sự luôn cao nhất trong thời chiến. Hầu hết các loại vũ khí mới, từ động cơ phản lực đến bom nguyên tử, đều ra đời trong chiến tranh. Rất nhiều trong số những phát minh này hết sức kỳ lạ và dưới đây là một vài loại vũ khí “độc” được phát minh trong Chiến tranh thế giới thứ 2.
Tàu ngầm Midget lớp X
Midget lớp X là một trong số các tàu ngầm được Hải quân Hoàng gia Anh chế tạo trong Chiến tranh thế giới thứ 2. Chiếc tàu dài khoảng 15,5 m, đường kính tối đa 1,68 m và độ choán nước là 27 tấn khi nổi và 30 tấn nước khi lặn. Tàu chạy bằng động cơ diesel 42 mã lực, vận tốc trên mặt nước là 12km/h và vận tốc dưới nước là 10 km/h. Thủy thủ đoàn gồm 4 người (chỉ huy, hoa tiêu, thợ máy và thợ lặn).
Phương pháp tác chiến của tàu ngầm X là tìm cách tiếp cận mục tiêu bằng một trong hai cách: nó có thể được một chiếc tàu ngầm “mẹ” (tàu ngầm cỡ lớn) kéo theo và nằm lơ lửng bên dưới tàu địch hoặc được phóng ra từ một chiếc tàu ngầm khác và tự lái đến mục tiêu. Hai quả mìn nặng hơn 1.600 kg được gắn vào hai bên tàu bằng một cái chốt. Chúng được giải phóng bằng máy quay tay khi tàu ngầm ở ngay bên dưới thân tàu địch và có ngòi nổ chậm để tàu ngầm có thời gian thoát ra khỏi khu vực nổ.
Ưu điểm của loại tàu này là nhỏ, gọn, tính cơ động cao, có thể bí mật thâm nhập vào cảng biển của đối phương, tiêu diệt các tàu chiến nổi trên mặt nước hoặc dùng để trinh sát, do thám và tiếp tế. Một ưu điểm khác nữa của tàu Midget - X là có thể hướng dẫn các tàu đổ bộ một cách khá chính xác. Nhưng nó chỉ có duy nhất một cửa ra vào, và đây chính là rắc rối trong những trường hợp khẩn cấp.
Anh đã chế tạo 6 chiếc tàu ngầm loại này dùng để chống lại các tàu chiến Bismarck của Đức trong Chiến tranh thế giới thứ 2. Tuy nhiên, Hải quân Anh đã bị mất 2 chiếc do tai nạn, một chiếc bị hỏng do vấn đề kỹ thuật, một chiếc bị hỏa lực của quân Đức đánh chìm. Dù vậy, hai chiếc còn lại cũng đủ gây thiệt hại đáng kể đối với tàu chiến Bismarck.
“Siêu súng” V - 3
V - 3 còn được gọi là “vũ khí trả thù” của Đức Quốc xã, được chế tạo để tấn công Anh nhằm trả đũa vụ ném bom của quân đồng minh trong Chiến tranh thế giới thứ 2.
Nó là một khẩu pháo siêu lớn được đặt trên một quả đồi và có khả năng bắn một quả đạn pháo nặng 140 kg với tầm bắn hơn 161 km và tốc độ đầu đạn lên tới 1.500 m/s. V-3 hoạt động dựa trên nguyên lý đa liều phóng, trong đó các liều phóng thứ cấp được đốt cháy để tăng tốc cho đầu đạn khi nó di chuyển dọc theo nòng đại bác.
Hitler đã rất ấn tượng với thiết kế ban đầu và ra lệnh đặt 25 khẩu V-3 tại một địa điểm ở Mimoyecques, Pháp. Tuy nhiên, khu vực này đã bị bom của quân đồng minh phá hủy, buộc Đức lúc bấy giờ phải từ bỏ kế hoạch. Nếu loại súng này thực sự tồn tại, nó sẽ là một trong những khẩu súng lớn nhất trên thế giới. Hai phiên bản ngắn nòng sau đó đã được chế tạo, sử dụng để tấn công Luxemburg và đã bắn tổng cộng 183 quả đạn khiến 10 dân thường bị thiệt mạng và 35 người bị thương. Ngay sau đó, cả hai khẩu súng này đã bị Mỹ tịch thu.
Máy bay tiêm kích phản lực Me 262
Vào giai đoạn cuối của cuộc chiến, Đức đã trở thành mục tiêu tấn công bằng các loại máy bay hạng nặng của quân đồng minh. Đức Quốc xã đã thành lập đơn vị máy bay chiến đấu Me 262 với hy vọng sẽ tạm thời ngăn chặn những cuộc không kích của Anh và Mỹ.
Cách tiếp cận của Me 262 là từ đằng sau và ở độ cao lớn hơn máy bay ném bom của đối phương, sau đó lao xuống nã pháo 30 mm trong khoảng cách 600 m. Phương pháp này đã trở thành tiêu chuẩn trong những trận đánh chống lại máy bay ném bom cho đến khi tên lửa có điều khiển ra đời.
Chiếc Me 262 thử nghiệm đầu tiên đã được hoàn tất trong năm 1939. Nhưng do chi phí quá cao và do Đức quốc xã cho rằng họ có thể giành chiến thắng bằng các loại máy bay cánh quạt hiện có, nên Me 262 không nằm trong diện vũ khí ưu tiên của quân đội Đức.
Sau Chiến tranh thế giới thứ 2, Me 262 - một trong những “vũ khí thần kỳ” của Đức Quốc xã - đã trở thành chiến lợi phẩm của quân đội Mỹ. Hiện một chiếc máy bay tiêm kích phản lực đánh đêm Me 262 trang bị radar vẫn còn được trưng bày ở một sân bay của Hải quân Mỹ tại bang Washington.
Dù không đảo ngược được cục diện chiến tranh, nhưng Me 262 vẫn được lịch sử công nhận là loại máy bay tiêm kích phản lực đầu tiên trên thế giới, khởi đầu cho những thế hệ máy bay chiến đấu phản lực sau này.
(Còn tiếp)
Công Thuận