Những suy tư dưới chân tháp cổ…

Mỹ Sơn bây giờ, cũng như nhiều ngàn năm trước vẫn là sự kỳ bí đến gai người. Hơn 30 tháp cổ vẫn đứng thi gan cùng với nắng gió miền sơn cước, như vẫn còn những nét chạm trổ của những con người mà tuổi tên đã hóa vào cùng sa thạch.

Giữa bạt ngàn núi, bạt ngàn cây rừng, bạt ngàn nắng, Mỹ Sơn vẫn long lanh như bàn tay búp măng của người thiếu nữ đang thả mình cùng vũ điệu Apsara huyền thoại, hòa trong tiếng kèn đắm đuối của những nghệ nhân hoài tưởng về một vùng đất của thần.


Những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể mà Mỹ Sơn đang mang trong mình vẫn cứ im lìm ngủ yên giấc, để chờ đợi con người hiện tại giải mã những điều tuyệt cùng của bí ẩn, thách thức tất cả những cố gắng lớn lao cùng biết bao máy móc và những bộ óc thông minh nhất, để rồi còn lại vẫn là câu hỏi: Vì sao?! Cả một triều đại hơn ngàn năm tuổi, chẳng thể nào vội vã chôn vùi những kỳ tích trong lòng thời gian vô tình mải miết. Liệu có khi nào những bí ẩn kia day dứt tự vấn mình về những giá trị đang co mình mai một?! Như nàng công chúa ngủ quên giữa đại ngàn kén chọn người đánh thức hôm nay!

Rời phố thị với những ánh đèn màu chói lóa của cuộc sống tiện nghi, đêm Mỹ Sơn trầm mặc những u tịch như đau đáu nhớ về một thời quá vãng. Những cô gái Chăm thong thả đội nước tắm mát cho những Linga, những Yoni đang phơi trần cùng cỏ bụi. Những người đàn ông Chăm đầu quấn khăn, mặc xà lung rảo bước trên triền đồi chờ ngày tắt nắng, mắt nheo nhìn về phía xa xăm. Dưới chân đồi là những nếp nhà mái lá lẩn khuất dưới những tàng cây xanh màu xanh quá khứ bất tận… một Mỹ Sơn in hình vào thung lũng như bào thai ngủ yên trong lòng mẹ, êm đềm và đầy dư ba…

Mười mấy thế kỷ đã trôi qua trên mảnh đất thần thoại này, sự hưng phế của một di sản đâu nằm trong ý muốn con người. Vẫn còn đó những người đêm ngày miệt mài tìm quá vãng, lục trong sự u tịch lặng lẽ ấy những đáp số của một miền di sản giữa không gian bao la của xứ sở Chiêm thành. Những tháp Chàm nằm rải rác khắp miền Trung này liệu có cảm thông với những con người vẫn mải miết cùng nắng gió và bụi đất, để tìm câu trả lời không biết đúng sai?!

Những chạm trổ trên phiến đá kia, những tượng thần nữ, những hoa văn tinh xảo, những hình khắc vết, những viên gạch không vôi vữa gắn với nhau biết bao thế kỷ còn đang “thi gan cùng tuế nguyệt”… ở trong đó còn biết bao những gửi gắm của người xưa về vũ trụ, về thần linh, về cuộc sống, và là cả một bảo tàng vô giá về bao tuyệt phẩm nghệ thuật bây giờ không còn ai tạo tác được nữa.

Người xưa đã dùng cách gì để biến đất qua ngàn năm vẫn không hề phai sắc, chở cả hồn người trong những viên gạch hồng tươi trong nắng chiều? Có phải đấy là nơi tụ hội của hồn người, hồn đất, hồn của cả hơn 255 đền tháp khắp vùng miền Trung?! Để tầng tầng lớp lớp những trầm tích văn hóa cứ lắng lại, bồi tụ cùng thời gian mang chở những vui buồn.

Hơn một ngàn năm, Mỹ Sơn vẫn là một chứng nhân câm lặng của một nền văn hóa hưng thịnh một thời. Người Chăm xưa liệu có thể nào biết sau nhiều thiên niên kỷ, họ đã để lại những câu hỏi không dễ trả lời cho nhân loại hôm nay?! Để bây giờ Mỹ Sơn đứng sừng sững và lặng lẽ giữa bạt ngàn rừng và những nghi vấn, những bí ẩn mang sắc màu huyền thoại, nằm yên trong gạch, trong đất và trong cả bao tầng tháp vĩnh cửu.

Chiều dưới tháp Mỹ Sơn, sao người xưa lại chạm trổ vào đây cả những suy tư bí ẩn đến khôn cùng…

Bùi Hữu Cường

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN