Những người nuôi dưỡng hồn dân tộc

Cùng với sự phát triển của xã hội hiện đại, rất nhiều giá trị văn hóa của các dân tộc đã bị mai một dần. Làm thế nào để "giữ hồn" cho dân tộc mình, gìn giữ bản sắc cho muôn đời sau... là nỗi niềm của rất nhiều nghệ nhân dân tộc...

 

Cả đời gắn bó với tiếng kèn Amáp


Đối với phụ nữ dân tộc Cor ngày xưa, âm thanh của tiếng kèn Amáp rất gần gũi, thân thuộc; nhưng giờ đây, thế hệ trẻ lại rất ít người biết chơi loại nhạc cụ này. Bà Hồ Thị Bảy, ở thôn Trà Nga, xã Trà Phong, huyện Tây Trà (Quảng Ngãi) là một trong những nghệ nhân chơi Amáp hay nhất còn lại nơi đây. Cùng với người cháu là Hồ Thị Lâm, bà mong mỏi được truyền lại tiếng kèn độc đáo này cho con cháu.


Đã gần 80 tuổi, nhưng nghệ nhân Hồ Thị Bảy còn rất nhanh nhẹn, yêu đời. Khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu về kèn Amáp, muốn được nghe tiếng kèn của bà, bà liền lấy kèn và thổi cho chúng tôi nghe bài Amáp ru con. Nghệ nhân Bảy cho biết: Ngày xưa, khi con nhỏ quấy khóc, người mẹ lấy Amáp ra thổi, nghe tiếng kèn du dương réo rắt, đứa con im lặng và chìm vào giấc ngủ.

Bà Bảy thổi Amáp cùng con cháu.


Kèn Amáp là loại nhạc cụ độc đáo và rất đặc trưng của dân tộc Cor, chỉ đồng bào Cor mới có và chỉ có phụ nữ Cor mới dùng loại nhạc cụ này. Kèn Amáp được làm từ thân của cây Amáp, loại cây mọc khắp nơi trên các sườn đồi ở các huyện Trà Bồng và Tây Trà (Quảng Ngãi). Kèn Amáp dài khoảng 30 cm, tiết diện bằng đầu nhọn của chiếc đũa ăn cơm. Một đầu để trống, đầu còn lại được bịt kín bằng sáp ong tạo lưỡi gà dài khoảng 2 phân, để khi thổi, hơi sẽ làm lưỡi gà rung lên, tạo nên những âm thanh rất đặc trưng của loại nhạc cụ này. "Cách làm kèn Amáp tương đối đơn giản, nhưng để làm được kèn hội đủ các yếu tố về cung bậc âm thanh trầm, trung, cao và trên hết là trong đạt đến độ chuẩn là rất khó, hiện nay không còn nhiều người biết làm nhạc cụ này", bà Bảy cho biết.


Thường ngày, bà Bảy vẫn cùng với người cháu của mình là Hồ Thị Lâm chơi Amáp. Kèn Amáp có những bài chỉ cần một người thổi như bài "Amáp ru con", lúc này người thổi ngậm đầu gốc. Nhưng có những bài như "Đi làm nương rẫy", "Bảo vệ nương rẫy", "Đi lấy con dâu mới" thì phải thổi 2 người, lúc này đầu gốc dành cho người thổi, còn đầu ngọn dành cho người trò chuyện, hai người có thể đổi đầu cho nhau. Đây cũng là một nét độc đáo của kèn Amáp khi diễn tấu. Khi thổi đôi, vai trò của người trò chuyện là quan trọng nhất, đòi hỏi kỹ thuật cao và khả năng nói.


Đối với đồng bào Cor ở Quảng Ngãi, tiếng kèn Amáp là một trong những nét văn hóa ăn sâu trong tiềm thức. Trong sinh hoạt của đời sống, lễ, hội của đồng bào Cor đều có tiếng kèn Amáp. Thế nhưng cùng với sự phát triển của đời sống xã hội hiện đại làm cho khoảng cách giữa vùng miền ngày càng rút ngắn. Một bộ phận thanh thiếu niên đồng bào Cor không còn mấy mặn mà với các nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình. Không để cho những tiếng đàn, tiếng hát đậm bản sắc dân tộc bị mất đi, bà Bảy vẫn kiên trì hướng dẫn và truyền nghề cho con cháu. Bà luôn khát khao có được những lớp học hướng dẫn cho con cháu người Cor về sử dụng và biểu diễn nhạc cụ dân tộc Cor, trong đó có kèn Amáp. Tuy nhiên, dù rất muốn tìm người để truyền lại tiếng kèn này cho đời sau nhưng ngay cả con cháu trong nhà cũng chỉ học được vài hôm lại thôi...


Chàng trai Jrai 9x và niềm đam mê đàn đá


Sinh ra và lớn lên ở miền biên giới của huyện Đức Cơ (Gia Lai), cuộc sống gắn với rừng núi, nhưng chàng trai Jrai 9x Rơ Chăm Khánh (sinh năm 1990, tuyên truyền viên của Trung tâm văn hóa - Thể thao huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) lại chơi được thành thạo các nhạc cụ hiện đại như organ, guitar, trống… đến nhạc cụ dân tộc như đàn T’rưng, khèn, sáo… Không chỉ giỏi trong chơi các loại nhạc cụ, Rơ Chăm Khánh còn chế tác thành công chiếc đàn đá và sử dụng cây sáo vỗ (còn gọi là sáo Đinh Păk Puôt hoặc là phong tiêu) một cách thành thục cho các bài hát của đồng bào Jrai - một trong những loại nhạc cụ hiếm thấy ở địa bàn tỉnh Gia Lai.

Chiếc đàn đá do Rơ Chăm Khánh chế tác.


"Cuộc sống hàng ngày gắn với tiếng suối reo, từng tiếng chim hót, từng làn điệu dân ca của dân tộc mình, không biết từ lúc nào những âm thanh đó ngấm dần thành tình yêu âm nhạc, niềm đam mê được đàn, được hát bằng chính các loại nhạc cụ riêng của đồng bào Jrai. Nhưng nhạc cụ của đồng bào Jrai còn ít lắm, nên mình muốn chế tạo được thật nhiều loại nhạc cụ khác cho đồng bào của mình, để nó không bị mất đi. Những lúc làng có lễ hội mà không có các nhạc cụ để chơi buồn lắm, phải có cái gì đó để thanh niên trong làng có cái chơi, có cái học để biết và yêu thêm dân tộc mình qua từng điệu nhạc, điệu múa chứ”, Rơ Chăm Khánh tâm sự. Và cũng từ đây, ý định sáng tạo chiếc đàn đá “độc nhất vô nhị” của Khánh được hình thành.


Nghĩ là làm, ngày ngày Khánh lang thang khắp các cửa hàng bán đá lát nền, tìm mua lại những viên đá bị vỡ hoặc không dùng đến đem về để thực hiện ý tưởng của mình. Khánh cho biết: Để làm được đàn đá phải hiểu những đặc tính, phải chọn được loại đá nào phát ra được âm trong và ngân như loại đá granite.


Mất hơn 1 tuần cần mẫn cắt, gọt, cuối cùng chiếc đàn đá với 16 âm của Khánh đã hoàn thành. Rơ Chăm Khánh cho biết: “Chiếc đàn đá này có ảnh hưởng từ những thanh âm của chiếc đàn Ka Ram (đàn làm bằng tre ngà) do chính người thầy Nguyễn Thọ Điều chế tạo, lúc ấy mình nghĩ nếu tre cũng làm được đàn T’rưng, đàn Ka Ram thì cũng có thể dùng đá chế tác thành đàn. Mình chọn vật liệu đá cũng bởi mình đã từng nghe được âm thanh rất đặc biệt của tiếng suối lèn qua từng ngách đá trong rừng”.


Chiếc đàn đá được gia nhập vào dàn nhạc cụ dân tộc và đã theo Khánh đến mọi thôn, làng để biểu diễn, ngân những khúc hát, những làn điệu dân ca, ca ngợi quê hương, đất nước. Rơ Chăm Khánh cũng truyền dạy cách chơi đàn đá cho các em học sinh của Trường phổ thông Dân tộc nội trú huyện với mong muốn thế hệ trẻ biết giữ gìn nét đẹp của đồng bào mình.


Những gì mà nghệ nhân Hồ Thị Bảy và chàng thanh niên Rơ Chăm Khánh đã làm khiến nhiều người phải nể phục và tự hào bởi trong sự ồn ào, náo nhiệt của cuộc sống hiện đại vẫn còn đó, vẫn còn những người đang ngày đêm miệt mài với công việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc...

Bài và ảnh: Đinh Thị Hương - Quang Thái

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN