LTS: Dù 40 năm đã trôi qua, trận “Điện Biên Phủ trên không” với 12 ngày đêm kiên cường của quân và dân Hà Nội vẫn được nhắc nhớ, lưu truyền và ôn lại mỗi dịp kỷ niệm. Những đau thương mất mát của một thành phố năm xưa đã hứng gần 4 vạn tấn bom vào các khu dân cư, bệnh viện, trường học, nhà ga... Những chứng tích bằng sắt thép vô tri hay còn hằn sâu trong tâm khảm các nhân chứng một thời.
Sẽ là nỗi đau nếu lớp trẻ hôm nay lãng quên hoặc không biết đến những trang sử ghi bằng máu, bằng sự quật cường, sáng tạo trong chiến đấu ấy của cha ông.
Bài 1: Phố Khâm Thiên - “Máu và hoa” một thuở
Con phố nhỏ với những chuyến tàu cần mẫn đi qua nơi đầu phố. Con phố của “một thời đạn bom - một thời hòa bình”. Giữa tấp nập ngày hôm nay, có những khoảng lặng đầy thiêng liêng của hồi ức về tháng 12 rực lửa bầu trời Hà Nội năm xưa...
“... phố Khâm Thiên sụp đổ
tiếng người la khủng khiếp xé đêm dài...”
Đài tưởng niệm các nạn nhân B52 phố Khâm Thiên. |
Thực khó cầm lòng để trích dẫn đầy đủ những câu thơ của nhà thơ Lưu Quang Vũ về nỗi thương đau trên con phố nhỏ năm xưa. Sau 40 năm, những ngôi nhà, tòa nhà mới đã mọc lên, quang cảnh cũng nhiều thay đổi. Thật may mắn khi tìm gặp được những nhân chứng sống của năm xưa để nghe kể về những hồi ức không muốn nhớ nhưng thật khó nguôi quên.
Chung ngày giỗ, chung ký ức đau thương...
Chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Cầu, một cựu chiến binh, cán bộ hưu trí ở số nhà 19, ngõ Sân Quần, phường Khâm Thiên (Hà Nội), một trong ít những nhân chứng còn ở lại Khâm Thiên sau sự kiện bi thảm năm 1972. Giờ đã 76 tuổi, tóc bạc trắng, mắt mờ đi, nhưng ông vẫn hăng hái tham gia công tác đoàn thể, là Bí thư chi bộ kiêm Tổ trưởng tổ dân phố. 40 năm đã qua đi nhưng những ký ức về phố bom khi ấy thì chưa bao giờ phai nhạt trong ông. Ông bảo, rất nhiều đêm vẫn gặp ác mộng, với cảnh phố cháy rừng rực của 40 năm trước...
Ông Cầu kể lại: “Tôi còn nhớ rất rõ hôm đó là ngày 26/12, trời lạnh, khoảng 9 giờ tối, tôi đi trực chiến tại Nhà máy in Hà Nội, ở nhà chỉ còn vợ và con. Khoảng hơn 10 giờ đêm, đèn điện vụt tắt, hàng loạt tiếng nổ lớn kéo dài, tiếp theo là những đám cháy lớn bùng lên sáng rực. Tôi chạy vội về... Một cảnh tượng khủng khiếp hiện ra trước mắt: Hầu như toàn bộ khu phố Khâm Thiên trong chốc lát chỉ còn là một đống gạch vụn. Tôi tìm đường vào nhà, nhà tôi bị san phẳng, vợ và con tôi không thấy đâu, đêm tối không nhìn thấy gì cả, chỉ có những tiếng gọi nhau, kêu khóc. Lửa vẫn bập bùng cháy đây đó, người sống bới tìm người chết trong tuyệt vọng...
Chưa tìm thấy vợ con, tôi tiếp tục đi làm nhiệm vụ trực chiến và hy vọng mong manh rằng vợ con còn sống sót. Sáng hôm sau về nhà, trời sáng nhìn cảnh tượng tàn phá của bom B52 càng ghê rợn hơn. Đứng từ đầu phố có thể nhìn thấy cuối phố vì đã bị san phẳng. Nỗi lo sợ lớn nhất cũng đã được khẳng định: Chiếc hầm trú ẩn chứa hơn 40 người, trong đó có cả vợ và con tôi, cùng hai đứa cháu con bà chị gái và chú em ruột đã bị bom Mỹ ném trúng! Vợ con tôi và những người trong hầm đã tan vào đất đá, không nhận ra được gì nữa...
Xung quanh tôi lúc đó mọi người ra sức đào bới với hy vọng tìm thấy xác người thân, nhưng hầu hết không thấy. Tiếng khóc cha, khóc mẹ, khóc con, khóc người thân vang một góc phố. Xa xa là tiếng máy bay phản lực Mỹ vẫn ì ầm. Nhìn hàng dài những chiếc quan tài được mang đến để khâm liệm những nạn nhân, lòng tôi đau thắt... Chưa khi nào tôi phải hứng chịu một nỗi đau lớn lao đến vậy. Chỉ sau một loạt bom, giặc Mỹ đã cướp đi của tôi 5 người thân!” - giọng ông Cầu nghẹn lại.
Cũng hứng chịu những cảnh tang thương sau loạt bom B - 52 của Mỹ đêm 26/12/1972, gia đình ông Nguyễn Đình An mất 2 người thân. Năm nay, ông đã ngoài 70 tuổi, dù 40 năm đã trôi qua nhưng những hồi ức về cái đêm khủng khiếp đó vẫn hiển hiện trong ông, khi mất đi mẹ và người em chỉ trong một khoảnh khắc.
Không riêng gì nhà ông Cầu, ông An, trong cái đêm 26/12/1972 khủng khiếp ấy, toàn bộ 6 khối phố của Khâm Thiên hầu như đã bị xóa sạch. Gần 2.000 ngôi nhà bị sập, trong đó có 534 nhà bị phá hủy hoàn toàn. Bom Mỹ đã giết 287 sinh mạng. Trong phút chốc, hàng trăm gia đình phải chịu cảnh tang tóc, 178 em bé trở nên mồ côi, trong đó có 66 em bé mồ côi cả cha lẫn mẹ. Nhiều gia đình cả nhà không còn ai sống sót...
Ngày giỗ chung của hàng trăm gia đình ở Khâm Thiên, còn có gia đình chị Lê Thị Đức, ở ngõ Hồ Dài. Tuổi ngoài 50, chị vẫn mang trong mình di chứng do bom B52 gây ra cách đây đã 40 năm. Cái đêm đó khi máy bay Mỹ ném bom Hà Nội, còi báo động vang lên, mọi người lao xuống hầm trú ẩn... Một quả bom đã rơi trúng vào nhà và khu hầm nơi có 4 anh chị em chị Đức. Sau giây phút ấy, chị chẳng còn nhớ được gì cho đến khi tỉnh lại tại bệnh viện. Đau đớn hơn, mãi đến sau này chị mới biết, chỉ mỗi mình chị sống sót sau loạt bom đánh sập căn hầm...
Cuộc sống của chị kể từ đó trở nên cơ cực khi di chứng của vết thương do bom B52 đã làm ảnh hưởng đến sức lao động. “Tôi không sao quên được cái đêm kinh hoàng đó. Nó khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh tang tóc, không một mái nhà, mọi thứ mất hết mà chưa biết rồi cuộc sống sẽ ra sao”, chị Đức ngậm ngùi kể lại. Những tấm giấy dầu do Nhà nước cấp, những viên gạch vỡ còn lại sau trận bom... là tất cả những gì mà gia đình chị Đức cùng hầu hết người dân Khâm Thiên có được để xây dựng lại cuộc sống.
Ngày mới trên khu phố cũ
Cuộc sống của người dân Khâm Thiên hôm nay đã khác xưa rất nhiều. Với chị Đức, cuộc sống đã ổn định và no đủ. Với ông Cầu, ông An giờ có thể an nhàn vui tuổi già bên con cháu. Đúng như lời ông Nguyễn Văn Hòa, Bí thư Đảng ủy phường Khâm Thiên nói: 40 năm đã trôi qua, tất cả đã trở thành quá khứ. Cuộc sống của người dân Khâm Thiên hôm nay đã đổi thay. Bộ mặt đô thị đã đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Những khu phố sầm uất, những dãy nhà cao tầng và cuộc sống no ấm đã xóa đi cảnh hoang tàn ngày nào. Khâm Thiên hôm nay tươi sáng màu với Rạp chiếu phim Dân chủ đông vui mấy ca chiếu mỗi ngày, với những cửa hiệu thời trang sang trọng, cửa hàng bánh xinh xắn... hay quán ăn tấm tắc tiếng khách hàng xuýt xoa.
Ký ức đau thương ngày nào, giờ chỉ còn là hình ảnh Đài tưởng niệm (mà người dân nơi đây vẫn quen gọi là Bia Căm thù) nơi góc phố, với bức tượng người phụ nữ bế xác trẻ thơ... Nơi, để hàng ngày, những người còn sống nhớ về một nỗi đau không gì bù đắp được. Nơi, để thế hệ trẻ biết đến tội ác của B - 52 và những gì thế hệ trước đã trải qua trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Và cũng là nơi những du khách quốc tế đến Việt Nam có thể hiểu rõ hơn về nỗi đau chiến tranh vẫn còn âm ỉ đâu đó trên đất nước hiền hòa thanh bình này.
Bài và ảnh: Lê Sơn
Bài 2: “Hồ B52” - Nơi lũy thép làng hoa