Cứ vào những ngày cuối tháng Tư lịch sử là tôi lại có thói quen đi chầm chậm một mình trên những cây cầu bắc qua sông Đồng Nai đoạn ở thành phố Biên Hòa: cầu Ghềnh, cầu Rạch Cát, cầu Đồng Nai.
Trời tháng Tư nắng vàng rực rỡ. Gió từ sông Đồng Nai thổi lên mát rượi. Đôi ba chiếc xà lan khẳm nặng từ từ trôi. Người xe đi lại tấp nập. Đôi bờ sông Đồng Nai cảnh sắc mỗi ngày mỗi khác theo hướng mở mang, phát triển. Cận kề là Khu công nghiệp Biên Hòa 1, Biên Hòa 2 san sát nhà máy. Kề bên cầu Đồng Nai cũ, một cây cầu mới đã nối nhịp. Nối nhau những con tàu vào “ăn hàng” ở cảng Đồng Nai, cảng Bình Dương. Nhịp sống náo nhiệt và thanh bình tịnh như không còn lưu một chút nào dấu vết của một thời chiến tranh khốc liệt nếu không để ý kỹ đến hai chiếc lô cốt đen sì, đầy bụi bặm đầu cầu Ghành, cầu Rạch Cát.
Những ngày này cách đây ba mươi lăm năm trước, là những ngày tháng chiến đấu ác liệt cuối cùng của quân và dân ta giải phóng hoàn toàn miền Nam. Chiến dịch Hồ Chí Minh chính thức bắt đầu. Năm binh đoàn hùng mạnh của ta từ năm hướng ào ạt như vũ bão xốc tới giải phóng Sài Gòn - thủ phủ của chế độ bù nhìn bán nước. Để đảm bảo đường tiến cho đại quân, các đơn vị đặc công ta được lệnh tiến công chiếm giữ các cây cầu: “Đêm 26 tháng 4 năm 1975, một đơn vị thuộc trung đoàn đặc công 113 đánh vào căn cứ Hốc Bà Thức, một bộ phận đánh chiếm cầu Hang (Hóa An), cầu Gành, cầu Rạch Cát. Cuộc chiến đấu diễn ra rất quyết liệt. Ta với địch giằng co ở những cây cầu này… Ở huớng Đông Nam Long Thành, Đoàn đặc công 116 đánh chiếm cầu xa lộ Đồng Nai vào đêm 27 tháng 4 năm 1975. Ta và địch giằng co rất quyết liệt. Đến đêm 29 tháng 4 ta hoàn toàn chiếm giữ cầu Đồng Nai”. (Lịch sử Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Đồng Nai 1930-1995, tập 2).
Lịch sử chỉ ghi lại một vài dòng vắn tắt như thế nhưng trên những cây cầu ở Biên Hòa trong những ngày cuối tháng Tư năm ấy là biết bao máu lửa. Chỉ với lực lượng nhỏ, các dũng sĩ đặc công của chúng ta phải thực hiện hai nhiệm vụ vô cùng nặng nề, đó là đánh bật địch ra khỏi các cây cầu và chốt giữ bằng được cho đến khi đại quân ta tiến đến. Sau này, nhiều bài báo đã tường thuật lại chi tiết những trận chiến đấu oai hùng ấy. Địch dồn mọi lực lượng quyết chiếm lại các cây cầu. Các chiến sĩ của ta đã chiến đấu với lực lượng địch đông gấp bội, vô cùng hung hãn như con thú dữ cùng đường. Ta với địch giành đi giật lại từng cây cầu. Ở cầu Gành, cầu Rạch Cát, đơn vị đặc công ta lúc đầu được giao nhiệm vụ chiếm giữ trong một ngày một đêm là đại quân về tới nhưng cuộc chiến đấu ở nơi đây đã kéo dài tới bốn ngày đêm ròng rã. Các anh đã gần như chiến đấu tới người cuối cùng. Năm mươi hai cán bộ, chiến sĩ ta đã anh dũng ngã xuống. Ở cầu xa lộ Đồng Nai, sự hy sinh của ta cũng không nhỏ. Những người lính đặc công đã lấy máu xương mình, hiến trọn tuổi thanh xuân của mình chiếm lại và bảo vệ nguyên vẹn các cây cầu đón đại quân tiến về giải phóng.
Bây giờ sống trong những ngày tháng thanh bình vẫn tưởng như đâu đó ánh mắt các anh đang dõi về. Những ngày ấy, tuổi các anh còn trẻ lắm, mười chín, đôi mươi, nhiều mơ mộng, hoài bão. Hơn ba mươi năm qua, các thế hệ tiếp nối đã đang viết tiếp những ước mơ, khát vọng của các anh. Đất nước trải qua nhiều gian khổ, khó khăn đã đổi mới, giàu mạnh hơn nhiều, tuy vẫn còn ngổn ngang nhiều việc phải làm.
Kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam năm nay, tôi lại vẫn chầm chậm độc hành trên những cây cầu ở Biên Hòa, lắng nghe tiếng thầm thì nhắc nhở từ quá khứ. Và tôi cứ ước, giá như trong ồn ào, náo nhiệt những động thái kỷ niệm có thêm một cử chỉ nhỏ, đó là có những bông hoa, bó hoa được thả xuống trên những cây cầu đẫm máu các anh hùng liệt sĩ năm nào, tri ân công đức, sự hy sinh lẫm liệt của các anh.
Đàm Chu Văn