Xin được nói ngay, đó là hai cây cầu bộ hành tại nút giao Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân và trên đường Nguyễn Chí Thanh, những tuyến phố trung tâm của Hà Nội. Sở dĩ hai cây cầu trị giá hàng chục tỷ đồng vừa mới xây dựng đã phải tháo dỡ là do Hà Nội đang triển khai xây dựng hai cầu vượt tại nút giao Bạch Mai - Đại Cồ Việt và Kim Mã - Deawoo, nên buộc phải phá bỏ hai cầu bộ hành gần các nút giao nói trên. Sự việc trên khiến nhiều người cảm thấy lo ngại và xót cho đồng tiền thuế của dân đóng góp.
Vài ba năm trước, UBND thành phố Hà Nội phê duyệt dự án đầu tư 234 tỷ đồng để xây dựng 18 cây cầu vượt bộ hành trên các tuyến đường Chùa Bộc, Láng Hạ, Giảng Võ, Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng, Liễu Giai, Tây Sơn, Hoàng Quốc Việt, Trần Khát Chân, Giải Phóng… Mục tiêu của dự án là tăng cường an toàn trên các tuyến đường, hạn chế tai nạn giao thông cho người đi bộ và góp phần giảm ùn tắc giao thông tại các tuyến đường chính trong hệ thống trục đường đô thị của Thủ đô. Ai cũng hiểu, trước khi triển khai dự án, các cơ quan có trách nhiệm đã tiến hành khảo sát và có căn cứ để chọn các điểm xây dựng cầu. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đã có không ít cầu bộ hành đặt không đúng chỗ nên vắng người qua lại, đã trở thành tụ điểm cho các tệ nạn xã hội như tiêm chích, mại dâm, sới bạc… gây mất mỹ quan đô thị. Không nói đâu xa, dự án cầu bộ hành ngay trước cổng trường Đại học Quốc gia Hà Nội (trên đường Xuân Thủy) phần móng trụ cũng được hoàn thành từ nhiều tháng nay, nhưng cuối cùng đành phải bỏ dở vì mố cầu đặt ở vị trí không hợp lý, gây phản cảm (chắn ngay trước cổng chính của trường Đại học Quốc gia), nên gặp sự phản ứng gay gắt của dư luận.
Qua việc đầu tư xây dựng hệ thống cầu vượt, đã cho thấy quy hoạch giao thông ở Hà Nội không được đầu tư dài hạn, mà chỉ được giải quyết một cách tình thế, manh mún, chắp vá; hay nói cách khác, nó thể hiện tầm nhìn hạn hẹp của những người làm công tác quy hoạch giao thông. Khi làm cầu đi bộ, cơ quan chức năng không tính đến việc làm cầu vượt và khi xảy ra ùn tắc ở các nút giao thông này, thì lại quyết định xây cầu vượt. Lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng thừa nhận các quy hoạch giao thông chưa hoạch định xây dựng cầu vượt qua các nút giao nên ảnh hưởng các công trình cũ!
Bởi vậy, sự lãng phí là không tránh khỏi.
Có người phải thốt lên rằng: Hà Nội đã quá lãng phí khi xây dựng các công trình giao thông, thậm chí còn nặng lời rằng, đây là một kiểu “đốt tiền” thuế của dân!!!
Chắc chắn sẽ còn nhiều công trình tiếp tục phải trả giá cho sự lãng phí nếu như công tác quy hoạch nói chung và các công trình giao thông nói riêng không được siết lại. Bên cạnh đó, cứ với tình trạng “cha chung không ai khóc”, không quy rõ trách nhiệm đối với “cha đẻ” của những công trình “đoản thọ”, những công trình tai ương, thì khó mà hy vọng đẩy lùi được một trong ba thứ giặc nội xâm nguy hiểm, đó là sự quan liêu, lãng phí - như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy.
Yến Nhi