Kinh tế và giao thông khó khăn, người dân còn giữ tập tục sinh đẻ tại nhà hoặc chỉ cho người nhà, người cùng dòng tộc đỡ đẻ... nên tỷ lệ tử vong mẹ tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, nhất là khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, luôn cao gấp 3 - 4 lần so với khu vực đồng bằng. Thế nhưng, từ khi có đội ngũ cô đỡ thôn bản, tỷ lệ tử vong mẹ và trẻ sơ sinh tại những khu vực này đã giảm đi đáng kể.
Đội phản ứng nhanh
Vào buổi chiều cuối năm, chúng tôi tới bản Xì Choang, xã Vàng Ma Chải, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu để gặp và tìm hiểu công việc của cô đỡ thôn bản Lý Thị Mẩy, 26 tuổi, dân tộc Dao. Nghe chuyện của Mẩy, chúng tôi ai nấy đều rất xúc động. Năm 2007, Mẩy sinh đứa con đầu lòng, nhưng do không hiểu biết, để ở nhà đẻ nên sinh ra cháu đã rất yếu và qua đời sau đó chừng nửa tháng, khi gia đình còn chưa kịp đặt tên.
Các cô đỡ ở xã Pa Vệ Sử, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, tham dự lớp tập huấn cách đỡ đẻ và chăm sóc sản phụ. |
“Thấy em đẻ khó, chồng và gia đình cho rằng do con ma nên mời thầy mo về cúng, 3 ngày sau em vẫn chưa sinh được thì mọi người mới hốt hoảng chuyển ra trạm y tế xã. Sau đó, em sinh được cháu gái 2,5 kg, nhưng sinh ra sức khỏe của bé đã không tốt. Nửa tháng sau thấy cháu không ăn, da xanh xao nên gia đình lại mời thầy mo đến cúng để đuổi con ma, thế nhưng, 3 ngày sau thì cháu qua đời”, Lý Thị Mẩy nhớ lại.
Từ nỗi đau của bản thân, sau khi được đi học 6 tháng về các kỹ năng của cô đỡ thôn bản, Lý Thị Mẩy đã rất tích cực tuyên truyền, vận động chị em đang mang thai đến cơ sở y tế để thăm khám; giúp phát hiện dấu hiệu bất thường về thai sản để chuyển đến cơ sở y tế kịp thời. Nhiều chị em đã “mẹ tròn, con vuông”, số bà mẹ và trẻ bị tử vong trong quá trình sinh đẻ tại địa phương cũng không còn nhiều như trước.
Việc các thai phụ sinh tại nhà, đặc biệt không được cán bộ y tế đỡ đẻ là nguyên nhân chính làm tăng tỷ lệ tử vong mẹ ở những khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa. Thế nhưng, tại các tỉnh miền núi, tỷ lệ đẻ tại nhà lại chiếm khá cao từ 40 - 60%, trong đó tỉnh Lai Châu là 59%, Điện Biên 55%, Lào Cai 53%, Hà Giang 45%, Sơn La 42%... Do đó, từ nhiều năm nay, Bộ Y tế đã chú trọng xây dựng mô hình cô đỡ thôn bản tại những địa phương vùng sâu, vùng xa. Đến nay, đã đào tạo được 1.300 cô đỡ thôn bản, là những phụ nữ trẻ người dân tộc, sinh sống tại chính địa bàn công tác. Thứ trưởng Bộ Y tếNguyễn Viết Tiến |
Rời nhà của Lý Thị Mẩy, chúng tôi vào tận bản Chang Hỏng 2, xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ (Lai Châu) để gặp cô đỡ thôn bản dân tộc Dao, Lý Thị Phương. Gặp chúng tôi, Phương nhanh nhẹn rót nước và xởi lởi mời khách bằng tiếng phổ thông rất sõi. Lý Thị Phương kể: “Bản Chang Hỏng 2 có 39 hộ dân, ở xa trung tâm xã khoảng hơn 10 km, đường dân sinh đi lại rất khó khăn. Trước kia, dân trí thấp nên bà con vẫn tin vào nhiều hủ tục cúng bái để chữa bệnh hoặc giữ thói quen sinh tại nhà, tại vườn. Nhiều trường hợp biến chứng nặng mới chuyển tới cơ sở y tế thì đã quá muộn. Sau khi được cử đi học chuyên môn phụ sản về, em đã tìm đến bà con để tuyên truyền, giải thích, vận động giúp mọi người hiểu được lợi ích của việc khám bệnh, sinh đẻ tại cơ sở y tế là tránh được tai biến. Do đó, bây giờ chị em phụ nữ đều ra trạm y tế xã để sinh con...”.
Chị Hoàng Thị Thắm, 22 tuổi, tại xã Then Sin, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu cũng chia sẻ: “Đầu năm 2013, đúng lúc tôi có dấu hiệu sinh con thì gia đình đi vắng hết. Trong lúc đau đớn vô cùng, may mà có cô đỡ thôn bản tới giúp. Nhờ vậy, mẹ con chúng tôi mới được mẹ tròn con vuông. Sau khi đỡ đẻ cho tôi xong, cô đỡ thôn bản còn ở lại nhà suốt 6 giờ để theo dõi sức khỏe cho cả hai mẹ con và hướng dẫn tôi cách chăm sóc trẻ để tránh bệnh tật và có đủ dinh dưỡng”.
Cô đỡ thôn bản mà chị Hoàng Thị Thắm nhắc tới là chị La Thị Anh, 30 tuổi, dân tộc Thái ở bản Thèn Sin 1, xã Then Sin, huyện Tam Đường (Lai Châu). Năm 2005, La Thị Anh được cử đi học 6 tháng ở huyện về nghiệp vụ y tế thôn bản, 6 tháng làm bà đỡ. Đến nay đã làm nghề được 6 năm, cô cũng gặp không ít khó khăn vì địa bàn rộng, đông hộ dân, sống rải rác, nhất là trình độ người dân thấp, không hiểu nên không phối hợp. Nhưng với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, La Thị Anh kiên trì xuống tận nhà, gặp từng người dân để vận động, tuyên truyền việc ốm đau không phải do con ma làm, mà do người mình có bệnh, phải đi khám và chữa trị; những chị em mang thai phải đi khám định kì, lúc sinh phải đến trạm y tế thì mới an toàn... Dần dần, người dân cũng hiểu ra, hạn chế việc cúng bái chữa bệnh. Hiện 100% bà con có thẻ bảo hiểm y tế nên mọi người đều có ý thức đến trạm y tế xã để khám và lấy thuốc.
Trao đổi cùng chúng tôi, bác sỹ Phạm Mạnh Hùng, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh Lai Châu cho biết: Lai Châu là tỉnh nghèo, có 20 dân tộc thiểu số sinh sống, địa bàn rộng, giao thông đi lại cách trở, trình độ dân trí thấp, còn nhiều hủ tục lạc hậu, nên việc khám chữa bệnh và sinh nở tại trạm y tế còn nhiều hạn chế. Mấy năm gần đây, nhờ vào đội ngũ y tá và cô đỡ thôn bản là người địa phương tuyên truyền, vận động bà con dân bản, nên người dân đã hiểu, ý thức được quyền lợi của mình, giảm thiểu những ca tử vong xảy ra.
“Cô đỡ thôn bản có trách nhiệm quản lý số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, vận động phụ nữ khi có thai thì đi khám thai và đỡ đẻ tại trạm y tế, hỗ trợ tuyên truyền nuôi con bằng sữa mẹ, đưa con đi tiêm chủng và lợi ích từ các biện pháp tránh thai. Những trường hợp khẩn cấp không đưa kịp ra trạm y tế thì cô đỡ sẽ làm nhiệm vụ đỡ đẻ tại chỗ. Các cô đỡ được đào tạo chuyên môn cơ bản về sức khỏe sinh sản của bà mẹ và trẻ em, được thực hành đỡ đẻ trên mô hình và các ca đẻ tại bệnh viện, vì vậy hiệu quả từ đội ngũ cô đỡ ở cơ sở là rất lớn. Theo số liệu thống kê, hiện nay số bà mẹ được cán bộ y tế đỡ đẻ là hơn 61,1%; năm 2010 toàn tỉnh Lai Châu có 10 ca chết mẹ do tai biến sản khoa, đến năm 2012 giảm xuống chỉ còn 5 ca. Đó là điều rất đáng mừng”, BS Phạm Mạnh Hùng cho biết.
Cần có thêm chế độ đãi ngộ
Ông Lê Phú Hiếu, Phó Giám đốc Sở Y tế Lai Châu, khẳng định: Thành công của ngành y tế là nhờ một phần công sức đóng góp của cán bộ y tế thôn bản và cô đỡ. Tuy nhiên, việc chi trả cho công sức của đội ngũ này còn quá thấp, chưa thu hút được các em yêu, gắn bó lâu dài với nghề... Chế độ ngân sách tỉnh cử các em đi học 3 tháng, chỉ được 50.000 đồng/ngày (trong 3 tháng), trong khi các nguồn dự án tài trợ khác thì được hỗ trợ 100% kinh phí, kể cả là tiền đi lại. Đặc biệt, 85% nhân viên y tế thôn bản hiện nay vẫn chưa được đào tạo đạt chuẩn là 9 tháng (trình độ y tá sơ học), ngành y tế Lai Châu đang đề xuất xin kinh phí để tiếp tục mở lớp đào tạo nâng cao tay nghề cho các em đạt chuẩn theo yêu cầu.
Theo PGS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế: Bắt đầu từ ngày 8/3/2013, cô đỡ thôn bản đã chính thức được công nhận là một chức danh trong hệ thống y tế, được hưởng phụ cấp theo quy định và tương đương như y tế thôn bản, chứ không chỉ vẻn vẹn được trợ cấp 50.000 đồng/tháng như trước đây. Đồng thời, đội ngũ cô đỡ thôn bản sẽ được đào tạo từ 6 tháng trở lên theo khung chương trình đào tạo cô đỡ thôn bản của Bộ Y tế. Quyết định quan trọng này đã góp phần động viên cả về tinh thần, vật chất và tạo sự ổn định cho đội ngũ cô đỡ thôn bản, qua đó nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, chăm sóc thai sản ở vùng sâu, vùng xa, góp phần làm giảm tai biến sản khoa tại cộng đồng. Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục tăng cường chỉ đạo việc mở rộng mô hình cô đỡ thôn bản tại những tỉnh vùng sâu vùng xa, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.
Bài và ảnh:Việt Hoàng