Nhiều thách thức với gia đình hiện đại

Nếu mọi người được sống và lớn lên trong một gia đình nhân ái, nếu như từ nhỏ đã được ông bà, cha mẹ quan tâm dạy dỗ về đối nhân xử thế, về đạo làm người, về luân lý, đạo đức thì chắc rằng xã hội sẽ tốt đẹp hơn, đó là khẳng định của một chuyên gia tâm lý về vai trò của gia đình trong xã hội hiện đại.


Chức năng giáo dục đạo đức đang suy giảm


Những câu chuyện về đạo đức trong thời gian gần đây như bác sĩ thẩm mỹ phi tang xác nạn nhân, các vụ án trái với luân thường đạo lý như con giết cha mẹ, cháu giết bà, vợ đốt chồng, chồng giết vợ... là một thực tế đáng buồn về đạo đức, lối sống đang xuống cấp. Mà nguyên nhân cơ bản là do mặt trái của cơ chế thị trường đã phá vỡ nhiều giá trị văn hóa dân tộc tốt đẹp trong đó có những giá trị của mô hình gia đình truyền thống.

Gia đình truyền thống với nhiều giá trị tốt đẹp.


Theo bà Trần Tuyết Ánh, Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch): “Giáo dục đạo đức gia đình đang đối mặt với những thách thức và nguy cơ không hề nhỏ. Hiện tượng tiếp thu cái tốt chậm, cái xấu nhanh, a dua đám đông... trong xã hội, nhất là trong giới trẻ, đang là nỗi ám ảnh với gia đình và xã hội”.


Có một thực tế, trong gia đình hiện đại, chính cha mẹ là những người phải chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc dạy dỗ con em mình thành người, thì họ lại mải bận bịu với việc làm kinh tế, không có nhiều thời gian cho việc chăm sóc, dạy dỗ con cái. Nhiều ông bố bà mẹ chỉ lo kiếm tiền để đảm bảo nhu cầu vật chất cho con, còn việc chăm sóc con thì phó mặc cho người giúp việc. Thậm chí, tiêu chí “đứa con ngoan” của nhiều gia đình cũng bị lệch. Nếu trước đây một đưa con ngoan là phải biết vâng lời, lễ phép với người lớn, chăm chỉ lao động, kính trên nhường dưới... thì ngày nay hầu hết các gia đình lại đồng nhất đứa con ngoan là học giỏi, là có nhiều thành tích, trong khi cha mẹ sẵn sàng “phục dịch”, cũng như đáp ứng mọi nhu cầu của con. Không ít gia đình, trẻ con đã quên cách chào hỏi người lớn vì bố mẹ không chú trọng việc dạy các phép tắc ứng xử cho con mình.


PGS.TS Trịnh Hòa Bình chia sẻ: “Nhiều người chiều con cháu, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu quá mức của con cháu, khiến chúng trở nên vô cảm và ích kỷ. Cha mẹ không dạy cho con biết rằng đồng tiền họ làm ra thật khó nhọc như thế nào, không ai ăn tiêu mà không phải lao động sản xuất. Từ nhỏ đến lớn, lúc nào con cái cũng được thỏa mãn mọi nhu cầu của mình, việc đó trở thành thói quen, dẫn đến lối sống của đứa trẻ bị lệch lạc. Nó luôn xem ý muốn của mình là tối thượng, ai không thừa nhận, ai chống lại ý muốn của nó, nó sẽ phản kháng. Những cán bộ ích kỷ, vô trách nhiệm, những bảo mẫu hành hạ trẻ em, những bác sĩ vô cảm trước nỗi đau và sự khốn khó của bệnh nhân... là kết quả thất bại của giáo dục gia đình, là sản phẩm của cả một quá trình giáo dục gia đình không được coi trọng”.


Phải “Dạy con từ thuở còn thơ”


Giáo dục đạo đức, lối sống tốt đẹp cho con người cần sự kết hợp chặt chẽ, đồng thuận của “tam giác” hình thành nhân cách gia đình - nhà trường - xã hội. Trong đó, chức năng giáo dục của gia đình luôn được đặt lên hàng đầu và lấy việc giáo dục con em từ những năm tháng đầu đời làm gốc.


TS Nguyễn Toàn Thắng chia sẻ: “Theo tôi, phương pháp giáo dục trẻ hiệu quả nhất đó là giáo dục con người bằng lao động. Khi trẻ được tham gia lao động phù hợp với lứa tuổi, trẻ sẽ biết làm việc khoa học, hiểu và biết thương yêu ông bà, cha mẹ, những người xung quanh, biết trân trọng những người sống quanh mình. Chỉ có lao động mới làm cho con người hiểu được các giá trị của cuộc sống, từ đó hướng tới xây dựng một cuộc sống lao động chân chính, góp phần hình thành cho trẻ một nhân cách tốt đẹp”.


“Chúng ta cần phải đưa những nội dung giáo dục gia đình vào hệ thống giáo dục phổ thông. Phải truyền dạy những bài học, những kiến thức về tình cảm đạo đức và nghĩa vụ gia đình cho trẻ ngay từ những bài học đầu tiên khi chúng tới trường. Đáng tiếc là cho tới nay, điều này vẫn còn chưa được các nhà giáo dục của chúng ta chú ý tới. Trong khi đó, ngày xưa, ngay từ những buổi đến trường đầu tiên, chưa biết mặt chữ, ông cha ta đã phải học về những tấm gương hiếu thảo với cha mẹ trong sách “nhị thập tứ hiếu” rồi”, GS Đặng Cảnh Khanh chia sẻ.


Về nội dung giáo dục trong gia đình, thạc sỹ Hoa Hữu Vân cho rằng nội dung giáo dục gia đình hiện nay cần tập trung vào việc giáo dục cách ứng xử trong gia đình với nguyên tắc đã được bao thế hệ gìn giữ, lưu truyền “Trên kính, dưới nhường” và lòng hiếu thảo của con cháu đối với ông bà, cha mẹ. Thạc sỹ Vân nhấn mạnh: “Đây vừa là phép tắc ứng xử, vừa là giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc. Không thể có một công dân tốt, một công chức tốt hay một cán bộ tốt nếu không có một người con có đạo đức tốt, yêu quý, kính trọng, biết ơn ông bà, cha mẹ, quý trọng người thân”.


Tạ Nguyên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN