Tờ "The Washington Post" ngày 2/9 đăng tải những tiết lộ mới nhất của cựu nhân viên Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Edward Snowden cho biết, khoảng 20% đơn xin việc đáng ngờ gửi tới cơ quan này có "dấu vết" của các tổ chức khủng bố hoặc các nhóm thù địch.
Tổng thống Brazil Dilma Rousseff (trái) hội đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Mỹ ngày 9/4/2012. Bà Rousseff là một trong những lãnh đạo đồng minh của Mỹ bị tình báo nước này do thám. Ảnh: AFP/TTXVN |
Tờ báo dẫn lời một quan chức cho biết, trong một vài năm trở lại đây, CIA đã sàng lọc nhiều hồ sơ xin việc có thông tin không rõ ràng. Điều tra sau đó cho thấy trong số này, cứ năm hồ sơ có một trường hợp "khổ chủ" có dính líu tới các nhóm khủng bố cực đoan. Được biết Hamas, Hezbollah và Al - Qaeda là những cái tên được đề cập tới nhiều nhất khi cơ quan chức năng Mỹ rà soát hồ sơ xin việc cá nhân vào các vị trí trong ngành tình báo Mỹ.
Thực tế đáng lo ngại này đã buộc Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) mở cuộc điều tra diện rộng năm 2012 đối với ít nhất 4.000 nhân viên được phép truy cập thông tin mật. Rà soát hoạt động sử dụng máy tính sau đó đã cho thấy nhiều dấu hiệu đáng nghi trong mạng lưới nội bộ. Một số nhân viên đã truy cập vào các cơ sở dữ liệu không liên quan trực tiếp tới công việc của họ hoặc tải về những thông tin mật.
Mỹ do thám lãnh đạo đồng minh tại Mỹ Latinh
Căn cứ vào tài liệu tối mật do Snowden cung cấp cho một nhà báo Mỹ đang định cư tại Brazil, kênh truyền hình TV Globo của Brazil vừa tiết lộ rằng Tổng thống Brazil Dilma Rousseff và người đồng cấp Mexico Enriquez Peña Nieto đã từng bị NSA theo dõi. Vụ việc này một lần nữa đẩy mối quan hệ ngoại giao giữa Mỹ với các nước đồng minh Mỹ Latinh lên mức báo động cho dù trước đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã tới thăm khu vực trên nhằm hàn gắn cũng như củng cố quan hệ với những nước được cho là "sân sau" của Mỹ.
Theo phóng viên TTXVN tại khu vực Mỹ Latinh ngày 2/9, kênh truyền hình Globo cho biết NSA đã theo dõi các cuộc đàm thoại và thư điện tử mà Tổng thống Rousseff trao đổi với các cố vấn của bà. Còn với ông Peña Nieto, Mỹ đã theo dõi từ khi ông còn là ứng cử viên tổng thống. Hoạt động do thám cũng cho phép NSA biết tên một số bộ trưởng trước khi được ông Peña Nieto chính thức bổ nhiệm.
Sau khi thông tin trên được tiết lộ, Tổng thống Rousseff ngày 2/9 đã triệu tập hai cuộc họp khẩn về việc này. Ngoại trưởng Brazil Luiz Alberto Figueiredo Machado đã triệu Đại sứ Mỹ Thomas Shannon đến để yêu cầu làm rõ vụ việc. Ông đánh giá vụ bê bối này là hành động vi phạm không thể chấp nhận và không được phép đối với chủ quyền Brazil và Mỹ cần đưa ra lời giải thích chính thức bằng văn bản ngay trong tuần này.
Trong khi đó, nhiều quan chức Brazil cho biết sẽ thành lập một ủy ban đặc biệt để điều tra vụ bê bối trên, đồng thời đề xuất một diễn đàn quốc tế giữa tình báo Mỹ và giới quản lý Internet.
Về phía Mexico, chính phủ nước này ngày 2/9 cũng đã triệu Đại sứ Mỹ tới và yêu cầu điều tra về các cáo buộc NSA theo dõi Tổng thống Peña Nieto. Bộ Ngoại giao Mexico đã trao công hàm cho phía Mỹ yêu cầu “một cuộc điều tra thấu đáo” nhằm xác định ai là người phải chịu trách nhiệm đối với việc theo dõi các thư điện tử của Tổng thống Nieto trước khi ông này đắc cử vào năm ngoái.
Trước một loạt phản ứng của hai nước đồng minh của mình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết cơ quan này đang điều tra làm rõ vụ việc, trong khi Đại sứ quán Mỹ tại Brazil từ chối bình luận.
Quang Sơn - TTG