Khuyến khích khách hàng hạn chế rút tiền mặt
Từ ngày 1/3 tới đây, khi quy định về phí dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức có hiệu lực thì các ngân hàng có thể tiến hành thu phí thẻ ATM nội mạng của khách hàng. Tuy nhiên, trao đổi với báo giới ngày 27/2, ông Bùi Quang Tiên - Vụ trưởng Vụ thanh toán (NHNN) cho biết: Trong số 34 ngân hàng đã báo cáo NHNN về biểu phí ATM mới thì vẫn có 22 đơn vị chưa tiến hành thu phí ATM nội mạng.
Theo ghi nhận của phóng viên tại một số cây rút tiền ATM của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank), Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank)... tại Hà Nội chiều 27/2, nhiều người dân không quá quan tâm đến quy định thu phí giao dịch nội mạng của các ngân hàng kể từ ngày 1/3.
Chị Nguyễn Thu Hương (phố Vọng Đức, quận Hoàn Kiếm) cho rằng: Mức thu phí này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến thói quen rút tiền mặt của chị.
Trao đổi với phóng viên Tin tức, nhiều người sử dụng dịch vụ thẻ ATM chia sẻ: Điều họ băn khoăn nhất hiện nay là chất lượng dịch vụ của các điểm ATM cần được đảm bảo để không xảy ra tình trạng lỗi thẻ, hết tiền.
Theo Vụ Thanh toán (NHNN), mục tiêu của Thông tư 35 là dung hòa lợi ích giữa khách hàng với ngân hàng, hướng đến sự phát triển bền vững của dịch vụ ATM tại Việt Nam, phục vụ ngày càng tốt hơn cho khách hàng. Bởi vậy, cùng với việc ban hành quy định về việc thu phí, NHNN cũng đã ban hành quy định về trang bị, quản lý, vận hành và đảm bảo an toàn hoạt động của ATM. Trong đó, quy định khá cụ thể về tiêu chuẩn kỹ thuật đối với ATM như: Phải trang bị camera, thiết bị chống sao chép, trộm cắp thông tin thẻ… cũng như trách nhiệm của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán về quản lý, vận hành ATM.
Để hỗ trợ người lao động thu nhập thấp, nhiều ngân hàng (Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam, Vietcombank...) đã chủ động phân loại sản phẩm dịch vụ, phân loại khách hàng và đề ra những chính sách hỗ trợ cụ thể, thiết thực như giảm 50% phí rút tiền mặt ATM nội mạng, giảm phí phát hành thẻ lần đầu, miễn, giảm phí thường niên... đối với người lao động tại các khu công nghiệp, sinh viên nghèo...
Thông tư 35 cho phép các ngân hàng được thu phí rút tiền mặt đối với các giao dịch nội mạng. Mức phí áp dụng năm nay là từ 0 - 1.000 đồng/giao dịch, từ 0 - 2.000 đồng/giao dịch trong năm 2014 và từ 0 - 3.000 đồng/giao dịch từ năm 2015 trở đi. Ngoài ra, Thông tư cũng nêu biểu khung mức phí áp dụng đến chủ thẻ đối với đầy đủ các loại giao dịch trên ATM của thẻ ghi nợ nội địa, gồm từ phí phát hành thẻ, phí thường niên đến phí giao dịch rút tiền, vấn tin (có in chứng từ), in sao kê, chuyển khoản trên ATM. |
Theo ông Bùi Quang Tiên, tính đến ngày 27/2, gần 80% các ngân hàng đã gửi báo cáo về thực hiện biểu phí ATM mới. Theo đó, có hai ngân hàng quy định phí dưới mức cho phép (từ 200 - 500 đồng cho một giao dịch rút tiền) và 10 ngân hàng thu mức phí tối đa 1.000 đồng cho một lần giao dịch. 22 ngân hàng khác vẫn miễn phí giao dịch ATM nội mạng. Đại diện Ngân hàng Nhà nước chưa công bố cụ thể danh tính các đơn vị này. "Các ngân hàng sẽ chủ động thông báo trên website chính thức trong thời gian tới", ông Tiên nói.
Đại diện Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam cho biết: Đối với khách hàng, việc Thông tư 35 quy định mức phí tối đa mà ngân hàng được thu đối với các giao dịch thực hiện trên ATM là nhằm bảo vệ khách hàng không bị thu phí quá cao. Mặc dù mỗi lần giao dịch ATM, các ngân hàng thương mại (NHTM) phải chịu chi phí lên đến 9.000 đồng nhưng nhằm chia sẻ với người dân trong tình hình kinh tế khó khăn nên NHNN đã quy định mức phí rút tiền mặt tối đa là 1.000 đồng.
Đại diện Vụ Thanh toán cho biết thêm: Nếu tính đầu tư hệ thống thẻ ATM, mỗi tháng các ngân hàng có thể bị lỗ 22 triệu đồng/máy. Vì vậy, nhiều ngân hàng lo ngại sẽ không thực hiện được chỉ tiêu về phát triển số lượng thẻ. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng: Việc đầu tư, mở rộng hệ thống thẻ ATM được xem là chủ trương của Chính phủ cũng như của NHNN nhằm thúc đẩy sự phát triển thị trường thẻ tại Việt Nam.
Minh Phương - Nam Hoàng