Nhiêu khê đăng kiểm

Kế hoạch lắp đặt camera 31 trung tâm đăng kiểm trên toàn quốc (được hoàn thành vào cuối năm nay) của ngành GTVT đang nhận được sự quan tâm của dư luận. Liệu biện pháp đó có khiến tiêu cực trong lĩnh vực này thuyên giảm? Tại hội nghị triển khai công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông ngày 6/7 vừa qua, người đứng đầu ngành Giao thông vận tải thừa nhận rằng, những hành vi tiêu cực trong công tác đăng kiểm, đăng kiểm viên nhận tiền lót tay, để lọt xe thiếu an toàn... đã làm ảnh hưởng đến chất lượng phương tiện, an toàn giao thông và làm giảm uy tín hoạt động đăng kiểm.


Dù pháp luật đã có những quy định về thời gian kiểm định kỹ thuật đối với xe đã qua sử dụng và xe mới, nhưng trong thực tế, công tác này còn nhiều vấn đề cần phải điều chỉnh về quản lý, giám sát và quy trình kiểm định. Rất nhiều chủ doanh nghiệp phản ánh, khi đưa xe đi đăng kiểm, nếu tài xế không chuẩn bị phong bì thì sẽ bị đăng kiểm viên hạch hỏi đủ điều, gây khó dễ.


Phải thấy rằng, tình trạng nêu trên là có thật, nguyên nhân là các trạm đăng kiểm bỏ sót hoặc không thực hiện đúng quy trình kiểm định. Những hiện tượng khó coi của ngành đăng kiểm đã xuất hiện trên các phương tiện truyền thông và gây bức xúc trong dư luận xã hội thời gian qua. Cho nên, có những phương tiện không đạt các tiêu chuẩn về thông số kỹ thuật vẫn được cấp giấy phép lưu hành. Trên thực tế, thủ tục đăng kiểm xe cơ giới hiện nay đã khá bài bản, với hệ thống đăng kiểm hiện đại, chất lượng. Tuy nhiên, điều mà các chủ phương tiện lo ngại là có quá nhiều phiền toái đến từ một số đăng kiểm viên. Đa số các chủ phương tiện có xe đăng kiểm thường bị bắt bẻ về các yếu tố phụ như phanh, xi lanh, vỏ, thùng, lốp, vô lăng, kính, hộp số…

Những phụ tùng nêu trên dù còn đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật đi chăng nữa, thì vẫn được thông báo là “không an toàn” để chủ xe “biết điều”; nói cách khác là chuẩn bị sẵn “phí qua cửa”. Thông thường, nếu muốn quy trình khám xe nhanh, chi phí “bôi trơn” sẽ tương ứng với các yếu tố phụ cần kiểm tra. Nhiều chủ xe tiết lộ, muốn không bị phiền toái, thậm chí cho rớt xe, thường phải “bôi trơn” từ 500 đến 800.000 đồng, thậm chí lên đến tiền triệu. Các loại xe nhiều “bệnh” hoặc “bệnh” nặng, xe đã quá tuổi lưu hành, cũ kỹ, quen đăng kiểm viên và chịu chi là dễ dàng được bỏ qua.


Cách đây chưa lâu, lãnh đạo Cục Đăng kiểm trả lời báo giới rằng, dù có lắp camera “cũng không thể phát hiện hết tiêu cực”. Thành thử, những tiêu cực của ngành đăng kiểm vẫn lởn vởn đâu đó trong bóng tối cabin mà không thể kiểm soát nổi. Giải quyết vấn nạn trên, lấy lại hình ảnh của ngành đăng kiểm thật chẳng dễ dàng gì.


Có ý kiến cho rằng, muốn giảm được tai tiếng, ngành đăng kiểm cần đổi mới công tác quản lý cũng như cần rà soát lại quy trình kiểm định, khẩn trương lấp các kẽ hở dễ làm nẩy sinh tiêu cực. Một vấn đề khác cần được chú trọng là việc giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho các đăng kiểm viên; đồng thời cần tăng cường kiểm tra giám sát lực lượng này khi thực hiện nhiệm vụ.


Yến Nhi

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN